Liệu châu Âu đã thoát khỏi "bão" suy thoái kinh tế?

Hội nghị EU kết thúc, không có quyết định quan trọng nào được đưa ra, và câu hỏi “Liệu châu Âu đã thoát bão?” vẫn đang chờ giải đáp.
Hội nghị thượng đỉnh thường niên mùa Xuân của Liên minh châu Âu (EU), kéo dài trong 2 ngày 14-15/3 tại Brussels, Bỉ, đã kết thúc, song một câu hỏi lớn đang nổi lên: “Liệu châu Âu đã thoát bão?”.

Các nhà lãnh đạo EU gặp nhau lần này trong bối cảnh được cho là “tình hình đáng lo ngại trên toàn châu Âu” - như phát biểu của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rompuy khi khai mạc hội nghị - với các hoạt động kinh tế tiếp tục trì trệ và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao tại châu lục này.

Trên lĩnh vực đối ngoại, vấn đề liên quan tới Syria cũng đang gây chia rẽ trong EU. Do vậy các chủ đề chi phối chương trình nghị sự bao gồm cách thức giải quyết tình trạng thất nghiệp đang ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt trong thanh niên; thúc đẩy tăng trưởng và gia tăng cạnh tranh; các vấn đề đối ngoại cũng như mối quan hệ với các đối tác chiến lược.

Ngày họp đầu của hội nghị đã được dành để thảo luận toàn bộ các vấn đề kinh tế. Chủ tịch Van Rompuy cho biết các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tới 4 mục tiêu chính trong chiến lược kinh tế toàn diện của EU: khôi phục sự ổn định kinh tế và cố gắng duy trì, đảm bảo tài chính công hợp lý và hợp lý cả về mặt cơ cấu, đấu tranh với nạn thất nghiệp, và cuối cùng là cải cách để tăng trưởng lâu dài .

Có những lo ngại trước khi hội nghị diễn ra rằng những bất đồng về cách thức đưa châu Âu thoát khỏi cuộc khủng hoảng có thể sẽ khơi mào lại cuộc tranh cãi gay gắt liên quan tới chính sách khắc khổ và sự tăng trưởng. Song, các nhà lãnh đạo EU đã tránh được xung đột, với việc nhất trí cách diễn giải các nguyên tắc ngân sách của khối có tính tới yếu tố tăng trưởng.

Tuy nhiên, Đức và một số nước khác vẫn cho rằng các biện pháp kinh tế khắc khổ cần có thêm thời gian để phát huy tác dụng. Cách diễn giải mềm dẻo hơn - được đưa ra khi cuộc khủng hoảng kinh tế đã kéo dài 3 năm và trong khi tình trạng thất nghiệp gia tăng còn tình trạng suy thoái thì ngày càng nghiêm trọng trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu – được xem là một thắng lợi đối với Pháp và Italy.

Hai nước này lớn tiếng nhất khi cho rằng cần cân bằng các biện pháp kinh tế khắc khổ với các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng và đoàn kết. Tổng thống Pháp François Hollande là người dẫn đầu một chiến dịch vì sự tăng trưởng và việc làm nhằm cân bằng các chính sách củng cố tài chính do Đức thúc đẩy. Còn Thủ tướng Italy Mario Monti là người vừa chịu một thất bại lớn trong cuộc bầu cử ngày 24-25/2, có thể đưa ra bằng chứng về thiệt hại mà đất nước ông đã hứng chịu do “chính sách khắc khổ quá liều”.

Bản kết luận của hội nghị ghi rõ rằng “những khả năng” hiện có trong các nguyên tắc điều hành đồng euro nhằm cân bằng đầu tư công với kỷ luật tài chính “có thể được tận dụng”.

Tuy trong khi những từ ngữ này cho thấy sự nhận thức rằng việc cắt giảm ngân sách không nên là trọng tâm duy nhất của EU, chính sách khắc khổ sẽ vẫn là biện pháp trụ cột để đối phó với khủng hoảng. Đây dường như cũng là quan điểm của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Barroso còn cho biết ông “đã đặt lên bàn thảo luận một loạt đề xuất nhằm thúc đẩy tăng trưởng”, nhưng phàn nàn rằng việc thực hiện chúng là “quá tồi và quá chậm”.

Trong khi đó, hội nghị không nhất trí được về bất kỳ biện pháp mới nào nhằm tăng việc làm. Chủ tịch Barroso hoan nghênh việc bản kết luận của hội nghị kêu gọi Hội đồng và Nghị viện châu Âu xúc tiến nhanh hơn việc thực thi những đề xuất của Ủy ban - đặc biệt là Hiệp ước Tăng trưởng và Việc làm, và Sáng kiến Việc làm cho Thanh niên.

Theo Tổng thống Pháp Hollande, các nhà lãnh đạo cho biết sẽ thực thi Hiệp ước Tăng trưởng được thông qua hồi mùa Hè năm ngoái và bị các nhà chỉ trích đánh giá thấp với một “tốc độ chóng mặt”. Hiệp ước này được tài trợ bởi nguồn vốn bổ sung (60 tỷ euro) từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu, cũng như bởi nguồn vốn chưa sử dụng từ các quỹ cấu trúc của EU.

Song, có vẻ như Sáng kiến Việc làm cho Thanh niên trị giá 6 tỷ euro chỉ là “hạt muối bỏ biển” trong thời điểm khi tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên ở Hy Lạp và Tây Ban Nha là hơn 50%.

Dường như để nhắc nhở các nhà lãnh đạo châu Âu cần kiên trì, Chủ tịch Van Rompuy nhấn mạnh tại cuộc họp báo kết thúc ngày họp thứ nhất: “Tăng trưởng và việc làm không phải là những thứ các chính phủ có thể mua hoặc tập hợp được. Đó là mục tiêu quan trọng nhất của chúng ta, một kết quả, mà để có nó chúng ta phải tiếp tục phấn đấu”.

Việc các nhà lãnh đạo tránh được những xung đột mang tính tư tưởng tại ngày họp đầu của hội nghị còn được cho là do họ không muốn tiếp tục bộc lộ bất đồng và tự đẩy mình vào thế bất lợi trước các thị trường tài chính khi mà Đức sẽ bầu cử vào tháng 9 tới và tình hình bế tắc chính trị tại Italy sau bầu cử là hệ lụy của các biện pháp củng cố tài chính và chính sách thắt lưng buộc bụng tại nước này.

Sau khi kết thúc ngày hội nghị đầu tiên, cuộc thảo luận về gói cứu trợ dành cho Síp trong cái gọi là “Hội nghị thượng đỉnh Euro” (Euro Summit) đã khiến các nhà lãnh đạo EU phải làm việc thâu đêm tới 1 giờ sáng 15/3.

[Hội nghị thượng đỉnh EU-Những vấn đề đầy gai góc]

Và, kết quả của cuộc họp bất thường của các bộ trưởng tài chính khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), theo đề nghị của Chủ tịch nhóm Eurogroup Jeroen Dijsselbloem, là một thỏa thuận mang nhiều tính chính trị hơn nhưng vẫn tạo hy vọng cho Síp về việc đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ vào “cuối tuần này”.

Có tin bộ trưởng kinh tế Síp sẽ tới Mátxcơva ngày 18/3 để thảo luận thêm về đề nghị của Nga sẽ giúp tài trợ cho chương trình cứu trợ Síp bằng việc gia hạn khoản vay hiện có của Síp trị giá 2,5 tỷ euro và có thể giảm lãi suất đối với khoản vay này.

Về phần mình, Chủ tịch nhóm Eurogroup Jeroen Dijsselbloem cho biết tổng số tiền trong gói cứu trợ này sẽ nhỏ hơn so với dự đoán ban đầu - trị giá khoảng 10 tỷ chứ không phải 17 tỷ euro.

Gói cứu trợ này dự kiến bao gồm sự phối hợp các biện pháp như tăng thuế, các biện pháp tăng doanh thu, các kế hoạch tư nhân hóa và cải tổ khu vực ngân hàng của Síp nhằm đảm bảo rằng ngân quỹ dành cho khoản cứu trợ là bền vững.

Trong ngày họp thứ hai và cũng là ngày họp cuối cùng của hội nghị, các nhà lãnh đạo Châu Âu đã bàn tới các vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại và mối quan hệ với các đối tác chiến lược.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí sớm tổ chức hội nghị ngoại trưởng khu vực để thống nhất lập trường của EU về vấn đề hủy lệnh cấm vận vũ khí đối với Syria. Chủ đề này, liên quan đến mối quan hệ phức tạp của EU với Nga, đã phủ bóng đen lên ngày họp cuối của hội nghị với những tranh cãi giữa Anh, Pháp với nhóm nước phản đối việc hủy bỏ lệnh cấm vận gồm Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Đức và Áo.

Thậm chí, Áo còn cảnh báo sẽ yêu cầu các lực lượng của Liên hợp quốc rút khỏi khu vực Cao nguyên Golan nếu Pháp, Anh cung cấp vũ khí cho phe đối lập Syria, vì động thái này sẽ khiến “tình hình bất ổn”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel thì tỏ ra thận trọng về vấn đề Syria vì theo bà cần đảm bảo để quân chính phủ Syria không được cung cấp thêm vũ khí từ những nước có lập trường khác với Đức và một số thành viên khác trong EU về Tổng thống Basha al Assad.

Trong khi đó, thay vì công khai lên tiếng phản đối yêu cầu của Anh và Pháp, Italy đang tìm kiếm lời giải đáp rõ ràng cho các câu hỏi của họ trước khi tuyên bố lập trường chính thức.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy đã tái khẳng định sự can dự đầy đủ của EU trong các nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực đẫm máu kéo dài tại quốc gia Trung Đông này. Ông cũng cho biết giới lãnh đạo EU nhất trí giao nhiệm vụ cho các ngoại trưởng của tổ chức này đánh giá tình hình ở Syria, coi đó là vấn đề ưu tiên trong hội nghị ngoại trưởng không chính thức, dự kiến sẽ diễn ra ở Ailen vào ngày 22/3 tới.

Các biện pháp của EU đối với Syria không nằm trong chương trình nghị sự hội nghị lần này, song tình hình ở Trung Đông liên hệ chặt chẽ tới quan hệ đối tác giữa EU và Nga, nước kiên quyết phản đối vũ trang cho lực lượng đối lập ở Syria.

Các nhà lãnh đạo EU đã kết thúc ngày họp thứ hai của hội nghị bằng một cuộc thảo luận không chính thức về Nga, chủ yếu được coi là một phiên họp chuẩn bị cho chuyến công du tới Mátxcơva vào tuần tới của các quan chức EU nhằm “khai thác những lĩnh vực có lợi ích chung”.

Phần lớn cuộc tranh luận về Nga tập trung vào năng lượng, chủ đề các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vào ngày 24/5. Cuộc tranh luận về mối quan hệ đối tác chiến lược với Nga của các nhà lãnh đạo EU được cho là không phải để đưa ra các kết luận, mà là cơ hội cho các nhà lãnh đạo châu Âu giải thích một cách thẳng thắn vị trí của họ trong mối quan hệ EU-Nga.

Các nước EU có nhiều quan điểm trái ngược nhau và phức tạp với Nga, do đó rất khó để tìm được một lập trường chung.

Các đại diện cấp cao của EU nhất trí tổ chức một phiên họp chung với các quan chức chính phủ Nga tại Mátxcơva vào ngày 21/3 và nhiều khả năng một thỏa thuận về vấn đề thị thực giữa EU-Nga sẽ đạt được tại cuộc họp đó.

Phát biểu trước báo giới, Chủ tịch Van Rompuy nói: “ Về quan hệ với Nga, chúng ta cần chuyển từ mối quan hệ đối tác chiến lược cần thiết sang mối quan hệ đối tác lựa chọn”. Ông lập luận rằng EU cũng có vai trò quan trọng đối với Nga vì khối này là hiện là khách hàng tiêu thụ năng lượng lớn nhất.

Mặc dù hội nghị lần này kết thúc hai ngày họp với một loạt vấn đề gai góc đã được đề cập tới, người ta vẫn có cảm giác đây là một kỳ hội nghị yên ắng, nếu không muốn nói là nhàm chán, vì hầu như không có quyết định quan trọng nào được đưa ra. Và câu hỏi “Liệu châu Âu đã thoát bão?” vẫn đang chờ lời giải đáp./.

Thái Vân/Brussles (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục