Liệu ông Trump có thể tái đắc cử nhờ giữ lời hứa rút quân khỏi Syria?

Việc ông Trump cam kết chấm dứt những cuộc chiến tranh lãng phí do Mỹ phát động ở nước ngoài là một trong những mục tiêu chính của ứng viên đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020.
Liệu ông Trump có thể tái đắc cử nhờ giữ lời hứa rút quân khỏi Syria? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo Newsweek, việc Tổng thống Donald Trump cam kết chấm dứt những cuộc chiến tranh lãng phí do Mỹ phát động ở nước ngoài là một trong những mục tiêu chính của ứng viên đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020.

Theo trang mạng newsweek.com ngày 27/12, ông Trump đã thừa hưởng cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng của người tiền nhiệm vào thời điểm tổ chức này mạnh nhất và thề đánh bại những kẻ cực đoạn hồi giáo, thay vì theo đuổi bất kỳ cuộc phiêu lưu nào ở khu vực.

Sau một chiến thắng lớn của Các lực lượng Dân chủ Syria (YPG) do người Kurd lãnh đạo và được sự hậu thuẫn của Mỹ, Tổng thống Trump đột ngột thông báo rằng "Chúng ta đã đánh bại IS ở Syria.” Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Nhà trắng khẳng định rằng Lầu Năm Góc được lệnh bắt đầu rút khoảng 2.000 quân khỏi vùng xung đột này.

[Tổng thống Mỹ Donald Trump bảo vệ quyết định rút quân khỏi Syria]

Thông tin trên ngay lập tức tạo ra sự phản ứng từ các quan chức, các nhà chính trị và các chuyên gia chính sách đối ngoại, trong đó nhiều người hoài nghi về sự đảo ngược chính sách đối ngoại của Mỹ. Tờ Newsweek đưa tin quyết định của Trump thực tế được đưa ra một tuần sau khi ông có cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Ông Joshua Landis, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Đông thuộc Đại học Oklahoma, nói với Newsweek: "Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đe dọa pháo kích miền bắc Syria khiến Trump chú ý," lập luận rằng tổng thống cho đến nay đã để các nhân vật như Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton giải quyết vấn đề này. Ông Landis nhận xét: "Thành thực mà nói tổng thống cũng muốn rút quân về nước. Trump đã cam kết với Thổ Nhĩ Kỳ rằng chính sách trang bị vũ khí cho lực lượng YPG chỉ là tạm thời cho đến khi IS bị đánh bại."

Trong khi ông Trump có quan điểm cứng rắn chống Iran, các cuộc đàm phán trở nên cực đoan ở phía đông Syria trái hẳn với những tuyên bố mà ông Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử và những ngày đầu nhậm chức. Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích chính sách của cựu Tổng thống Barack Obama ủng hộ cuộc nổi dậy chống lại Assad năm 2011 và yêu cầu ông không ném bom Syria. Trump sau đó đề nghị liên kết với Nga, đối tác lớn của Assad, để đánh bại IS.

Liệu ông Trump có thể tái đắc cử nhờ giữ lời hứa rút quân khỏi Syria? ảnh 2Binh sỹ Mỹ được triển khai tại làng Darbasiyah, miền Bắc Syria. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sau hai tháng ông Trump nhậm chức tổng thống, đại sứ Mỹ sắp mãn nhiệm tại Liên hợp quốc Nikki Haley và cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson dường như muốn chấm dứt chính sách thay đổi chế độ ở Syria của ông Obama. Tuy nhiên, một tuần sau đó ông Trump đã mở các cuộc không kích đầu tiên nhằm vào chính phủ Syria để trừng phạt nước này sử dụng vũ khí hóa học và đúng một năm sau ông đề nghị rút quân khỏi Syria.

Do đó, việc Tổng thống Trump thông báo rút quân khỏi Syria hôm 19/12/2018 vừa qua và việc Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tuyên bố từ chức một ngày sau đó không khiến người ta ngạc nhiên.

Ông Harry Kazianis, giám đốc Viện nghiên cứu lợi ích quốc gia có trụ sở tại Washington D.C, nói với Newsweek: "Tổng thống Trump đơn giản cho là đã hoàn thành một cam kết trong chiến dịch tranh cử - đảm bảo lợi ích quốc gia của Mỹ bằng cách đánh bại IS và đưa những binh sỹ dũng cảm trở về nhà."

Ông Kazianis nói thêm: "Việc những người đảng Dân chủ cho rằng đây là một sai lầm và chính quyền đang ‘giao Syria’ cho Nga hay Iran là một lời nói dối hoàn toàn. Khi nhiệm vụ này bắt đầu - dưới thời Tổng thống Obama năm 2015 - mục tiêu của nó không phải là can thiệp vào cuộc nội chiến Syria hay ngăn chặn Nga hoặc Iran gia tăng ảnh hưởng tại đất nước này."

Ông Landis cũng lưu ý rằng hồi tháng 9/2015 khi Nga can thiệp thay mặt Tổng thống Assad, ông Obama đã chọn tập trung vào IS thay vì Assad nhằm tránh nguy cơ gây chiến với Moskva. Ông Trump cũng đã có một quyết định tương tự, tránh xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia với Mỹ - cùng với Israel, Qatar và Saudi Arabia - ủng hộ các nỗ lực lật đổ Assad bằng cách cung cấp vũ khí cho phe đối lập. Khi sự nổi dậy gia tăng, các lực lượng hồi giáo và thân chính phủ Syria đã nỗ lực tái chiếm phần lớn đất nước này.

Thậm chí với lợi ích hạn chế ở Syria, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã cố gắng thúc đẩy quan hệ với Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời coi mình là một nhà môi giới quyền lực trong cuộc xung đột.

Khi ông Trump có vẻ ủng hộ một nước lớn Hồi giáo theo dòng Sunni khác ở khu vực - Saudi Arabia, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã đe dọa tiết lộ vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi trong tổng lãnh sự của Saudi Arabia tại Istanbul mà Thái tử Mohammed bin Salman có khả năng dính líu.

Ông Landis nhận định: "Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đã qua và Trump đang trở lại với những cam kết trong chiến dịch tranh cử là chấm dứt các cuộc chiến tranh ngu xuẩn và rút quân khỏi Trung Đông. Ông không quan tâm nhiều đến Trung Đông mà quan tâm đến việc làm cách nào để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử 2020.”

Trên thực tế, trong thời gian gần đây, ông đã có một số động thái nhằm tạo ấn tượng tốt với cử tri Mỹ. Quyết định rút quân khỏi Syria mà chưa cảnh báo trước Quốc hội được cho là một phần trong chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Trump. Một số nhà phân tích cho rằng quyết định này của Trump là khôn ngoan, đặc biệt là trong bối cảnh ông đang tìm cách thuyết phục đảng Dân chủ đồng ý chi tiền xây bức tường biên giới với Mexico, thậm chí ông từng hé lộ rằng quân đội có thể đóng vai trò trong việc xây dựng công trình này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục