Liệu thế giới có 'kham được' các gói kích thích lớn chưa từng có?

Các gói kích thích tài chính và điều chỉnh chính sách tiền tệ mà các nền kinh tế lớn trên thế giới công bố trong tháng Ba này được đánh giá là một loạt biện pháp kinh tế quy mô toàn cầu chưa từng có.
Liệu thế giới có 'kham được' các gói kích thích lớn chưa từng có? ảnh 1Đồng USD và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tại ngân hàng ở tỉnh An Huy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo The Financial Times và The Telegraph, các gói kích thích tài chính và điều chỉnh chính sách tiền tệ mà các nền kinh tế lớn trên thế giới công bố trong tháng Ba này được đánh giá là một loạt biện pháp kinh tế quy mô toàn cầu chưa từng có trong thời bình.

Quy mô kích thích kinh tế chưa từng có tiền lệ

Mức tăng trong chi tiêu công và các khoản vay nợ của Mỹ trong năm nay sẽ ở mức hơn 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), lớn hơn mức tăng thâm hụt ngân sách liên bang trong năm 2008 và 2009.

Mặc dù gói kích thích tài chính trên có thể không lớn bằng gói biện pháp mà Trung Quốc đã thực hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính 12 năm trước, song hầu hết các nền kinh tế lớn đều dự báo tỷ lệ nợ công so với GDP sẽ tăng 10-20 điểm phần trăm.

[Những xu hướng kinh tế trong tương lai sau đại dịch COVID-19]

Động thái “bơm tiền” của các ngân hàng trung ương cũng có quy mô rất lớn. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương) có thể tài trợ một phần cho gói kích thích tài chính của nước này bằng việc mua trái phiếu chính phủ.

Bên cạnh đó, khi Fed bắt đầu mua trái phiếu có đảm bảo bằng thế chấp và nợ của doanh nghiệp, bảng cân đối kế toán của ngân hàng sẽ tăng thêm 2.000-3.000 tỷ USD trong năm 2020, từ mức 4.200 tỷ USD ghi nhận vào cuối năm 2019. Con số này tương tự mức tăng trong toàn bộ 10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư và thậm chí một số nhà hoạch định chính sách đặt câu hỏi liệu quy mô kích thích như vậy của Mỹ và hầu hết các nền kinh tế lớn khác liệu có phù hợp với tình hình và các biện pháp này có gây ra khủng hoảng nợ công hay làm tăng lạm phát hay không.

Nếu những nguy cơ về nợ công và lạm phát “phủ bóng” thị trường, nhà đầu tư có thể mất niềm tin vào khả năng của chính phủ trong việc đối phó với một cuộc suy thoái kinh tế có thể xảy ra sắp tới. Hậu quả đối với giá trị tài sản đầu tư sẽ là vô cùng tồi tệ, nhưng kịch bản này dường như sẽ không xảy ra.

Gói kích thích tài chính có thể được tài trợ theo ba cách chính. Chính phủ có thể bán trái phiếu kho bạc ngắn hạn gần như không giới hạn, đây thường là công cụ vay nợ đầu tiên được tính đến trong trường hợp thâm hụt ngân sách tăng đột ngột.

Sau đó, Bộ Tài chính có thể tăng cường phát hành các trái phiếu nợ dài hạn cho công chúng. Bên cạnh đó, Fed cũng có thể tăng mua nợ chính phủ từ công chúng, từ đó mở rộng bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương.

Trong tình hình hiện tại, một phần mức tăng nợ công sẽ được thể hiện trong bảng cân đối kế toán của Fed trong một thời gian rất dài. Biện pháp này có thể sẽ ngăn chặn động thái tăng lãi suất dài hạn một cách đột ngột, đặc biệt là nếu các ngân hàng trung ương lớn theo đuổi việc kiểm soát đường cong lợi suất như cách Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã làm.

Liệu thế giới có 'kham được' các gói kích thích lớn chưa từng có? ảnh 2Người dân mua hàng tại siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tin tốt là sự kết hợp giữa biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ có thể sẽ tạo tác động lớn hơn đối với các hoạt động kinh tế. Hơn nữa, lãi suất của các công cụ nợ dài hạn vẫn thấp hơn mức tăng trưởng tiềm năng GDP danh nghĩa, do đó nợ công khó có thể tăng ngoài kiểm soát.

Tuy nhiên, hình thức kích thích kinh tế nói trên có thể gây ra nhiều nguy cơ nếu lạm phát tăng. Ví dụ, nếu nguồn cung tiếp tục bị đình trệ, trong khi người tiêu dùng đồng thời nhận được nguồn tài trợ lớn từ chính phủ, tổng cầu có thể tăng theo hướng lạm phát tăng. Trong trường hợp đó, các biện pháp tài chính cần được loại bỏ hoặc đảo ngược nhanh chóng.

Điều may mắn là nền kinh tế thế giới hiện có ba yếu tố giúp ngăn chặn những nguy cơ về lạm phát. Đầu tiên, cuộc khủng hoảng này xảy ra vào thời điểm mà lạm phát được duy trì ở mức thấp hơn hoặc tương đương mục tiêu lạm phát mà ngân hàng trung ương đặt ra.

Thứ hai, giá dầu thấp dù sao cũng đóng vai trò giúp kiềm chế lạm phát. Thứ ba, các biện pháp kích thích kinh tế trong giai đoạn đại dịch COVID-19 không nhất thiết phải được duy trì trong thời gian dài như sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính trước đây.

Quan ngại suy thoái kinh tế kéo dài đến năm 2021

Điều cần làm hiện nay là ngăn chặn “tâm lý trầm cảm” trên toàn thế giới. Các nhà lãnh đạo và ngân hàng trung ương cần khẩn trương tăng cường nỗ lực giải cứu doanh nghiệp khỏi sự gián đoạn hoạt động đột ngột.

Agustín Carstens, người đứng đầu Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), đã kêu gọi “đóng băng trên toàn cầu” tất cả hoạt động chi trả cổ tức ngân hàng và mua lại cổ phần (buyback) nhằm thúc đẩy việc cung cấp các khoản vay cho các công ty đang trên bờ vực phá sản.

Một giải pháp là rất cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, với nguy cơ sự đình trệ các hoạt động kinh tế có thể kéo dài sang năm 2021.

Phát biểu trên tờ Financial Times, ông Carstens nhận định các ngân hàng không thể đáp ứng tình trạng “đói vốn” của doanh nghiệp mà phải rút tiền từ “bộ đệm” dự phòng mà ngân hàng xây dựng trong quá trình phục hồi sau khủng hoảng.

Chính phủ và các ngân hàng trung ương trên thế giới đã công bố các gói kích thích tài chính với quy mô lớn chưa từng có để chống lại sự sụp đổ kinh tế do dịch COVID-19.

Tuy nhiên, ông Carstens cảnh báo các biện pháp phục hồi sau khủng hoảng là chưa đủ và đề nghị những hành động “quyết liệt” hơn nữa. Thanh khoản của ngân hàng trung ương cần đến được những người gặp khó khăn trong khi các khoản cho vay hoãn thuế do nhà nước hậu thuẫn sẽ giúp giảm bớt áp lực đối với các doanh nghiệp, ông Carstens đề xuất.

Cảnh báo của nhà lãnh đạo BIS được đưa ra khi các chuyên gia kinh tế nhận định rằng sự phục hồi của nền kinh tế sau giai đoạn GDP sụt giảm có thể yếu hơn nhiều so với dự đoán do trình trạng mất việc làm nghiêm trọng. Các nền kinh tế có thể sẽ đương đầu với suy thoái vào năm 2021, nếu cuộc chiến ngăn chặn đại dịch COVID-19 kéo dài sang năm tới.

Theo ông Jason Furman, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, khả năng tăng trưởng âm sẽ tiếp tục vào năm sau nếu Mỹ vẫn phải thực hiện các biện pháp phong tỏa hoạt động trong nước và trên thế giới.

Nếu cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra đồng thời với cuộc khủng hoảng y tế, suy thoái chắc chắn sẽ kéo dài. Nếu nền kinh tế toàn cầu bỏ lỡ một năm tăng trưởng, thì sự hồi phục nhanh chóng khó có thể xảy ra.

Một phần thiệt hại đã mất đi không thể được bù đắp lại, dẫn đến mức giảm GDP vĩnh viễn, ông Furman cảnh báo, có rất nhiều kế hoạch nghiên cứu và phát triển, đầu tư vốn và đổi mới sẽ không được thực hiện vào lúc này trong bối cảnh khủng hoảng.

Giới chuyên gia dự báo sự suy sụp kỷ lục của GDP trên khắp châu Âu và Mỹ trong những tháng tới. Capital Economics ước tính GDP của Anh có thể giảm tới 40% trong quý 2/2020 so với ba tháng trước đó, một sự suy giảm lớn hơn nhiều so với bất kỳ cuộc khủng hoảng tài chính và cuộc Đại suy thoái diễn ra trước đây.

Trong khi đó, các nhà phân tích có quan điểm khác nhau về mức độ phục hồi của nền kinh tế. Một số quan điểm cho rằng kinh tế thế giới sẽ hồi phục mạnh mẽ vào cuối năm 2020 với giả định rằng dịch bệnh sẽ được ngăn chặn.

Các chuyên gia y tế tỏ ra bi quan hơn về triển vọng dỡ bỏ vĩnh viễn các lệnh phong tỏa gây tổn hại kinh tế, đồng thời cảnh báo rằng các chính phủ không có chiến lược nào khác ngoài biện pháp “cách ly xã hội’ để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Sự phục hồi từ một cuộc suy thoái sâu có thể cũng sẽ chậm hơn so với dự đoán và thậm chí có thể trì trệ nếu dịch bệnh xuất hiện trở lại sau khi các biện pháp phong tỏa và hạn chế được dỡ bỏ, theo chuyên gia George Buckley của Nomura.

Chi tiêu của người tiêu dùng sẽ chỉ phục hồi dần dần trong quý 3/2020, vì sẽ mất nhiều thời gian để người dân cảm thấy thoải mái và an toàn để quay lại nhà hàng, rạp chiếu phim và các địa điểm công cộng khác. Đầu tư kinh doanh cũng sẽ phục hồi yếu ớt do doanh nghiệp vẫn còn đề phòng rủi ro.

Bên cạnh đó, khả năng phục hồi kinh tế cũng có thể được xác định dựa trên tỷ lệ thất nghiệp và số lượng doanh nghiệp phá sản. Chính phủ các nước đang cung cấp hỗ trợ cho doanh nghiệp trả lương cho lao động song đã có dấu hiệu tăng tỷ lệ thất nghiệp ở Anh và Mỹ.

Theo Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 21/3 là 3,3 triệu đơn, vượt con số kỷ lục 695.000 đơn hồi tháng 10/1982.

Tại Anh, có đến gần nửa triệu đơn xin trợ cấp Universal Credit (trợ cấp tối thiểu hàng tháng cho chi phí sinh hoạt dành cho người có thu nhập thấp hoặc mất việc tại Anh) được thực hiện trong khoảng thời gian trung bình 9 ngày.

Nếu tất cả những người xin trợ cấp đều đã mất việc làm, tỷ lệ thất nghiệp ở Anh sẽ tăng vọt từ 3,9% lên 5,3%.

Sự gia tăng đột ngột này cho thấy viễn cảnh ảm đạm rằng nền kinh tế sẽ không trở lại trạng thái “bình thường” nhanh như những dự đoán đưa ra trước đây, chuyên gia Ruth Gregory tại Capital Economics cảnh báo.

Nếu nhiều người thất nghiệp hơn, nhiều doanh nghiệp phá sản hơn, nỗi lo sợ điều tương tự có thể xảy ra một lần nữa khiến các công ty và hộ gia đình e dè trong đầu tư và tiêu dùng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục