Liệu kỷ nguyên suy thoái kinh tế của Trung Quốc đã tới?

Ngoài biện pháp phong tỏa phòng chống dịch cản trở sự phát triển kinh tế, việc Trung Quốc tiến hành chấn chỉnh lĩnh vực công nghệ và các cơ sở giáo dục cũng có thể khiến nền kinh tế sa sút.
Liệu kỷ nguyên suy thoái kinh tế của Trung Quốc đã tới? ảnh 1Công nhân làm việc tại một nhà máy ở tình Hồ Bắc, Trung Quốc. (Nguồn: THX)

Theo tờ China Affairs, nền kinh tế Trung Quốc hiện nay có thể được ví như một tiếng thở dài.

Ngoài biện pháp phong tỏa phòng chống dịch COVID-19 cản trở sự phát triển kinh tế, việc các cơ quan chức năng Trung Quốc tiến hành chấn chỉnh lĩnh vực công nghệ và các cơ sở giáo dục cũng có thể khiến nền kinh tế sa sút.

Hiện nay, “sóng gió” của tập đoàn bất động sản Evergrande càng làm tình hình trở nên bấp bênh hơn với quy mô nợ lên đến 2.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 300 tỷ USD).

Các ngân hàng đầu tư ở Phố Wall bao gồm Goldman Sachs, JP Morgan Chase và Morgan Stanley đã lần lượt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng lần lượt rút khỏi Trung Quốc.

Chủ tịch SoftBank Group của Nhật Bản Masayoshi Son công khai tuyên bố tạm ngừng triển khai các hoạt động đầu tư mới ở thị trường Trung Quốc.

Trong một năm qua, SoftBank đã giảm một nửa đầu tư ở thị trường Trung Quốc. Tháng 3/2021, Vanguard Group của Mỹ - “gã khổng lồ” quản lý quỹ lớn thứ hai toàn cầu cũng tuyên bố sẽ rút khỏi Trung Quốc. Liệu nền kinh tế Trung Quốc có thực sự tạm biệt giai đoạn tăng trưởng mạnh?

Mất đi những lợi ích kinh tế từ sự thay đổi cơ cấu dân số

Động lực thứ nhất của phát triển kinh tế Trung Quốc chính là lợi ích kinh tế mà cơ cấu nhân khẩu học đem lại và cụ thể hơn là nguồn nhân lực giá rẻ.

Trong quá trình cải cách mở cửa, nguồn nhân lực giá rẻ của Trung Quốc đã giải phóng năng lực sản xuất khổng lồ, do đó có thể nói rằng kỳ tích kinh tế của Trung Quốc được xây dựng dựa trên nền tảng lợi ích kinh tế từ sự thay đổi của cơ cấu dân số nói trên.

Nền kinh tế của Trung Quốc có thể quy nạp thành hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất gọi là giai đoạn chủ yếu dựa vào nhu cầu nội địa, trên thực tế là thời kỳ thiếu thốn. Toàn bộ quá trình tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào nhu cầu nội địa, chính là tuần hoàn bên trong theo ngôn ngữ hiện nay.

[Tiếng chuông cảnh tỉnh đối với nền kinh tế Trung Quốc]

Giai đoạn thứ hai là giai đoạn chủ yếu dựa vào sự thúc đẩy của xuất khẩu và đầu tư. Về xuất khẩu, việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là một bước ngoặt. Xuất khẩu của Trung Quốc liên tục tăng trưởng cao trong nhiều thập kỷ, và thụ hưởng được những lợi ích mang lại từ chính sách mở cửa của các nước khác.

Trung Quốc là một quốc gia có tỷ lệ tiết kiệm của người dân đặc biệt cao, điều này đã mang lại một nguồn vốn rất tốt cho đầu tư của Trung Quốc. Do xây dựng cơ sở hạ tầng quốc gia yếu, nên Trung Quốc liên tục tăng cường về phương diện xây dựng hạ tầng.

Điều này được phản ánh thông qua hình ảnh các sân bay, đường sắt cao tốc quy mô lớn “mọc lên như nấm sau mưa,” các cơ sở hạ tầng công cộng khác cũng liên tục được xây dựng và nâng cấp.

Tuy nhiên, hiện nay nút thắt lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc đã đến. Một là lợi ích kinh tế từ cơ cấu dân số không còn nữa. Vấn đề này đã được đề cập đến vào năm 2013 theo thuật ngữ chuyên ngành gọi là “bước ngoặt Lewis” (Lewis turning point), nghĩa là giai đoạn lao động dư thừa nghèo vùng nông thôn đã trở nên khan hiếm và mức lương bắt đầu gia tăng nhanh chóng.

Các doanh nghiệp bắt đầu không tìm được lao động, giá nhân công tăng lên dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp có giá trị gia tăng thấp đứng trước lựa chọn hoặc là chuyển dịch ra bên ngoài, hoặc là đóng cửa.

Chính sách sinh đẻ có kế hoạch khiến cho Trung Quốc trả một cái giá rất lớn. Hệ quả của chính sách mỗi gia đình chỉ có một con là sự già hóa nhanh chóng của xã hội. Vào thời điểm xã hội già hóa ập đến, năng suất lao động và hiệu quả đổi mới của toàn xã hội sẽ suy giảm. Cấu trúc dân số già hóa sẽ mang lại áp lực về chi phí phúc lợi xã hội khổng lồ đối với Trung Quốc, gây nên thách thức lớn đối với ngân sách hiện hành.

Chính sách của chính phủ đưa ra trong giai đoạn này là “người người khởi nghiệp, người người đổi mới.” “Người người khởi nghiệp” rất dễ lý giải, đây là một phương hướng khuyến khích của Trung Quốc để chuyển đổi sức ép việc làm.

Tuy nhiên, xét từ góc độ lý tính, tỷ lệ thành công của khởi nghiệp chỉ khoảng 12%. Trong khi đó, “người người đổi mới” lại là mệnh đề giả lập, bởi vì năng lực đổi mới của Trung Quốc tương đối thấp trên thế giới, hệ thống giáo dục của Trung Quốc chưa cho phép nước này bồi dưỡng những nhân tài đổi mới những Elon Musk hay Steve Jobs.

Ngoài ra, chính sách sinh đẻ có kế hoạch khiến cho nhóm đối tượng thanh niên liên tục thu hẹp, và điều này đồng nghĩa với việc nhóm đối tượng đổi mới sáng tạo đang giảm đi.

Từ góc độ này có thể thấy rằng, mong muốn thông qua đổi mới để điều chỉnh kết cấu và ổn định tăng trưởng chỉ là một khẩu hiệu và rất khó triển khai thực hiện trên thực tế. Xét từ góc độ chu kỳ kinh tế lớn, cùng với việc kết thúc của những lợi kích kinh tế từ cơ cấu nhân khẩu học và xu hướng già hóa dân số gia tăng, nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu suy yếu.

Mặc dù Trung Quốc đã thực hiện chính sách 3 con, nhưng có thể cần khoảng 20 năm để một đứa trẻ phát triển thành người lao động. Ngay cả khi đã nới lỏng chính sách kế hoạch hóa gia đình, song chưa chắc giới trẻ hiện nay đã muốn sinh nhiều con bởi hệ thống phúc lợi xã hội không đảm bảo. Do đó xét từ góc độ dân số, đây là sự đứt gãy không thể đảo ngược, ít nhất trong thời gian 10-20 năm tới.

"Cỗ xe tam mã" mất đà

Xuất khẩu không thể tiếp tục bùng nổ như trước đây. Về đầu tư, các sân bay, tuyến đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc và cơ sở hạ tầng cần xây dựng đều đã hoàn thành, nên hiệu quả thúc đẩy của đầu tư ngày càng thấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đối với cơ cấu nợ quốc gia. Nhu cầu nội địa là trọng số thay đổi duy nhất của Trung Quốc.

Tuy nhiên, với hệ thống phúc lợi xã hội của Trung Quốc hiện nay, nhu cầu nội địa khó có thể được thúc đẩy. Người dân Trung Quốc thường lựa chọn phương án tiết kiệm, đây chính là nguyên nhân Trung Quốc có tỷ lệ dự trữ cao.

Nếu chính phủ có thể kiện toàn hệ thống phúc lợi xã hội thì nhu cầu tiêu dùng của người dân Trung Quốc sẽ không hề thua kém nước ngoài. Tuy nhiên, với hệ thống an sinh xã hội hiện nay, nhu cầu nội địa của Trung Quốc rất khó được giải phóng.

Khi lợi ích từ cải cách không còn

Quân bài duy nhất hiện nay mà Trung Quốc có thể sử dụng là lợi ích kinh tế từ cải cách - nghĩa là gỡ bỏ gánh nặng của doanh nghiệp, gỡ bỏ “xiềng xích” của nền kinh tế, thay “đôi giày mới” để giúp nền kinh tế Trung Quốc có thể tiếp tục đà phát triển theo quán tính trong một thời gian.

Tuy nhiên, thực tiễn những năm gần đây cho thấy ba mũi tên cải cách kinh tế của Trung Quốc đều đã bắn vào khoảng không.

Mũi tên thứ nhất là cải cách hệ thống tài chính. Lượng tiền trong xã hội của Trung Quốc rất lớn, nhu cầu tài chính cũng rất cao, nhưng ngân hàng lại khá ít, mọi người đều cho rằng sau khi thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi, tăng cường các giấy phép ngân hàng và giúp cung cầu về vốn có thể kết nối thông suốt có trật tự.

Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc chỉ cấp phép cho một vài ngân hàng tư nhân, do đó có thể nói rằng kỳ vọng cải cách không đạt được mục tiêu. Lý do là bởi những lợi ích đã được thiết lập từ trước, không ai muốn bước qua thời kỳ ngân hàng kiếm tiền dễ dàng.

Khi cải cách tài chính không thể thúc đẩy có trật tự, nền kinh tế thực sẽ bị “chảy máu vốn”, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) sẽ phải tiếp cận với nguồn vốn lãi suất cao (hệ thống tài chính ngầm), doanh nghiệp thu không đủ chi, không thể đảm đương gánh nặng lãi suất, và hệ quả chính là đóng cửa, sau đó là sự tháo chạy của các chủ nợ.

Bên cạnh đó là vấn đề đầu tư không hiệu quả đối với doanh nghiệp nhà nước, một số ngân hàng quốc doanh lớn liên tục “bơm máu” cho khu vực này, trong khi những khu vực cần hỗ trợ lại không được “tiếp sức.”

Mũi tên thứ hai là cải cách đất đai hay tư hữu hóa. Thời kỳ hậu tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, cải cách đất đai luôn bị ám ảnh bởi cải cách ruộng đất trước đó. Cải cách đất đai quyết định tốc độ đô thị hóa trong tương lai. Điều này cũng có nghĩa là khi nông dân có thể sử dụng tài sản duy nhất của mình là đất đai để cầm cố thế chấp hoặc mua bán, họ có thể thúc đẩy đô thị hóa bằng sức mua của mình.

Khi đất đai có thể luân chuyển một cách trật tự, thì quy mô và hiện đại hóa nông nghiệp cũng có thể được thực hiện. Tuy nhiên, phần lớn nguồn thu ngân sách của chính quyền địa phương là đến từ tiền chuyển nhượng đất đai, trùng khớp với chênh lệch giá từ việc chuyển đổi đất nông nghiệp của nông dân giá thấp thành đất nhà ở thương mại giá cao. Vì những lợi ích này của chính quyền địa phương nên cải cách đất đai khó được thực hiện triệt để.

Cải cách đất đai cũng là vấn đề tranh cãi đối với trung ương, bởi vì mọi người đều biết nền tảng ổn định của Trung Quốc là vấn đề lương thực của nông dân.

Tuy nhiên, nếu luân chuyển đất đai, nông dân dễ dàng cầm cố hoặc bán đất để vào thành phố làm việc, một khi thất nghiệp muốn quay lại làm nông dân thì điều đó đã không còn khả thi. Khi nông dân mất đất, không có việc làm trở thành những người lang thang, bộ phận này sẽ gây nên những tác động rất lớn đối với xã hội, đây là điểm Trung Quốc lo ngại nhất, đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân trì hoãn thúc đẩy cải cách đất đai.

Mũi tên thứ ba là cải cách doanh nghiệp nhà nước. Cải cách doanh nghiệp nhà nước, gọi một cách tích cực là tái cấu trúc, gọi một cách khác là bán tài sản. Đó là việc cho phép phá sản những doanh nghiệp cần phá sản, sáp nhập những doanh nghiệp cần sáp nhập, mua lại những doanh nghiệp cần mua lại. Khi đó, có rất nhiều người đưa ra ý kiến khác nhau, nhưng trên thực tế cuộc tái cấu trúc lần trước đã tạo ra nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh.

Nếu doanh nghiệp nhà nước có thể hoàn thành tái cấu trúc, thị trường vốn phối hợp với doanh nghiệp nhà nước đưa hơn 100.000 tỷ NDT tài sản nhà nước vào hệ thống phúc lợi xã hội, thì nhu cầu nội địa của Trung Quốc chắc chắn sẽ bùng nổ.

Tuy nhiên, hiện nay, Trung Quốc lại muốn bành trướng khu vực doanh nghiệp nhà nước. Loại hình cải cách doanh nghiệp nhà nước theo kiểu “khu vực nhà nước tiến lên, khu vực tư nhân rút lui” dường như chệch hướng với mục tiêu đề ra.

Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc sắp bước vào thời kỳ suy thoái? Khi bước vào giai đoạn “kỷ nguyên đại suy thoái”, phần lớn các doanh nghiệp đều rất khó lội ngược dòng.

Mặc dù kinh tế không tăng trưởng không phải là vấn đề chí mạng đối với mọi quốc gia, chẳng hạn, một hai thập niên đại suy thoái sau thập niên 1990, Nhật Bản cũng không nguy kịch. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể bị tác động lớn bởi vì nước này có thể đối mặt với hai cuộc khủng hoảng, kinh tế và chính trị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục