Liệu luật pháp quốc tế có thể giải quyết ''các mối đe dọa vô hình''?

Dù việc nói về chiến tranh ở thời điểm này vẫn là quá sớm song có lẽ những thách thức rõ ràng nhất đối với luật pháp quốc tế là ảnh hưởng của các loại công nghệ mới.
Liệu luật pháp quốc tế có thể giải quyết ''các mối đe dọa vô hình''? ảnh 1Máy bay không người lái MQ-1 Predator và MQ-9 Reaper. (Nguồn: U.S. Air Force)

Theo trang eurasiareview.com, các tranh cãi về tính pháp lý của cuộc không kích mà Mỹ tiến hành để tiêu diệt Tướng Iran Qasem Soleimani đã bỏ qua một điểm quan trọng: người ta không thực thi luật pháp quốc tế không phải là các nguyên tắc đạo đức, mà là lợi ích cho chính bản thân các đối tượng tôn trọng nó.

Tuy nhiên, luật pháp quốc tế hiện hành không có tác dụng với các quốc gia bởi hàng loạt nguy cơ nảy sinh từ các mối đe dọa mới như máy bay không người lái và các lực lượng ủy nhiệm phi nhà nước - những điều cần cân nhắc thận trọng.

Suốt những ngày đầu năm 2020, dư luận và báo chí bị bao trùm bởi các ồn ào xung quanh vụ Mỹ ám sát Tướng Soleimani.

[Tổng thống Trump thuật lại vụ không kích vào tướng Soleimani]

Dù việc nói về chiến tranh ở thời điểm này vẫn là quá sớm song có lẽ những thách thức rõ ràng nhất đối với luật pháp quốc tế là ảnh hưởng của các loại công nghệ mới, hàng loạt mối đe dọa và các nguyên tắc lâu đời như chủ quyền.

Rắc rối bắt nguồn từ chỗ các quốc gia không thấy rằng họ cần luật pháp quốc tế vì lợi ích của mình.

Năm 2012, Giáo sư luật Gabriella Blum của Đại học Harvard nhắc đến xu hướng mới của “các mối đe dọa vô hình.” Bà miêu tả những “thiết bị ám sát không người lái” có khả năng đầu độc mục tiêu rồi sau đó tự hủy, xóa sạch mọi dấu vết liên quan.

Bà gọi đó là những “minidrone” - thiết bị bay không người lái thu nhỏ - và cho rằng một ngày nào đó chúng có thể sẽ đặt ra mối đe dọa mới mà các cấu trúc an ninh, pháp lý và chính trị khó có thể ứng phó.

Bà viết: “Sự độc lập của các mối đe dọa này khiến người ta khó tìm ra dấu vết hay các mối liên hệ với "nguồn." Vì vậy, người ta khó có thể trả đũa, trừng phạt hay thậm chí là ngăn chặn chúng, và hệ quả là ngày càng khó tìm ra thủ phạm và ngày càng nhiều người vô tội trở thành nạn nhân.”

Mối đe dọa này đã lớn dần cùng chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia, tuy nhiên các mối đe dọa này đang dần gắn với các nhân tố ủy nhiệm phi nhà nước.

Năng lực tấn công của Iran ngày càng mở rộng với công nghệ không người lái, mà bằng chứng là vụ không kích các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia hồi tháng 9/2019, vụ việc mà lực lượng Houthi tuyên bố đứng đằng sau song lại bị các đánh giá tình báo của Mỹ phủ nhận.

Công nghệ không người lái được Mỹ tiên phong để đối phó với các nhân tố phi nhà nước. Hiệu quả của công nghệ này còn được ghi nhận với cả các mục tiêu khác.

Điều này đã tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang và cho dù ai thực sự tiến hành các cuộc không kích kể trên, một nguyên tắc rõ ràng mà người ta có thể khẳng định là các thiết bị không người lái có khả năng hoạt động ở các khu vực xa xôi, vượt quá biên giới 1 quốc gia nào đó, và ít bị cản trở - tương tự như bản chất của các lực lượng ủy nhiệm.

Tuy nhiên, các thiết bị này có thể phối hợp với các lực lượng ủy nhiệm và qua mặt luật pháp quốc tế, khiến việc phòng vệ hay trả đũa đều trở nên không hề đơn giản.

Vụ ám sát Tướng Soleimani có thể không phải là để trả đũa việc Iran tấn công các cơ sở hóa dầu của Saudi Arabia, song Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định chống lại các mối đe dọa an ninh phi nhà nước này bằng cách tiêu diệt “kẻ cầm đầu.”

Quyết định của Trump có thể chặn đứng mối đe dọa, hay sẽ kích động sự giận dữ của một loạt kẻ thù của phương Tây? Nhiều người hy vọng Iran sẽ thấy việc leo thang căng thẳng có thể khiến họ phải trả cái giá quá đắt và sẽ rút lui. Tuy nhiên, trên thực tế, cái chết của Tướng Soleimani và nguy cơ chiến tranh toàn diện đã buộc Iran phải tính toán lại các phí tổn nếu sử dụng những lực lượng ủy nhiệm phi nhà nước.

Tuy nhiên, để lập luận của Mỹ thuyết phục, cần một sự đảm bảo rằng Mỹ - quốc gia mà Iran cáo buộc là vi phạm luật pháp quốc tế - cần phải tôn trọng các nguyên tắc này trong tương lai.

Vòng xoáy trả đũa sẽ khiến hai bên thiệt hại và kéo theo nhiều rủi ro, và đó là lý do vì sao các quốc gia thường ưu tiên tôn trọng các thỏa thuận quốc tế.

Luật pháp quốc tế được quy định bởi sự đồng thuận chung, nơi các quốc gia nhận thấy rằng họ có được lợi ích lớn nhất khi tuân thủ các nguyên tắc an ninh chung, bởi cái giá của việc chối bỏ những ràng buộc này đều quá lớn.

Vấn đề nằm ở chỗ hiện vẫn chưa có bất kỳ giải pháp pháp lý hiệu quả nào để đối phó với những mối đe dọa “vô hình,” đồng nghĩa với việc chất keo kết dính sự tôn trọng dành cho luật pháp quốc tế đang bị xói mòn.

Một trật tự dựa trên nguyên tắc ít rủi ro và ít tốn kém hơn hẳn các cuộc chạy đua vũ trang và chiến tranh mượn tay kẻ khác. Đây là điều quan trọng đáng để nhấn mạnh bởi cuộc chạy đua công nghệ không người lái rõ ràng đang diễn ra.

Lịch sử cho thấy rằng khi các nhân tố quá bảo thủ về hệ tư tưởng, sẽ cần rất nhiều thời gian và phí tổn - hoặc thậm chí là thay đổi về mặt lãnh đạo - để người ta thay đổi lộ trình và tái xây dựng một trật tự mới dựa trên luật pháp.

Rõ ràng đã đến lúc chúng ta cần một hệ thống luật pháp quốc tế mới, đủ để đối phó với “các mối đe dọa vô hình” trước khi các cam kết này tan vỡ nhiều hơn nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục