Liệu Mỹ Latinh có đang hướng về phương Đông?

Quá trình chuyển dịch về không gian trung lập giữa Bắc Kinh và Washington bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ, khá lâu trước cả khi Trung Quốc giành được ảnh hưởng sâu rộng tại khu vực như ngày nay.
Liệu Mỹ Latinh có đang hướng về phương Đông? ảnh 1Người dân trên phố ở Sao Paulo, Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo bài viết trên báo Foreign Affairs, ngày nay Mỹ Latinh cũng phân cực như phần còn lại của phương Tây, khi bị giằng xé bởi những cuộc tranh luận gay gắt và những “cuộc chiến Twitter” vì đủ loại đề tài, từ “tư tưởng giới tính” cho tới cách thức tái kích hoạt các nền kinh tế bị tác động của đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, có một sự đồng thuận ngày càng lớn mà nhiều chính trị gia Mỹ Latinh từ cả phe tả lẫn phe hữu đều đang chia sẻ một cách bất ngờ.

Trong cuộc đua tranh toàn cầu ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ, các nước trong khu vực nên thực sự theo đuổi một con đường độc lập và không liên kết với bên nào. Lập trường này, mà dường như sẽ được củng cố thêm sau các cuộc bầu cử trong năm nay tại hai quốc gia quan trọng trong khu vực là Brazil và Colombia, rất có thể là bước phát triển chính sách đối ngoại quan trọng nhất của khu vực kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Quá trình chuyển dịch về không gian trung lập giữa Bắc Kinh và Washington bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ, khá lâu trước cả khi Trung Quốc giành được ảnh hưởng sâu rộng tại khu vực như ngày nay.

Ngay khi quá trình dài liên kết với Washington và chuyển mình hướng tới dân chủ và các thị trường mở bắt đầu giảm tốc, Trung Quốc đã bắt đầu quá trình thâm nhập phi thường của mình vào khu vực.

Giá trị thương mại của Trung Quốc với Mỹ Latinh và Caribe tăng vọt từ 18 tỷ USD năm 2002 lên 450 tỷ USD năm 2021, với động lực chính là nhu cầu của quốc gia châu Á về các sản phẩm nguyên liệu như đậu tương, quặng sắt và dầu thô.

Trong những năm gần đây, kể cả những lãnh đạo hữu khuynh thân Mỹ, như các Tổng thống Jair Bolsonaro của Brazil, Sebastián Piñera của Chile hay Iván Duque của Colombia, đều phớt lờ những cảnh báo của Washington về những rủi ro của mối ràng buộc kinh tế với Trung Quốc và của dòng vốn đầu tư cùng công nghệ từ quốc gia đông dân nhất thế giới, bao gồm cả các mạng viễn thông 5G tại một số nước, các mỏ khai thác lithium tại Chile, và công trình xây dựng một tuyến tàu điện ngầm mới tại thủ đô Bogota của Colombia.

Ngày nay, Trung Quốc là đối thương mại lớn thứ hai của khu vực Mỹ Latinh và là bạn hàng lớn nhất của Brazil, Chile, Peru và Uruguay. Chỉ trong tháng 2/2022, các tổng thống của Ecuador và Argentina đã thăm Bắc Kinh với mục tiêu thương lượng một thỏa thuận thương mại mới (Ecuador) hay trở thành điểm thu hút chính đầu tư của Trung Quốc vào hạ tầng cơ sở thông qua việc tham gia sáng kiến "Vành đai và Con đường" (Argentina).

Việc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ đều ngừng ủng hộ định hướng tự do thương mại càng tô đậm thêm cảm nhận rằng Trung Quốc có thể là cứu cánh duy nhất cho “cơn khát” các thị trường xuất khẩu mới và các nguồn vốn đầu tư để tăng trưởng kinh tế sau đại dịch COVID-19, vốn gây ra tác động đặc biệt nặng nề tại Mỹ Latinh.

Mặc dù cũng có những tiếng nói tranh luận rằng đây là lối tư duy thiển cận và bỏ qua những khiếm khuyết của chính Trung Quốc trong vai trò đối tác chiến lược, nhưng không dễ để bỏ qua luận điểm mặc định bấy lâu nay về cái gọi là khu vực ảnh hưởng của Mỹ tại Tây Bán Cầu giờ đây cần được rà soát lại.

Vận mệnh hiển nhiên

Một cuốn sách quan trọng mới được xuất bản, mang tên “Chủ động không liên kết và Mỹ Latinh: Một học thuyết cho thế kỷ mới," với sự đóng góp của một vài nhân vật lãnh đạo chính sách nổi bật trong khu vực như Bộ trưởng Quốc phòng Argentina Jorge Taiana, và các cựu Ngoại trưởng Jorge Castaneda của Mexico và Celso Amorim của Brazil, có thể giúp lý giải phần nào những luồng suy nghĩ bên trong khu vực.

Bên cạnh những bất an ngày càng lớn về sức mạnh của các thể chế dân chủ Mỹ, các tác giả còn chỉ ra quyết định của Mỹ năm 2017 từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó Chile, Mexico và Peru là các nước ký kết, như điểm bước ngoặt cho vị thế của Washington tại khu vực.

Quyết định này, thêm vào những đe dọa liên miên của chính quyền cựu Tổng thống Trump về các trừng phạt bằng biểu giá thuế như một công cụ chính trị, đã khiến nhiều nhà hoạch định chính sách trên khắp Mỹ Latinh đi tới kết luận rằng họ phải đa dạng hóa quan hệ thương mại để giảm bớt phụ thuộc vào Mỹ.

Những cuộc tranh cãi về chính sách của Tổng thống Joe Biden vừa qua cùng khả năng ngày càng lớn của việc ông Trump trở lại Nhà Trắng năm 2024 càng xóa bỏ những hy vọng của họ rằng bước hụt trong những năm vừa qua chỉ là hiện tượng nhất thời.

Nhưng cả những sự kiện nội bộ các nước cũng đang dẫn tới thay đổi. Những năm 2010 là một thập kỷ trì trệ kinh tế, bất ổn xã hội và tan rã dân chủ tại Mỹ Latinh. Khu vực này cũng là khu vực chịu tác động nặng nề nhất từ COVID-19, khi chiếm tới 30% số nạn nhân tử vong của đại dịch, bất chấp chỉ chiếm 8% dân số toàn cầu. Nền kinh tế khu vực sụt giảm bình quân 7% trong năm 2020 và chỉ có mức độ tàn phá kinh tế tại khu vực đồng euro mới có thể so sánh được.

Cho dù có rất nhiều nguyên nhân cho những khó khăn của Mỹ Latinh, từ tình trạng bất bình đẳng cao độ tới việc các hệ thống y tế thiếu hụt ngân sách, một số nhà chiến lược đã kết luật rằng khu vực có vị thế yếu kém xét từ góc độ liên kết quốc tế, và lưu ý rằng Mỹ ban đầu đã giữ lại vaccine cho nhu cầu nội bộ thay vì cung cấp cho các đồng minh phía Nam.

“Đã tới lúc phải chấm dứt vị thế ngày càng thứ yếu của khu vực”, các tác giả cuốn sách đã viết ngay trong lời giới thiệu, và bổ sung: “Điều này gắn liền với việc nắm lấy vận mệnh của chính mình, không để rơi vào tay người khác."

Trên thực tế, khái niệm “không liên kết” được nêu trong tiêu đề của cuốn sách này không hẳn là một sự gợi nhớ lại phong trào quốc tế được cố Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru sáng lập những năm 1960.

Khái niệm hiện đại đang ngày càng trở nên hấp dẫn tại Mỹ Latinh, được học giả Argentina Juan Gabriel Tokatlian nêu trong cuốn sách dưới thuật ngữ trên, hàm ý nói về một chính sách đối ngoại “cân xứng” giữa Washington và Bắc Kinh, không phụ họa và cũng không thù địch với bất kỳ bên nào.

[Mỹ Latinh liệu có là một miền đất mới của Trung Quốc?]

Những người đóng góp ý kiến khác trong tác phẩm này thì nhấn mạnh tới sự cần thiết của hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, kể cả trong nội khu vực Mỹ Latinh, cũng như trong quan hệ với các nước châu Phi và châu Á, mở rộng các mối quan hệ “Nam-Nam," vốn từng là trào lưu thời thượng vào hồi đầu thế kỷ. Một số chiến lược gia khác lại chú trọng việc hướng tới các nước châu Âu như đối tác để tránh phụ thuộc quá nhiều và cả Washington lẫn Bắc Kinh.

Vài người sẽ không để mắt tới những ý tưởng này, coi chúng tới từ một thiểu số ồn ào của các nhà hoạt động cánh tả. Nhưng khi tạp chí chính trị lâu đời chuyên về châu Mỹ Americas Quarterly mới đây đăng loạt bài viết về câu hỏi các nước Mỹ Latinh cần ứng phó mối quan hệ tương tác Trung Quốc và Mỹ ra sao, thay vì một cuộc tranh luận nóng bỏng như thường lệ thì những câu trả lời đều là những cách diễn đạt khác nhau của cùng một ý tưởng: Khu vực này nên tránh việc chọn bên.

Ông Bolsonaro, người trong vai trò ứng viên Tổng thống Brazil năm 2018 đã thường xuyên công kích Trung Quốc, nhưng ông đã hầu như tránh đối đầu với Bắc Kinh khi giữ cương vị tổng thống và còn bỏ qua những lời kêu gọi của chính quyền Tổng thống Joe Biden về việc loại bỏ hoàn toàn tập đoàn Huawei khỏi vai trò nhà cung cấp mạng 5G cho Brazil.

Tổng thống trung hữu của Uruguay Luis Lacalle Pou tuyên bố hồi tháng 9/2021 rằng ông sẵn sàng nói chuyện cởi mở với Bắc Kinh về một thỏa thuận tự do thương mại mới, trong đó quốc gia Nam Mỹ bé này có thể đóng vai trò cửa ngõ hội nhập kinh tế của Trung Quốc với phần còn lại của khu vực.

Nhiều quan chức của Colombia, đồng minh truyền thống và thân cận nhất của Mỹ tại tiểu lục địa Nam Mỹ, đã úp mở khả năng gia nhập sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) trước khi đương kim Tổng thống Duque, một người theo tư tưởng bảo thủ, mãn nhiệm vào tháng Tám tới. Mexico theo cách nào đó là người đứng ngoài xu hướng chung này của khu vực, do sự tính chất đặc biệt gần gũi về thương mại của quốc gia Bắc Mỹ này với Mỹ.

Nhưng ngay cả vậy, sau cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc vào năm ngoái, Ngoại trưởng Mexico đã thông báo về những kế hoạch để “mở rộng quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 nước."

Liệu Mỹ Latinh có đang hướng về phương Đông? ảnh 2Người di cư đi dọc tuyến đường cao tốc Puebla-Mexico, bang Puebla (Mexico), trong hành trình tới Mỹ ngày 9/12/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hồi đầu tháng Hai vừa qua, Chính phủ Argentina đã ký với một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc về việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân với trị giá 8 tỷ USD, khiến cho các thành viên đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ phải đưa ra lời cảnh báo và hối thúc Buenos Aires “đảo ngược” tiến trình này.

Những cuộc bầu cử sắp tới dường như sẽ còn đẩy khu vực này tiến xa hơn theo chiều hướng này, bắt đầu với nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh.

Luiz Inácio Lula da Silva, cựu Tổng thống Brazil giai đoạn 2003-2010 và đang chiếm ưu thế để đánh bại ông Bolsonaro vào tháng 10 tới và trở lại nắm quyền, từng làm dậy sóng hồi tháng 12 vừa qua với tuyên bố rằng các nước Nam Mỹ cần hình thành một khối với Liên minh châu Âu để “đối mặt với hai người khổng lồ Mỹ và Trung Quốc."

Ông Amorim, nhân vật mà nhiều người tin sẽ trở lại ghế Ngoại trưởng Brazil nếu ông Lula đắc cử, mới đây nói rằng một mối quan hệ khăng khít hơn với Trung Quốc là “không thể tránh," mặc dù cẩn thận bổ sung thêm rằng Brazil không nên “lựa chọn Trung Quốc thay cho Mỹ." Tất cả các ứng viên dẫn đầu trong cuộc chạy đua bầu cử tổng thống tại Colombia, sự kiện sẽ diễn ra vào tháng 5/2022, đều có xu hướng ít cam kết với Mỹ hơn Tổng thống Ivan Duque hiện tại, đặc biệt là ứng viên trung tả đang dẫu đầu cuộc đua Gustavo Petro.

Gabriel Boric, tân Tổng thống Chile và cựu lãnh đạo phong trào phản kháng của sinh viên, từng tuyên bố sẽ không phê chuẩn hiệp ước thương mại thay thế cho TPP, vốn được nhìn nhận như một liên minh kinh tế chống Trung Quốc.

Những tín hiệu cảnh báo

Những khoản cho vay của Trung Quốc là hỗ trợ sống còn cho chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro tại Venezuela, dẫn tới khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia Nam Mỹ này và làm dấy lên những câu hỏi rộng mở hơn về tính minh bạch của các nguồn vốn Trung Quốc tại khu vực.

Có người cảnh báo rằng với việc cố gắng “đi dây” và né tránh cả Mỹ và Trung Quốc, Mỹ Latinh cuối cùng có thể đánh mất cơ hội từ cả hai nước và bị đứng ngoài trong chuỗi cung ứng toàn cầu và các khoản đầu tư mang tính quan trọng sống còn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.

Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ sắp tới, dự kiến vào đầu tháng 6/2022 tại Los Angeles, có thể là diễn đàn nơi Washington chí ít có thể tái tập hợp lực lượng phần nào. Nhưng để tạo đột phá thực sự, Mỹ cần phải đặt thêm nhiều tham vọng vào các quân bài của mình. Ví dụ, Mỹ có thể hồi sinh lại cuộc thảo luận về khối tự do thương mại Tây Bán Cầu đã bị “cho vào ngăn kéo” bấy lâu nay, nhưng đây rõ ràng là điều bất khả thi với cả ông Biden và đảng Cộng hòa.

Washington cũng có thể lôi kéo một số nước về gần lập trường của mình hơn bằng việc mở rộng tương đối các chương trình lưu trú cho người lao động nước ngoài, nhưng lựa chọn này sẽ làm gia tăng cảm giác chống người nhập cư vốn đã căng thẳng trong một bộ phận khá lớn cử tri Mỹ.

Liệu Mỹ Latinh có đang hướng về phương Đông? ảnh 3Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) gặp Tổng thống Alberto Fernandez của Argentina. (Nguồn: South China Moring Post)

Điều rất tích cực mà Mỹ có thể làm để cạnh tranh với Trung Quốc là ổn định lại trật tự ngay tại trong nước và khôi phục lòng tin về các nguyên tắc và giá trị dân chủ mà đa số người Mỹ Latinh chia sẻ. Còn từ nay tới lúc đó, người ta có thể được nghe ngày càng nhiều trong những cuộc trao đổi và tranh luận tại khu vực này rằng rốt cục cũng chẳng có nhiều khác biệt trong thực hành giữa Washington và Bắc Kinh.

Rõ ràng, các nước Mỹ Latinh đáng được theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập phù hợp với các lợi ích chủ quyền của mình. Nhưng trong quá trình này, các nước trong khu vực xoay chuyển những kỳ vọng dài hạn về hành xử của họ trong các liên kết về chính trị, kinh tế và quân sự trong những năm tới. Cảm nhận bản đồ địa chính trị đang được vẽ lại là điều khó tránh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục