Liệu Iran có rút khỏi thỏa thuận hạt nhân JCPOA?

Thỏa thuận JCPOA đã được Iran thực thi đầy đủ cho đến trước khi Mỹ tuyên bố hủy bỏ nó, điều đó đã được Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) chứng nhận.
Liệu Iran có rút khỏi thỏa thuận hạt nhân JCPOA? ảnh 1Bên trong một cơ sở hạt nhân của Iran. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Trong bối cảnh Iran đang tăng tốc phát triển hạt nhân và phớt lờ những quy định được ghi trong Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện- JCPOA), phóng viên TTXVN tại Moskva đã phỏng vấn ông Adlan Margoev - chuyên gia từ Viện nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Ngoại giao Moskva - bàn về vấn đề hạt nhân Iran.

Đánh giá về thỏa thuận JCPOA, chuyên gia Adlan Margoev cho rằng đây là thỏa thuận bước ngoặt, một trong những kết quả thành công nhất của ngoại giao đa phương trong lĩnh vực hạt nhân trong vài thập kỷ qua.

Kể từ khi cơ sở hạt nhân đầu tiên của Iran hé lộ, từ năm 2012, Iran và nhóm P5+1 đã cố gắng để đạt được một thỏa thuận, song chỉ tới năm 2015 khi có những tiến triển trong nội bộ Iran, Mỹ và các cường quốc khác mới có thể đạt được thỏa thuận dày 250 trang với nước này, một thỏa thuận rất cụ thể về tất cả các khía cạnh trong chương trình hạt nhân của Iran.

Chuyên gia Adlan Margoev không đồng ý với đánh giá của phía Mỹ cho rằng thỏa thuận này có một số lỗi cần điều chỉnh. Theo ông Margoev, trước đây chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama hiểu rằng thỏa thuận cần phải bao hàm các vấn đề về hạt nhân, đây là sự đồng thuận ban đầu giữa các bên tham gia đàm phán.

[IAEA: Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân khi tăng dự trữ nước nặng]

Nếu gộp tất cả các vấn đề từ an ninh khu vực cho đến chương trình tên lửa đạn đạo, sự ủng hộ đối với các nhóm nổi dậy, chủ nghĩa khủng bố và các vấn đề khác mà Mỹ vẫn phàn nàn khi đề cập đến chính sách đối ngoại của Iran, thì không thể nào đạt được một thỏa thuận như vậy.

Do đó cần phải có ưu tiên, và nhóm P5+1 đã quyết định ưu tiên đặt vấn đề hạt nhân lên trên các vấn đề khác. Chính quyền Mỹ hiện nay muốn đạt được một thỏa thuận để giải quyết mọi vấn đề của họ, điều này là không thể.

Thỏa thuận JCPOA đã được Iran thực thi đầy đủ cho đến trước khi Mỹ tuyên bố hủy bỏ nó, điều đó đã được Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) chứng nhận.

Nếu như trên cơ sở thành công đó, Mỹ và các cường quốc đề xuất đàm phán thêm với Iran về khu vực và các vấn đề khác mà họ quan tâm thì các nước có thể đạt được thêm một thỏa thuận khác với Iran.

Song thay vì làm như vậy, Mỹ lại nói rằng thỏa thuận JCPOA không đáp ứng đầy đủ các lợi ích của nước này. Đây chính là nguyên nhân họ rút khỏi những gì đã đạt được, và rõ ràng đó không phải là cách tiếp cận để có được thành công.

Chính quyền Mỹ không thể tăng cường an ninh quốc gia bằng cách rút khỏi một thỏa thuận mà họ không thích.

Chuyên gia Margoev giải thích, thỏa thuận JCPOA đã có đủ các qui trình nghiêm ngặt để thanh sát, và Iran trên thực tế là quốc gia có thể kiểm chứng, minh bạch nhất trong lĩnh vực hạt nhân kể từ khi thỏa thuận JCPOA được thực thi, do đó không cần thêm thỏa thuận mới với Iran về vấn đề hạt nhân.

Ngoài ra, nếu có một thỏa thuận liên quan đến an ninh khu vực thì nó cần phải tách riêng với JCPOA, vì đây là các thỏa thuận khác nhau. Với việc rút khỏi JCPOA, Mỹ đã hủy hoại mọi khả năng để đàm phán với Iran.

Hai năm qua, Iran đã thực thi đầy đủ thỏa thuận JCPOA, trong khi Mỹ là bên phản bội lại thỏa thuận do chính mình tham gia xây dựng, chính vì vậy Iran không tin vào một thỏa thuận mới.

Về câu hỏi liệu Iran có chế tạo bom hạt nhân không, chuyên gia Margoev cho là không. Theo ông Margoev, ban lãnh đạo hiện nay tại Iran và cả ban lãnh đạo trước đây hoàn toàn hiểu rõ rằng bom hạt nhân sẽ dẫn đến nhiều vấn đề về an ninh trong khu vực.

Nỗ lực sở hữu công nghệ hạt nhân là để khẳng định vị thế của một quốc gia được phép sở hữu nó. Iran là một quốc gia thông thường như họ vẫn tuyên bố. Theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, bất cứ nước nào tuân thủ đầy đủ các quy định của IAEA đều có quyền phát triển công nghệ hạt nhân, và Iran đã làm đúng như vậy.

Điều này có nghĩa là Iran không tìm cách chế tạo bom hạt nhân và không có bất kỳ dấu hiệu nào từ năm 2003 rằng Iran nỗ lực sở hữu chương trình hạt nhân quân sự. Thỏa thuận JCPOA cũng đã cho phép Iran làm những gì họ có quyền làm.

Chuyên gia Margoev lưu ý việc vừa qua Iran đưa khí urani vào các máy ly tâm, đây là điều mà nước này được phép làm. Trên thực tế không phải nước này cứ đưa khí urani vào các máy ly tâm là đồng nghĩa với việc họ sẽ chế tạo bom hạt nhân.

Công nghệ làm giàu hạt nhân có thể sử dụng cho cả mục đích hòa bình lẫn mục đích quân sự, nhưng nếu sử dụng cho mục đích quân sự thì cần phải có hơn 60.000 máy ly tâm để có thể nâng mức làm giàu urani từ 90% trở lên, đó là điều Iran không có ý định thực hiện. Nước này chỉ muốn làm giàu urani đến mức 20%, đây là ranh giới giữa chương trình hạt nhân hòa bình và chương trình hạt nhân quân sự.

Hiện Iran mới làm giàu urani tới mức 3,16% và họ rất khó để đạt được mức 5%. Hành động đưa khí urani vào làm giàu không có gì liên quan giữa mục đích quân sự và công nghệ mà họ có.

Liệu Iran có rút khỏi thỏa thuận hạt nhân JCPOA? ảnh 2Nhân viên kỹ thuật Iran làm việc tại cơ sở làm giàu urani Isfahan ở cách thủ đô Tehran 420km về phía Nam. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đánh giá về công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX) mà châu Âu cam kết đưa ra để hỗ trợ Iran trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ, chuyên gia Margoev cho rằng hạn chế của nó là chỉ giúp thực hiện các giao dịch về thuốc chữa bệnh, cứu trợ nhân đạo và lương thực.

Iran rất cần lương thực và thuốc men, song điều này không phải là tất cả và INSTEX không đủ để duy trì nền kinh tế Iran, không thể bù đắp cho những gì bị Mỹ cấm vận. Lệnh cấm vận của Mỹ không chỉ liên quan giữa Mỹ và Iran mà cả châu Âu và Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng.

Không nước nào có thể giao dịch chính thức với Iran với lệnh trừng phạt của Mỹ. Vì vậy, cơ chế INSTEX là không đủ để Iran tuân thủ thỏa thuận vốn hạn chế nước này mà chẳng đổi lại được điều gì.

Chuyên gia Margoev cho rằng có 3 cách tiếp cận trong vấn đề này. Cách tiếp cận của EU là ít nhất cũng duy trì mục đích về nhân đạo qua cơ chế INSTEX, khi đó ít nhất châu Âu cũng có một vài trao đổi với Iran.

Trong khi cách tiếp cận của Iran, Nga và Trung Quốc là cần phải mở rộng cơ chế này sang mặt hàng dầu mỏ và cả hoạt động thương mại thông thường. Điều này là quan trọng vì như vậy Iran có thể bán dầu và khí đốt để có tiền chi cho việc duy trì nền kinh tế, điều mà hiện nay Iran không thể làm được.

Tuy nhiên EU lại lo ngại là nếu INSTEX mở ra cho các nước khác như Trung Quốc hay Nga, và cho phép Iran bán dầu, thì EU ngay lập tức sẽ bị Mỹ trừng phạt, khi đó ngay cơ chế INSTEX dành cho thuốc men và lương thực cũng không còn. Điều đó có nghĩa là EU không thể làm gì nhiều để giải quyết vấn đề này.

EU đã nỗ lực thiết lập một cơ chế cho vấn đề nhân đạo, nhưng họ không thể đưa ra cơ chế để điều chỉnh sự mất cân bằng trong thỏa thuận JCPOA. Mất cân bằng là do Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận và Iran đang bị trừng phạt. Vì vậy rất cần có một cơ chế để Iran có thể giao thương với các đối tác châu Âu và cả các đối tác ngoài châu Âu.

Nếu các nước thuộc nhóm BRICS hoặc không thuộc nhóm này có thể tìm ra cách thực hiện các giao dịch không dùng đến đồng USD, không sử dụng các định chế hay bất kỳ ảnh hưởng nào từ hệ thống tài chính của Mỹ, thì theo chuyên gia Margoev, toàn bộ cộng đồng quốc tế sẽ được hưởng lợi do tránh được hình thức trừng phạt đơn phương của Mỹ.

Với những hạn chế như vậy, chuyên gia Margoev cho rằng cơ chế INSTEX không hiệu quả. Phải sau một vài ngày nữa mới có giao dịch thực tế đầu tiên thông qua INSTEX, nghĩa là đã hơn một năm kể từ khi cơ chế này được khởi động, và nó cũng chỉ hạn chế trong vấn đề nhân đạo.

Theo ông Margoev, Iran sẽ không chấp nhận duy trì những hạn chế trong khuôn khổ JCPOA trong một thời gian dài, cuối cùng họ sẽ buộc phải rút khỏi thỏa thuận JCPOA./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục