Liều thuốc đặc trị căn bệnh "chè chén, xa hoa, lãng phí, biếu xén"

Dư luận bày tỏ sự quan tâm đặc biệt với Quy định về một số việc cần làm ngay mà Bộ Chính trị mới ban hành, xem đó như một "liều thuốc" đặc trị căn bệnh "chè chén, xa hoa, lãng phí, lợi dụng biếu xén
Liều thuốc đặc trị căn bệnh "chè chén, xa hoa, lãng phí, biếu xén" ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định về một số việc cần làm ngay để góp phần thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về xây dựng Đảng và tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Điểm đầu tiên trong Quy định 6 điểm của Bộ Chính trị là "Nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng trước, trong và sau mỗi kỳ đại hội, hội nghị, kỳ họp hoặc các dịp míttinh, kỷ niệm ngày truyền thống, khai giảng, bế giảng hoặc khi cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm, luân chuyển, thuyên chuyển công tác... để ăn uống, tiệc tùng, tặng, nhận quà, với động cơ vụ lợi."

Quy định cũng nêu rõ: “Việc tổ chức cưới hỏi, ma chay, giỗ, Tết, sinh nhật phải thực hiện đơn giản, tiết kiệm, bảo đảm nếp sống văn hóa mới theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước; phù hợp với thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Nghiêm cấm việc biếu xén, đưa tặng quà với động cơ vụ lợi, không trong sáng. Chấm dứt ngay tình trạng ăn uống, "chè chén" xa hoa, lãng phí, gây phản cảm trong dư luận xã hội. Khi có đoàn công tác đến, địa phương, cơ quan, đơn vị, cơ sở phải thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về chế độ lễ tân, chế độ công tác; không tổ chức đoàn xe đưa đón, khẩu hiệu, trải thảm, tặng quà và tổ chức ăn uống lãng phí"...

Dư luận nhân dân cả nước bày tỏ sự quan tâm đặc biệt và hoan nghênh quy định này, xem đó như một "liều thuốc" đặc trị đối với căn bệnh "chè chén, xa hoa, lãng phí, lợi dụng biếu xén," gây phản cảm trong xã hội và bức xúc với người dân.

Trong nhiều năm qua, việc tổ chức liên hoan, nhậu nhẹt đã diễn ra một cách phổ biến. Trong nhiều cơ quan, đơn vị trên phạm vi cả nước, việc dùng tiền công quỹ để thết đãi nhau đã như chuyện thường ngày. Thậm chí ở một số nơi, Trung ương còn phải cấp ngân sách chi thường xuyên nhưng cứ có khách tới là rượu chè triền miên.

Tệ hại hơn, không ít nơi nếu khách đến công tác không biết uống rượu hoặc từ chối uống rượu thì liền bị "chủ nhà" đánh giá là "không thật tình, không chịu chơi" nên rất khó làm việc. Cũng có nơi còn nghèo, thậm chí rất nghèo, nhưng khi có khách đến công tác cũng cố nài để nhậu nhẹt kẻo sợ bị mang tiếng là không hiếu khách, không chu đáo. Cũng có không ít cán bộ công chức khi tới làm việc với một đơn vị, cơ quan nào đó rất xem trọng việc được chủ nhà thết đãi thế nào để qua đó "đánh giá" thái độ; điều đó khiến không ít chủ nhà biến thành "khổ chủ."

Nhiều địa phương có các điển hình sản xuất hay các địa danh gắn với di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh đã nợ hàng trăm triệu đồng chi tiếp khách. Rõ ràng là việc ăn uống, nhậu nhẹt tràn lan đã thực sự trở thành một tệ nạn đối với không ít cơ quan công quyền, công chức và nhiều doanh nghiệp. Không chỉ là chuyện xa hoa, lãng phí mà việc nhậu nhẹt tràn lan, quà cáp biếu xén còn làm băng hoại đạo đức cán bộ, công chức, làm giảm hiệu năng của cơ quan công quyền, tạo ra kẽ hở cho những “con voi tiêu cực chui qua lỗ kim." Những nét thuần phong mỹ tục đã biến thành hủ tục, đạo lý tương thân tương ái đã biến thành áp lực nợ nần, thành quan hệ vay-trả, thể hiện rõ nhất trong việc cưới xin, ma chay, giỗ Tết.

Nghị quyết Trung ương 4, (khóa XII) đã chỉ ra các biểu hiện cụ thể của “tự diễn biến, tự chuyển hóa," trong khi Quy định của Bộ Chính trị đã điểm đúng huyệt của một tệ nạn đang mặc nhiên tồn tại, là nhân tố làm cho không ít cán bộ công chức trở thành bê tha, trong đó không ít người đã dẫn tới sa đọa về phẩm chất đạo đức, đánh mất vai trò tiên phong, gương mẫu, gây phản cảm đối với quần chúng nhân dân, làm xói mòn lòng tin của người dân đối với cán bộ công chức và các cơ quan công quyền.

Triển khai thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Bộ Chính trị là nhiệm vụ cấp bách của toàn thể đảng viên và công chức trong hệ thống chính trị. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải ý thức rõ trách nhiệm của mình, làm gương thực hiện Quy định của Bộ Chính trị. Mỗi tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, đơn vị trong lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp... cần phải xây dựng quy chế sinh hoạt, có cơ chế giám sát để thực hiện Quy định nghiêm túc và hiệu quả.

Thực hiện Quy định của Bộ Chính trị là thể hiện vai trò gương mẫu, góp phần thiết thực vào việc thực hiện công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đồng thời cũng là trở lại với những giá trị văn hóa, nhân văn đã được hun đúc và nuôi dưỡng suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; làm cho nền văn hóa ngày càng đậm đà bản sắc dân tộc, nuôi dưỡng tâm hồn Việt Nam ngày càng lành mạnh, nhân văn.

Quy định của Bộ Chính trị là một yêu cầu nghiêm khắc và cần làm ngay, là mệnh lệnh đối với toàn Đảng.

Cùng với yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các địa phương không được về Hà Nội chúc tết, tặng quà cho Thủ tướng, các phó thủ tướng, bộ trưởng mà hãy dành thời gian chủ động tập trung chăm lo Tết cho nhân dân. Nhân dân kỳ vọng và đặt niềm tin vào quyết tâm lớn của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ xây dựng Đảng; về việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ và liêm chính thông qua những hành động cụ thể của cán bộ, đảng viên, công chức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục