Liệu có “bàn tay” của Facebook trong khủng hoảng tại Pháp?

Chỉ vài tháng sau, phần lớn người dùng Facebook tại Pháp cảm nhận được một làn sóng giận dữ và u tối về đất nước trên mạng xã hội hơn là những gì diễn ra trên thực tế.
Liệu có “bàn tay” của Facebook trong khủng hoảng tại Pháp? ảnh 1Người biểu tình "Áo vàng" tại thủ đô Paris của Pháp. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trang mạng theverge.com đưa tin, Phong trào “Áo vàng” hình thành trên Facebook và giờ nó đã lan xuống các đường phố tại Pháp.

Suốt cuối tuần qua, bạo lực đã nổ ra trên khắp đất Pháp, với hơn 280.000 người biểu tình tham gia phong trào biểu tình có tên “Áo vàng.”

Một cuộc biểu tình ban đầu chỉ để phản đối quyết định tăng thuế nhiên liệu mới của chính phủ đã biến thành các cuộc bạo loạn “xấu xí” hơn. Hơn 400 người đã bị thương trong khoảng 2.000 cuộc tuần hành, một người thiệt mạng khi bị ôtô cán qua.

Nhà báo Feargus O’Sullivan miêu tả trên trang mạng citylab.com về điều mà ông cho là một cuộc biểu tình hỗn loạn: “Áo vàng là một cuộc biểu tình quy mô lớn không có bất kỳ mục tiêu chính trị cụ thể hay có liên hệ với các nhóm hoạt động nào. Phong trào này tự thành lập qua mạng xã hội từ tháng 5 năm nay (ban đầu là một cuộc kêu gọi lấy chữ ký vào đơn kiến nghị), song đến nay, "Áo vàng" đã vượt tầm kiểm soát.”

Không có bất kỳ nội dung hay thông điệp nào cụ thể về nguyên nhân khiến những người biểu tình tràn xuống đường phố ngoài vấn đề liên quan đến giá nhiên liệu.

Đối với một số nhà quan sát, ban đầu những người biểu tình tức giận về điều mà họ cho là sự thờ ơ của Tổng thống Emmanuel Macron trước tình cảnh khốn khó của người lao động.

Một số người khác lại cho rằng phong trào phản ánh sự bất bình của tầng lớp trung lưu. Trong khi đó, thật sự không dễ để xác định xem những người biểu tình này thiên tả hay thiên hữu.

Hai tuần trước, hơn 1.500 sự kiện có liên quan tới phong trào "Áo vàng" được kêu gọi qua Facebook và tổ chức theo quy mô địa phương, thu hút tới gần 1/4 dân số Pháp.

[Hành động đầu tiên của Chính phủ Pháp và góc nhìn của áo vàng]

Những nhà tư tưởng tự phong trở thành những nhân vật nổi tiếng trên cả nước, nhờ các trang mạng xã hội và hàng loạt đoạn ghi hình trực tuyến được chia sẻ trên Facebook.

Một trong số đó là Maxime Nicolle (có 107.000 người theo dõi), đã có các bài phát biểu “trực tuyến,” thu hút hàng nghìn người xem. Những tuyên bố của Nicolle chỉ là một mớ lộn xộn gồm những yêu cầu rời rạc song cũng đủ để khiến nhân vật này trở thành một người được dư luận biết tới.

Nhà báo Leonid Bershidsky viết trên trang mạng của Bloomberg rằng việc Facebook cho phép những bài đăng của các tổ chức và các nhóm xuất hiện trên News Feed (mục tin tức nổi bật) có thể là nguyên nhân khiến các cuộc biểu tình lan rộng hơn.

Sự nổi lên của những người đứng đầu các nhóm được thành lập trên Facebook như một gương mặt đại diện hay người phát ngôn cho một tập thể và phong trào không phải là một quá trình dân chủ. Không giống ông Macron và các nhà lập pháp, những người này không được bầu chọn công khai.

Trong bài viết trên tờ Liberation, nhà báo Vincent Glad cho rằng những thay đổi gần đây trong thuật toán của Facebook, ưu tiên nội dung được các nhóm đăng tải hơn là từ các trang tin tức, kể cả của các hãng truyền thông truyền thống, đã tạo ra một công cụ thể kích động những người biểu tình.

Mark Zuckerberg nghĩ rằng mình đã phi chính trị hóa Facebook và tập trung hơn vào việc kết nối con người song đó không phải là điều đang diễn ra.

Ông Glad nói: “Quản trị viên các nhóm trên Facebook, với đặc quyền vừa được Zuckerberg trao tặng, là những người trung gian. Họ trỗi dậy trong bối cảnh uy tín và ảnh hưởng của các liên đoàn lao động, các hiệp hội và các chính đảng bị xói mòn.”

Kết quả là, theo bình luận của nhà báo John Lichfield trên báo The Guardian, một làn sóng bất ổn nổ ra với rất nhiều điều chưa từng có tiền lệ.

Liệu có “bàn tay” của Facebook trong khủng hoảng tại Pháp? ảnh 2Đồng tiền mệnh giá 10 euro tại Lille, miền nam Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chúng ta có quyền lo ngại về việc trấn áp quan điểm của dư luận hoặc của các cộng đồng. Tuy nhiên, cam kết về quyền tự do ngôn luận khiến con người cũng dễ bị ảnh hưởng trong thời đại chiến tranh thông tin diễn ra không ngừng như hiện nay.

Người ta cần nghiêm túc xem xét việc liệu có nên để những trợ lý trả lời tự động (bot) có quyền tự đưa ra các phát biểu, trao quyền riêng tư cho những cá nhân không rõ danh tính hay tiến hành những phiên điều trần Quốc hội để xoa dịu những người nổi tiếng trên Youtube hay không.

Các chế độ độc tài sẽ đơn giản là lựa chọn việc kìm hãm và phong tỏa Internet. Tuy nhiên, một cam kết đáng trân trọng về nguyên tắc tự do ngôn luận trong thời bình rất dễ bị lợi dụng cho những mục đích xấu trong thời chiến. Điều mà người ta cần là hiểu rõ về tự do ngôn luận trong môi trường bất ổn hay trong một hệ sinh thái thông tin nhiều rủi ro như hiện nay.

Thử nghĩ về những diễn biến của phong trào “Áo vàng.” Một quyết định chính trị đã được đưa ra và được thảo luận trên Facebook.

Một nhóm nhỏ thảo luận nội bộ. Những thuật toán và các phương tiện chia sẻ trực tuyến đã đẩy các bài đăng lên phần nội dung nổi bật và thu hút nhiều người tương tác.

Chỉ vài tháng sau, phần lớn người dùng Facebook tại Pháp cảm nhận được một làn sóng giận dữ và u tối về đất nước trên mạng xã hội hơn là những gì diễn ra trên thực tế. Những suy nghĩ đã trở thành hiện thực và Khải Hoàn Môn chìm trong khói lửa.

Các bài đăng trên mạng xã hội là một trong những giải pháp được ca ngợi nhiều nhất của Facebook nhằm giải quyết các vấn đề về kết nối xã hội và dân chủ.

Tất nhiên, người ta không có đủ bằng chứng để cáo buộc Facebook tiếp tay cho “Áo vàng” song những gì diễn ra hồi cuối tuần qua khá giống với nhiều làn sóng dân túy đầy giận dữ mà chúng ta từng chứng kiến trên thế giới - những cuộc biểu tình bạo lực và nhiều phong trào được tổ chức qua mạng xã hội.

Có thể nói, những phong trào kiểu này sẽ còn tiếp diễn tại các nền dân chủ tự do trên thế giới, kéo theo đầy bất ổn và rủi ro./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục