Liệu có phải NATO đang ở trong 'tình trạng chết não'?

Ngày nay, EU không thể bảo vệ châu Âu, đặc biệt là sau khi Anh rời khỏi EU, 80% chi tiêu của NATO sẽ đến từ các đồng minh không thuộc EU.
Liệu có phải NATO đang ở trong 'tình trạng chết não'? ảnh 1Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg dự kiến sẽ có mặt tại Paris vào tuần này để gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - người đã tuyên bố rằng NATO đang ở trong "tình trạng chết não."

Dưới đây là nội dung bài phỏng vấn độc quyền của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg được đăng trên báo Le Figaro.

Cam kết đầu tư dành cho EU

Bác bỏ quan điểm của nhà lãnh đạo Pháp, ông Jens Stoltenberg khẳng định NATO rất mạnh mẽ và linh hoạt. Vai trò quan trọng của tổ chức này trong các vấn đề an ninh đang được chứng minh mỗi ngày. Không những bảo vệ gần 1 tỷ người, NATO còn thực hiện các hoạt động tăng cường phòng thủ tập thể lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua. Trong khi đó, lực lượng quân đội Mỹ ngày càng mạnh ở châu Âu và các đồng minh trong khối cũng tăng ngân sách quốc phòng.

Theo ông Jens Stoltenberg, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng thúc ép các đồng minh châu Âu đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng.

Đồng thời, ông Trump tuyên bố rõ ràng rằng Mỹ cam kết luôn là thành viên NATO. Quốc hội và hai đảng chính trị lớn của Mỹ cũng hành động như vậy.

Cam kết này không chỉ được thể hiện bằng lời nói mà còn bằng hành động. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ đã giảm dần sự hiện diện quân sự ở châu Âu. Xe tăng chiến đấu cuối cùng của Mỹ đã rời châu Âu vào tháng 12/2013. Ngày nay, Mỹ trở lại với hàng ngàn binh sỹ.

Ông Jens Stoltenberg cho hay trong vài tháng tới, Mỹ sẽ triển khai lực lượng lớn nhất của mình ở châu Âu kể từ 25 năm qua, trong cuộc tập trận mang tên "Phòng thủ 2020."

Châu Âu có những bất đồng với Mỹ trong các vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu, thỏa thuận hạt nhân Iran hay thương mại, song đây không phải là lần đầu tiên ông Jens Stoltenberg nhắc lại cuộc khủng hoảng Suez năm 1956 và chiến tranh Iraq năm 2003.

“Mỗi lần như vậy chúng ta cố gắng vượt qua. Đây là sức mạnh to lớn của NATO và tôi tin rằng lần này chúng ta sẽ vượt qua những bất đồng,” ông Jens Stoltenberg nhấn mạnh.

Người châu Âu và người Mỹ đã luôn thống nhất về vấn đề quốc phòng. Trong những thời điểm không chắc chắn như hiện nay, càng cần đến các tổ chức đa phương mạnh như NATO.

Điều khoản số 5 Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương quy định rằng “bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một hay một số thành viên của liên minh đều được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh” và tất cả các thành viên sẽ “ngay lập tức” hỗ trợ những nạn nhân của một cuộc tấn công như vậy.

Dư luận gần đây cho rằng điều 5 không còn phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra những lời phát biểu gây tranh cãi về Montenegro - một thành viên mới của NATO từ năm 2017, cũng như khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ đã đơn phương hành động quân sự tại vùng Đông Bắc Syria.

Tuy nhiên, ông Jens Stoltenberg khẳng định điều 5 vẫn “đáng tin cậy”, và đưa ra dẫn chứng là gần đây NATO đã tăng cường phòng thủ tập thể, tăng gấp 3 lần quy mô lực lượng phản ứng. Các tiểu đoàn chiến đấu đa quốc gia đóng quân ở phía Đông là minh chứng cho cam kết của NATO với điều 5.

Bên cạnh đó, ông Jens Stoltenberg nhắc lại rằng lần duy nhất điều 5 được kích hoạt là vào thời điểm Mỹ hứng chịu cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Ông nhấn mạnh rằng điều 5 không chỉ tốt cho châu Âu mà còn có lợi cho cả Mỹ.

Liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thư ký NATO bày tỏ mối quan ngại về sự can thiệp quân sự mà Ankara đã tiến hành ở vùng Đông Bắc Syria, điều có thể làm suy yếu hiệu quả của cuộc chiến chống khủng bố. Các đồng minh NATO chỉ trích mạnh mẽ hành động đơn phương này.

Tuy nhiên, không thành viên nào đặt câu hỏi về vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO, ông Jens Stoltenberg khẳng định. Ankara đã tham gia cuộc chiến chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bằng cách cho phép các đồng minh sử dụng căn cứ của mình. Đây là quốc gia duy nhất của NATO giáp Iraq và Syria, đón nhận 3,6 triệu người tị nạn. Thổ Nhĩ Kỳ có vị thế địa chiến lược rất quan trọng đối với Liên minh.

Tuy nhiên, theo ông Jens Stoltenberg, điều này cũng không ngăn cản việc thảo luận về các vấn đề bất đồng.

Hiện nay, NATO đang vấp phải một chủ đề khó với Thổ Nhĩ Kỳ, liên quan đến cuộc khủng hoảng hệ thống phòng không S-400 mà Ankara đã mua của Nga.

Ông Jens Stoltenberg cho biết mỗi quốc gia được tự do quyết định trang bị hệ thống phòng thủ thích hợp. Tuy nhiên, đối với NATO, điều quan trọng là khả năng tương tác.

Các hệ thống của các thành viên Liên minh phải có khả năng hoạt động cùng nhau, điều mà hệ thống S-400 Nga không đáp ứng được. Mỹ đã phản ứng lại quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách ngăn chặn sự tham gia của Ankara vào chương trình máy bay chiến đấu F-35.

Hai bên đã tiến hành các cuộc thảo luận, qua đó một số giải pháp được nêu ra, đáng chú ý là việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống Patriot của Mỹ hay hệ thống phòng không Pháp-Italy.

Hợp tác thay vì cạnh tranh

Đề cập đến NATO và Liên minh châu Âu (EU), ông Jens Stoltenberg cho rằng đây là 2 mặt của một đồng tiền. Hai thể chế mạnh này được thành lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai, với cùng một mục tiêu giữ gìn hòa bình.

Liệu có phải NATO đang ở trong 'tình trạng chết não'? ảnh 2(Nguồn: ecfr.eu)

NATO đã giúp chấm dứt chiến tranh lạnh mà không phải nổ một phát súng nào. Cùng đối mặt với những thách thức an ninh giống nhau, NATO và EU phải "tay trong tay" và không nên tự đặt mình vào tình huống phải lựa chọn giữa khối châu Âu và khối xuyên Đại Tây Dương, ông Jens Stoltenberg nhấn mạnh.

Ông ủng hộ mạnh mẽ quốc phòng châu Âu, "nhưng nó phải là trụ cột châu Âu của NATO mà không thay thế NATO."

Ngày nay, EU không thể bảo vệ châu Âu, đặc biệt là sau khi Anh rời khỏi EU, 80% chi tiêu của NATO sẽ đến từ các đồng minh không thuộc EU. Na Uy và Iceland ở phía Bắc, Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Nam, Mỹ, Canada và Anh ở phía Tây đóng một vai trò quan trọng trong an ninh châu Âu.

Ông Jens Stoltenberg cho biết 3 trong số 4 "nhóm chiến đấu" được triển khai tại các quốc gia vùng Baltic sẽ được các đồng minh ngoài EU dẫn dắt. Bất kỳ nỗ lực nào tạo thêm khoảng cách giữa Bắc Mỹ và châu Âu sẽ không chỉ làm suy yếu liên kết xuyên Đại Tây Dương mà còn ở cả châu Âu.

Trong chuyến công du tại Pháp tuần này, ông Jens Stoltenberg sẽ gặp Tổng thống Emmanuel Macron với một thông điệp rằng không nên đưa ra sự lựa chọn giữa liên minh châu Âu và liên minh xuyên Đại Tây Dương và Pháp vẫn đóng vai trò hàng đầu trong phòng thủ châu Âu.

Với lực lượng quân đội hùng hậu, Pháp là một đồng minh quan trọng góp phần vào sự hiện diện của NATO tại các nước Baltic, các hoạt động chống khủng bố ở vùng Sahel châu Phi, lãnh đạo hai bộ tư lệnh chỉ huy chiến lược của liên minh.

Về mối quan hệ giữa Pháp và Nga, ông Jens Stoltenberg đánh giá Pháp tham gia vào quyết định của NATO để có cách tiếp cận kép đối với Nga, đó là sự răn đe mạnh mẽ song hành với đối thoại chính trị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục