Liệu có phải chủ nghĩa đa phương là không thể thay thế?

Tình trạng bất trắc đối với viễn cảnh kinh tế toàn cầu đang làm cho hoạt động thương mại và sản xuất suy giảm, tình trạng bất ổn về tài chính và tiền tệ gia tăng.
Liệu có phải chủ nghĩa đa phương là không thể thay thế? ảnh 1Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka ngày 29/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng aspistrategist.org.au, hàng loạt quan chức và bộ trưởng cấp cao của Australia, Singapore, Canada và Indonesia, đã đồng loạt lên tiếng bảo vệ hệ thống đa phương trong một bài viết đăng trên trang mạng của Viện chính sách chiến lược của Australia.

Nội dung như sau:

Kể từ khi hệ thống quản lý tài chính và tiền tệ đa phương thời hậu chiến mang tên Bretton Woods được thiết lập cách đây 75 năm, các nước đều theo đuổi hàng hóa toàn cầu, tạo điều kiện phát triển cả hệ thống thương mại quốc tế và mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu.

Chính sự tiếp cận đa phương này đã đem lại sự thành công chung. Dòng chảy tự do của thương mại, đầu tư và ý tưởng đã giúp nhiều người thoát khỏi đói nghèo hơn trước kia. Và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng trên thế giới giờ đang mở rộng cơ hội để trao đổi hàng hóa, dịch vụ và cải tiến công nghệ ở quy mô lớn hơn.

Bằng sự đảm bảo an ninh kinh tế và chính trị toàn cầu, hệ thống đa phương Bretton Woods giúp cả nước nhỏ và nước lớn thực hiện được tiềm năng của mình.

Được hưởng lợi từ hệ thống này, các nước đều có trách nhiệm bảo vệ những thể chế vốn giúp củng cố sự thịnh vượng kinh tế chung. Các nước cần hợp tác với nhau để kiến tạo sự đồng thuận nhằm đối phó với những thách thức toàn cầu.

Một trong những thách thức như vậy là tình trạng gia tăng tranh chấp thương mại. Mặc dù chúng ta thừa nhận rằng những vấn đề chính đáng cần được giải quyết song chúng ta cũng lo ngại gia tăng những rủi ro của những thiệt hại mà dân thường phải gánh chịu khi xảy ra chiến tranh thương mại.

Tình trạng bất trắc đối với viễn cảnh kinh tế toàn cầu đang làm cho hoạt động thương mại và sản xuất suy giảm. Tình trạng bất ổn về tài chính và tiền tệ gia tăng. Những điều kiện thương mại toàn cầu suy giảm đang tác động đến niềm tin của giới đầu tư, đầu tư kinh doanh và năng suất.

Rủi ro vẫn gia tăng và Ngân hàng Thế giới cũng như Quỹ Tiền tệ Quốc tế vẫn không ngừng hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới cũng như với từng nước.

[Nỗi lo đằng sau làn sóng nới lỏng định lượng trên thế giới]

Chúng ta cần phải đảo ngược tình thế này và điều đó đòi hỏi hành động tập thể. Bước đầu tiên cần làm là ủng hộ hệ thống tài chính đa phương dựa trên luật lệ. Khi tôn trọng những ưu tiên trong nước của mỗi quốc gia, chúng ta cũng cần bảo vệ thị trường tự do, mở vì đó chính là điều sẽ đảm bảo sự thịnh vượng lớn hơn và tăng trưởng mạnh mẽ hơn cho tất cả. Chúng ta không nên tìm kiếm chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ. Chạy theo đối đầu thay vì đối thoại sẽ chỉ làm trầm trọng hơn những nguy cơ, làm xói mòn niềm tin và làm suy yếu triển vọng khôi phục kinh tế toàn cầu. Thỏa hiệp là chìa khóa để đạt được kết quả có lợi cho tất cả các bên cũng như sự tin cậy lẫn nhau.

Chủ nghĩa đa phương dựa trên những nguyên tắc cơ bản của việc không phân biệt đối xử, có thể dự đoán được và minh bạch. Chúng ta tuân thủ những nguyên tắc này vì chúng ta biết chúng phát huy hiệu quả.

Năm 2008, các nhà hoạch định chính sách thế giới, nhất là từ các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), đã chung tay trong nỗ lực bảo vệ kinh tế toàn cầu.

Giới lãnh đạo thế giới đã phối hợp hành động quyết đoán vốn được thừa nhận rộng rãi là có tác dụng thúc đẩy niềm tin của giới đầu tư và người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy những giai đoạn đầu của công cuộc khôi phục kinh tế toàn cầu. Sau đó, G20 đã tiến hành những cải cách nhằm thúc đẩy ổn định tài chính thông qua việc thắt chặt các quy định và phối hợp giám sát.

Gần đây hơn, lãnh đạo G20 đã có biện pháp đối phó trước mối quan ngại ngày càng gia tăng về tình trạng trốn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ví dụ, hồi tháng 11/2015, các nước thành viên G20 đã nhất trí thực hiện chiến lược nhằm đảm bảo rằng những lợi nhuận đa quốc gia cần được đánh thuế ở nước mà hoạt động kinh tế diễn ra. Sự đồng thuận này thể hiện sự cam kết đối với tính công bằng, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quá trình xử lý thách thức xuyên biên giới mang tính phức tạp. Trong môi trường toàn cầu hiện nay, chúng ta cần tiếp cận mô hình lãnh đạo và hợp tác kiểu này hơn nữa.

G20 là một diễn đàn quan trọng đối với lãnh đạo toàn cầu trong việc đưa ra sự đồng thuận đối với các giải pháp nhằm xử lý những thách thức chung. Lý do là G20 là một tổ chức có quy mô vừa đủ để hoạt động hiệu quả song lại chưa đủ lớn để mang tính chất đại diện.

Thế nhưng, có những mối quan ngại chính đáng cho rằng hệ thống đa phương Bretton Woods này đang phải vật lộn để quản lý sự phức tạp của nền kinh tế toàn cầu hiện nay. Chúng ta cần thành thực xem xét lại hệ thống thương mại của chúng ta hiện nay, cải cách quản trị nhà nước đối với các thể chế đa phương và đạt được sự đồng thuận của các nước về hệ thống thuế số.

Đây là những vấn đề riêng rẽ song chúng cũng cần được xử lý bằng phương thức tương tự là thông qua cơ chế đối thoại đa phương và xây dựng đồng thuận. Những mục tiêu bao trùm sẽ là giảm thiểu các động cơ thúc đẩy hành động đơn phương và kiến tạo tôn trọng đối với quy định và luật lệ quốc tế.

Trong vòng 3 năm tới, Saudi Arabia, Italy và Ấn Độ sẽ lần lượt là nước chủ tịch G20, vì vậy các nước này có cơ hội và trách nhiệm để đề ra phương hướng chiến lược của nhóm.

G20 cần tiếp tục ủng hộ một hệ thống thương mại mở và một mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu, có thể chống đỡ được các cuộc khủng hoảng và đối phó với những thách thức như sự sụt giảm đầu tư cơ sở hạ tầng.

G20 cũng tạo ra một diễn đàn đặc biệt để đại diện các nước chia sẻ quan điểm của họ về những thách thức chung, trong đó có tương lai của việc làm, trao quyền lực kinh tế cho phụ nữ và chính sách cạnh tranh.

Để khôi phục niềm tin đã mất, hệ thống đa phương của chúng ta cần tìm ra một sức mạnh mới để chống lại tính chất phức tạp của những tình huống hiện nay. Trở lại vai trò cấp thiết của một “người chơi” toàn cầu trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, G20 cần tiếp tục xây dựng hợp tác và sự hiểu biết lẫn nhau, để nhóm này có thể duy trì và hỗ trợ cách thức giải quyết thách thức đa phương trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế khác.

Đây là nhiệm vụ không phải chỉ riêng một hay hai quốc gia đơn lẻ nào có thể làm được. Tất cả các nước cần phải chung vai trong việc khôi phục hệ thống đa phương này vốn đã đóng góp rất nhiều cho thịnh vượng và tăng trưởng chung trong vòng 70 năm qua. Sự khôn ngoan và lòng quyết tâm tập thể có thể giúp đảo chiều nền kinh tế đi theo một lộ trình tích cực hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục