Liệu Tổng thống Trump có gây bất ngờ cho thế giới trong năm 2019?

Trong gần 2 năm qua, cộng đồng quốc tế đã rút ra được bài học quý giá, đó là Trump đã làm những gì ông hứa và không có yếu tố bất ngờ trong chính sách ngoại giao của Mỹ dưới thời Trump.
Liệu Tổng thống Trump có gây bất ngờ cho thế giới trong năm 2019? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ở Washington, DC, ngày 4/1/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Vài ngày nữa, Mỹ sẽ kỷ niệm 2 năm Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền. Trong nội các, những nhân vật chống đối ông đã lần lượt ra đi. Thế giới chờ đợi gì ở chính sách đối ngoại của Washington trong năm 2019?

Trong gần 2 năm qua, cộng đồng quốc tế đã rút ra được bài học quý giá, đó là Trump đã làm những gì ông hứa và không có yếu tố bất ngờ trong chính sách ngoại giao của Mỹ dưới thời Trump.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Mỹ AP, Robert Malley - Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế (ICG) - giải thích: "Từ hồ sơ hạt nhân Triều Tiên cho tới quyết định rút khỏi hiệp định hạt nhân Iran, từ quan hệ nguội lạnh với các đồng minh châu Âu, với 2 nước láng giềng sát vách là Canada và Mexico cho đến cuộc đọ sức với Trung Quốc đều rất 'ăn khớp' với tầm nhìn của Trump về thế giới, về vai trò của nước Mỹ kể từ khi ông mới chỉ ra ứng cử tổng thống. Trong con mắt của tổng thống Mỹ thứ 45, trật tự quốc tế được hình thành từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II không hoạt động tốt, Mỹ không có lợi ích gì và cũng không có phương tiện để đóng vai trò 'sen đầm' của thế giới. Các định chế đa quốc gia thường là những công cụ đe dọa chủ quyền của Mỹ. Liên minh châu Âu (EU) trong mắt Trump là một nhóm quốc gia hợp sức để bóc lột Mỹ, còn Liên hợp quốc là một tổ chức vô dụng, không đủ sức răn đe Iran hay Triều Tiên và Trung Quốc đe dọa thế thượng phong của Mỹ. Chính vì lý do này mà từ tháng 3/2018, Nhà Trắng đã lao vào cuộc đọ sức thương mại với Bắc Kinh."

Theo Robert Malley, dù vậy, trong 2 năm qua, Tổng thống Trump đã không hoàn toàn dễ bề hành động theo ý muốn bởi vẫn còn một số nhân vật có uy tín trong nội các như cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson, cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis hay Chánh Văn phòng của phủ tổng thống John Kelly... ít nhiều kiềm chế bản năng của ông.

Nay, tất cả những nhân vật chống đối đó đều đã bị cách chức. Do đó, Robert Malley - người từng làm cố vấn cho 2 đời tổng thống Mỹ là Bill Clinton và Barack Obama - cho rằng không còn một trở ngại nào để Trump áp dụng chính sách “Nước Mỹ trước tiên” mà ông đã liên tục theo đuổi.

Hơn nữa, năm 2019 là năm đặt ra nhiều thách thức cho Nhà Trắng về mặt đối nội, và trong bối cảnh đó, Robert Malley cho rằng tổng thống Mỹ sẽ càng có khuynh hướng cứng rắn hơn nữa về mặt đối ngoại.

[Chính sách đầy biến động của Mỹ khiến đồng minh lo lắng]

Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại - một cơ quan tư vấn có trụ sở tại New York - được báo Pháp Le Figaro dẫn lời cho rằng trong lúc Washington tập trung vào chính sách “Nước Mỹ trước tiên” và thoái lui trên nhiều mặt trận, từ châu Phi đến Cận Đông, thì Nga và Trung Quốc đang “lấp vào chỗ trống” mà nước Mỹ của Trump để lại. Khá nhiều nước đồng minh của Mỹ hiểu rằng “không còn có thể trông chờ vào Washington.”

Điểm qua một số hồ sơ "nóng" đang chờ đợi Nhà Trắng trong 12 tháng sắp tới, giới quan sát cho rằng mặt trận thương mại giữa Washington và Bắc Kinh tạm thời lắng dịu, ít ra là căn cứ vào những tuyên bố gần đây nhất của Tổng thống Mỹ.

Ngược lại, không có dấu hiệu “hạ nhiệt” trong cuộc đọ sức giữa Mỹ với Iran bởi “kiềm tỏa ảnh hưởng của Teheran ở Trung Cận Đông vẫn là một ưu tiên trong mắt nguyên thủ Mỹ.”

Trong quan hệ giữa Mỹ và các định chế đa quốc gia, giới phân tích dự đoán Tổng thống Trump cũng không có ý nương nhẹ các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Một cựu quan chức của Bộ Quốc phòng Mỹ được báo Le Figaro dẫn lời cho biết “sẽ không ngạc nhiên nếu như một ngày nào đó Trump, thông qua Twitter, thông báo rút Mỹ khỏi NATO hay ra lệnh đưa lính Mỹ đang đóng tại Hàn Quốc trở về nước.”

Riêng về hồ sơ hạt nhân Triều Tiên, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về quan hệ quốc tế của châu Âu - ông François Godement - cho rằng năm 2019 là một cột mốc mang tính quyết định.

Cả Washington lẫn Bình Nhưỡng đều cần gặt hái được những thành quả cụ thể vì nếu không sẽ lại mở ra một chuỗi dài những căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên. Mỹ muốn Triều Tiên vĩnh viễn từ bỏ tham vọng hạt nhân, còn chế độ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lại muốn chính quyền Trump xóa bỏ các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhươngz.

Jean Lee, chuyên gia thuộc cơ quan nghiên cứu độc lập Wilson Center tại Washington, cho rằng có dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng muốn “ghi điểm” trước ngày sinh nhật cha đẻ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Nhật Thành (ngày 15/4).

Trong khi đó, ở Washington, thái độ của Trump còn tùy thuộc vào tình hình nội bộ của nước Mỹ. Nhà Trắng sẽ dùng "lá bài hạt nhân" Triều Tiên khi cần để phục vụ mục tiêu tái tranh cử thêm một nhiệm kỳ tổng thống của Trump vào năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục