Liên minh Thủ tướng Iraq thắng tại bầu cử cấp tỉnh

Trong cuộc bầu cử cấp tỉnh vừa qua, Liên minh Nhà nước pháp quyền của Thủ tướng al-Maliki đã giành được nhiều ghế nhất ở 7/12 tỉnh.
Theo kết quả công bố ngày 4/5 của ủy ban bầu cử cấp cao độc lập của Iraq, trong cuộc bầu cử cấp tỉnh vừa qua, Liên minh Nhà nước pháp quyền (SLC) của Thủ tướng Nuri al-Maliki đã giành được nhiều ghế nhất ở 7/12 tỉnh, trong đó có thủ đô Baghdad. Tuy nhiên, SLC không chiếm đa số ghế ở bất cứ một tỉnh nào.

Cụ thể, SLC dẫn đầu ở Baghdad, Karbala, Babil, Diwaniyah, Basra, Dhi Qar và Muthanna. Còn ở tỉnh Wasit, SLC cùng dẫn đầu về số ghế với Liên minh Công dân của giáo sỹ Ammar al-Hakim. Tất cả các tỉnh trên đều có người Shiite chiếm đa số hoặc có nhiều cộng đồng sắc tộc chung sống.

Trong khi đó, phong trào của giáo sỹ Hồi giáo Shiite nhiều ảnh hưởng Muqtada al-Sadr dẫn đầu ở tỉnh Maysan. Tại các tỉnh còn lại là Diyala, Najaf và Salaheddin, các đảng phái địa phương áp đảo.

Ủy ban bầu cử cho biết khoảng 51% trong tổng số 13,8 triệu cử tri đã tham gia bỏ phiếu ngày 21/4 vừa qua tại 32.000 điểm bỏ phiếu ở 12 tỉnh, để bầu ra 378 thành viên hội đồng tỉnh trong số 8.000 ứng cử viên. Ba tỉnh tại khu vực tự trị của người Kurd, cùng với tỉnh Kirkuk, miền Bắc và hai tỉnh của người Arập Sunni đang bị ảnh hưởng bởi bạo lực là Anbar và Nineveh không tham gia đợt bầu cử này.

Chính trường Iraq vốn bị chia rẽ sâu sắc giữa các nhóm sắc tộc. Chính phủ của ông Maliki đang đứng trước cuộc khủng hoảng về việc chia sẻ quyền lực giữa người Shiite, Sunni và người Kurd.

Nhiều người Sunni tại Iraq cho rằng họ bị "gạt ra rìa" kể từ khi nhà lãnh đạo Saddam Hussein bị lật đổ trong cuộc chiến mà Mỹ phát động năm 2003. Kể từ đầu tháng 1 năm nay, rất đông người Hồi giáo Sunni đã xuống đường biểu tình tại nhiều tỉnh ở miền Bắc và Tây Iraq, phản đối tình trạng phân biệt đối xử, đồng thời cáo buộc Thủ tướng Maliki, người Shiite, sử dụng bộ máy tư pháp để trấn áp các đối thủ chính trị.

Kết quả khả quan tại cuộc bầu cử hội đồng địa phương sẽ giúp củng cố vị thế của SLC trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào năm 2014. Tuy nhiên, cuộc bầu cử hội đồng địa phương này vẫn để lại nhiều dấu hỏi khi 6 tỉnh chưa thực hiện cũng như tình trạng bạo lực làm hàng chục ứng cử viên thiệt mạng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục