Lính thợ Đông Dương ở Pháp - một trang sử thuộc địa bị lãng quên

“Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939-1952) - một trang sử thuộc địa bị lãng quên” là công trình nghiên cứu tâm huyết của Pierre Daum, dịch giả Trần Hữu Khánh.
Lính thợ Đông Dương ở Pháp - một trang sử thuộc địa bị lãng quên ảnh 1Bìa cuốn Lính thợ Đông Dương ở Pháp (Nguồn: Idecaf)

“Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939-1952) - một trang sử thuộc địa bị lãng quên” là công trình nghiên cứu tâm huyết của Pierre Daum, dịch giả Trần Hữu Khánh, Nhà xuất bản Tri thức ấn hành.

Thông tin trên do phó giáo sư, tiến sỹ Sử học Phạm Xanh, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử cận hiện đại Việt Nam, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết ngày 26/11.

Pierre Daum đã trực tiếp sang Việt Nam năm 2007, sau 3 năm tìm tòi nghiên cứu và tiến hành các cuộc điều tra từ vùng ngoại ô Paris, Marseille, Hà Nội và tận những vùng quê xa xôi hẻo lánh nhất Việt Nam, tác giả đã tìm ra 25 nhân chứng cuối cùng của câu chuyện lịch sử này, ông gần như là người đầu tiên được những cụ già này chấp nhận mở lời.

Năm 2009, “Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939-1952) - một trang sử thuộc địa bị lãng quên” ra đời, đã gây nhiều tiếng vang, được liên tục tái bản, được chuyển thể thành phim và là đề tài của cuộc triển lãm lưu động, cũng như rất nhiều cuộc hội thảo trên khắp nước Pháp, đã thực sự đánh động lương tri người dân Pháp và khiến Chính phủ của họ phải có động thái thích hợp.

Nhiều địa phương ở Pháp đã lần lượt tổ chức lễ tôn vinh cựu lính thợ với sự hiện diện rất ít ỏi các nhân chứng còn lại.

Tháng 10/2014, tượng đài kỷ niệm cấp nhà nước nhằm tôn vinh, tưởng nhớ công lao của 20.000 người lao động Việt Nam được khánh thành ở Camargue, miền Nam nước Pháp.

Trang sử đó bắt đầu từ tháng 9/1939, khi nước Pháp tuyên chiến với phátxít Đức, chính phủ Pháp đã đưa hai vạn thanh niên Việt Nam đến chính quốc nhằm phục vụ kỹ nghệ chiến tranh.

Ngoại trừ thiểu số khoảng 5% con em nhà khá giả và có ăn học tình nguyện đăng ký làm thông ngôn, còn lại đều là nông dân nghèo ít chữ bị trưng tập cưỡng bức từ làng quê, và khi đến Pháp được đưa vào làm công nhân trong các nhà máy vũ khí trực thuộc Bộ Quốc phòng. Những người lao động này được gọi nôm na là lính thợ Đông Dương.

Sau khi nước Pháp thua trận trước Đức quốc xã tháng 6/1940, chỉ có khoảng 4.500 người được trở về quê hương. Số còn lại được đưa về miền Nam nước Pháp và được trưng dụng vào nhiều lĩnh vực sản xuất trong suốt thời gian chiến tranh.

Mặc dù thuộc thành phần dân sự và chưa một ngày mặc áo lính, họ vẫn phải phục tùng kỷ luật quân đội nghiêm ngặt dưới sự cai quản của các cựu sỹ quan Pháp từng phục vụ lâu năm ở các thuộc địa.

Năm 1942, có 500 người trong số này được gửi đến Camargue để tìm cách phục hồi nghề trồng lúa gạo.

Nhờ kinh nghiệm cha ông để lại, họ đã thành công trong việc cải tạo những thửa đất nhiễm mặn từ nhiều thế kỷ thành một vùng lúa gạo đặc sản với năng suất cao, là niềm tự hào của miền Nam nước Pháp ngày nay.

Sống trên đất khách quê người, nhưng người lính thợ luôn một lòng hướng về Tổ quốc. Họ đã tiến hành nhiều hoạt động như làm báo, rải truyền đơn, treo cờ đỏ sao vàng, đình công, biểu tình… nhằm ủng hộ công cuộc kháng chiến giành độc lập của nhân dân Việt Nam và phản đối thực dân Pháp tái xâm lược Việt Nam.

Năm 1946 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phái đoàn sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau, hàng ngàn lính thợ đã tổ chức míttinh trọng thể chào đón.

Phong trào đấu tranh của lính thợ ngày càng lan rộng đã khiến Chính phủ Pháp hết sức lo ngại, buộc họ phải lần lượt tổ chức hồi hương cho những người lao động này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục