Lò đào tạo của Sông Lam Nghệ An và HAGL có gì khác biệt

Lò đào tạo của Sông Lam Nghệ An và Hoàng Anh Gia Lai có gì khác biệt

Sông Lam Nghệ An và Hoàng Anh Gia Lai là hai đội bóng có tuổi trung bình trẻ nhất V-League hiện nay, họ cũng là những câu lạc bộ đào tạo trẻ tốt nhất Việt Nam.
Lò đào tạo của Sông Lam Nghệ An và Hoàng Anh Gia Lai có gì khác biệt ảnh 1Trần Phi Sơn (trái) và Nguyễn Văn Toàn (phải) - hai trong số những sản phẩm tốt nhất lần lượt của lò đào tạo Sông Lam Nghệ An và Hoàng Anh Gia Lai. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Sông Lam Nghệ An và Hoàng Anh Gia Lai là đội bóng có tuổi trung bình trẻ nhất V-League hiện nay. Họ cũng là những câu lạc bộ đào tạo trẻ tốt nhất Việt Nam. VietnamPlus sẽ cùng với độc giả tìm hiểu sự khác biệt trong hai hệ thống đào tạo trẻ hàng đầu này.

Đơn vị chủ quản

Hệ thống đào tạo trẻ của Sông Lam Nghệ An được xây dựng và phát triển bởi người Việt Nam, cụ thể là câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An và Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Nghệ An. Hệ thống này ra đời đã hàng chục năm, có bề dày lịch sử và được thừa nhận là lò đào tạo trẻ số một của bóng đá Việt Nam. Chính từ Sông Lam Nghệ An, những tên tuổi lớn nhất của bóng đá Việt Nam như Phạm Văn Quyến, Lê Công Vinh đã xuất hiện.

Điểm yếu của hệ thống đào tạo trẻ Sông Lam Nghệ An là không có một quy trình chuẩn được xây dựng dựa trên những nghiên cứu khoa học về thể chất và bóng đá. Lò đào tạo Sông Lam hoạt động chủ yếu dựa trên kinh nghiệm từ những thế hệ đi trước.

Ở chiều ngược lại, lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG được xây dựng bởi sự hợp tác giữa câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai (do ông Đoàn Nguyên Đức đứng đầu) và học viện Arsenal JMG quốc tế. Học viện được khởi công xây dựng tháng 9/2007. Trong buổi lễ động thổ có sự xuất hiện của Giám đốc điều hành câu lạc bộ Arsenal khi đó là Keith Edelmam.

Học viện được xây dựng bởi người Việt, ý tưởng, giáo án đào tạo và các huấn luyện viên trực tiếp phụ trách được “nhập khẩu” từ hệ thống của lò Arsenal JMG quốc tế.

Lò đào tạo của Sông Lam Nghệ An và Hoàng Anh Gia Lai có gì khác biệt ảnh 2Đôn toàn bộ lứa trẻ lên V-League đồng nghĩa với việc thừa nhận thất bại trong chuyện bán lứa cầu thủ này ra châu Âu. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Mục tiêu

Mục tiêu của lò đào tạo trẻ Sông Lam là tạo ra lớp cầu thủ kế cận cho đội một Sông Lam Nghệ An. Ở chiều ngược lại, bầu Đức muốn tạo ra những cầu thủ trẻ ở đẳng cấp Nhật Bản và châu Âu, có thể bán ra nước ngoài để thu lại lợi nhuận. Lợi nhuận sẽ chia 45% cho học viện JMG quốc tế (và quyền chọn một cầu thủ giỏi nhất), 45% cho Hoàng Anh Gia Lai và 10% cho gia đình cầu thủ.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, khi lứa Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh bước vào V-League, mục tiêu đó có vẻ như không khả thi.

Tuyển đầu vào

Lò đào tạo trẻ Sông Lam Nghệ An tuyển đầu vào qua ba con đường: một số trung tâm bóng đá của tỉnh và hệ thống đào tạo nghiệp dư của câu lạc bộ, giải bóng đá thiếu niên nhi đồng hàng năm tỉnh Nghệ An (U11) và hệ thống thi tuyển của câu lạc bộ. Trong đó, giải thiếu niên nhi đồng do Sông Lam Nghệ An, Báo Nghệ An và Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch là con đường tuyển chọn quan trọng hơn cả. Do bóng đá học đường  phát triển sớm, nguồn cung tài năng trẻ dưới 11 tuổi của Nghệ An là cực kỳ dồi dào. Đó là điều kiện đầu tiên để tạo ra những lứa đầu vào chất lượng.

Mỗi khóa, Nghệ An lấy 40 học viên trước khi lọc dần xuống còn 20 tới 22 người. Hai năm, lò đào tạo trẻ Nghệ An tuyển một khóa học viên mới. Lò Sông Lam chỉ tuyển người Nghệ An. Hiện quân số của lò trẻ Sông Lam là hơn 150 học viên với 6 lứa học viên.

Lò đào tạo của Sông Lam Nghệ An và Hoàng Anh Gia Lai có gì khác biệt ảnh 3Những cầu thủ trẻ Sông Lam Nghệ An không có điều kiện ăn ở, tập luyện tốt như các đồng nghiệp ở Hoàng Anh Gia Lai. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

So với lò Sông Lam, Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG cũng tuyển hai năm một lứa học viên mới. Quân số của mỗi lứa vào khoảng 20 học viên, được tuyển từ hơn 7.000 người trên quy mô cả nước (các khóa sau càng tăng hơn khóa trước). Kế hoạch ban đầu là tuyển 14 người Việt Nam, 4 người Bờ biển Ngà và 2 học viên Lào. Nhưng sau một thời gian dài xây dựng, tổng quân số của khóa I và khóa II mới là 25 người.

Một số học viên không trụ lại được ở khóa JMG và những học viên thi trượt có điểm cao sẽ được tuyển vào lớp Năng khiếu. Đó cũng là nơi đã đào tạo tiền vệ trẻ Trần Minh Vương.

Cả Hoàng Anh Gia Lai và Sông Lam Nghệ An đều chú ý tiêu chí kỹ thuật và tiềm năng phát triển trong tuyển chọn. Cầu thủ Sông Lam được tuyển bởi huấn huấn luyện Sông Lam trong khi cầu thủ trẻ JMG được tuyển bởi huấn luyện viên nước ngoài.

Điều kiện ăn ở

Mỗi ngày, một học viên ở lò Sông Lam Nghệ An được nhận 90 nghìn đồng. Trang thiết bị tập luyện, sân bãi, huấn luyện viên... được trang bị đầy đủ.  Những đội đoạt chức vô địch các giải trẻ quốc gia được hưởng chế độ 150 nghìn đồng/người/ngày trong năm vô địch.

Ở Hoàng Anh Gia Lai, học viên được đài thọ toàn bộ chi phí. Họ ăn ở tập trung trong khuôn viên tách riêng khỏi cơ sở của đội một. Khu nhà của học viên hướng ra sân bóng. Họ phải ngủ giường tập, tuyệt đối không được sử dụng tivi, máy lạnh và phải tắm tập thể để tăng tình đoàn kết.

Lò đào tạo của Sông Lam Nghệ An và Hoàng Anh Gia Lai có gì khác biệt ảnh 4Trước khi lên đội một, huấn luyện viên Ngô Quang Trường từng dẫn dắt U19 và U21 Sông Lam Nghệ An. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Triết lý đào tạo

Triết lý đào tạo của Sông Lam Nghệ An và Hoàng Anh Gia Lai đều tập trung vào kỹ thuật. Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Thanh: “Chúng tôi tập trung tất cả các nội dung tùy theo cấp độ: ở dưới tập trung kỹ thuật, lên dần thì chiến thuật, thể lực, tâm lý đều nâng dần lên. Nhưng cầu thủ càng nhỏ thì càng phải phải tập kỹ thuật cơ bản và tiếp xúc bóng nhiều. Vấn đề này ở đâu cũng như vậy.”

Đó cũng là quan điểm của Hoàng Anh Gia Lai. Trong năm năm đầu, lứa cầu thủ này chỉ tập luyện kỹ thuật, chơi bóng bằng chân trần và không thi đấu đối kháng. Đến hai năm cuối cùng của chương trình bảy năm, họ mới được đấu đối kháng và dùng giày thi đấu.

Do đào tạo bằng kinh nghiệm, Sông Lam có xu hướng để cầu thủ tự phát triển các kỹ năng một cách tự do. Vì thế, họ thường xuyên tạo ra những tài năng có kỹ thuật dị biệt, không theo quy chuẩn. Điển hình là Văn Quyến trong quá khứ và Phi Sơn của hiện tại.

Hệ thống JMG đào tạo cầu thủ theo giáo trình quốc tế nên cầu thủ có xu hướng sử dụng cùng một loại kỹ thuật, có các động tác xử lý, cách hành động giống nhau trong nhiều tình huống.

Huấn luyện viên

Huấn luyện viên của lò Sông Lam Nghệ An chủ yếu là các cựu cầu thủ Sông Lam. Sau khi kết thúc sự nghiệp, họ được câu lạc bộ cử đi học lớp đào tạo AFC của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) tổ chức hoặc học chuyên khoa bóng đá ở Đại học thể dục thể thao. Kinh nghiệm cũng là yếu tố quan trọng được xem xét.

Ở Gia Lai, huấn luyện viên của Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG là người nước ngoài. Hiện có hai huấn luyện viên của học viện JMG quốc tế đã làm việc ở Việt Nam là ông Guillaume Graechen (hiện đang dẫn dắt đội một) và ông Otta (dẫn dắt lò đào tạo trẻ) mới nhậm chức hồi tháng 4/2014. Hỗ trợ hai huấn luyện viên ngoại là các huấn luyện viên nội của Hoàng Anh Gia Lai. Giáo trình được xây dựng dựa trên cơ sở phát triển của cầu thủ và được chuyển trực tiếp từ lò JMG quốc tế.

Giáo dục văn hóa

Cầu thủ trẻ Sông Lam Nghệ An được học trong trường văn hóa dành cho toàn bộ nghành thể thao tỉnh Nghệ An. Cầu thủ trẻ Hoàng Anh Gia Lai học ở trường dành riêng cho học viên JMG. Họ cũng phải học nhiều tiếng Anh ngoài các giờ học chính quy.

Mới đây, khóa I Hoàng Anh Gia Lai đã được tuyển thẳng vào Đại học sư phạm thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh. Họ hiện đang theo học ở cơ sở đào tạo của trường này mới lập tại Gia Lai.

Lò đào tạo của Sông Lam Nghệ An và Hoàng Anh Gia Lai có gì khác biệt ảnh 5U13 Sông Lam Nghệ An vô địch quốc gia năm 2013. Trái với Hoàng Anh Gia Lai, đội trẻ Sông Lam được dự các giải từ rất sớm. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Kinh nghiệm thi đấu

Cầu thủ trẻ Sông Lam Nghệ An liên tục được dự các giải trẻ quốc gia trong suốt quá trình đào tạo. Sông Lam Nghệ An cũng là lò đào tạo có thành tích tốt nhất của bóng đá Việt Nam. Ngay từ nhỏ, các cầu thủ đã được học nhiều về chiến thuật và làm quen với bóng đá có thành tích.

Ở chiều ngược lại, cầu thủ của Hoàng Anh Gia Lai không được dự các giải trẻ quốc gia. Cứ ba tháng một lần, chuyên gia từ Pháp hoặc Thái Lan lại sang kiểm tra họ. Họ chỉ giao hữu, học hỏi với các đội ngang tuổi vào cuối tuần. Khi kết thúc năm thứ năm của khóa học, họ mới bắt đầu dự các giải quốc tế cùng các lò JMG ở những quốc gia khác. Riêng khóa I Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG đã gia nhập đội hình U19 Việt Nam khi chưa học xong năm cuối ở học viện.

So sánh kinh nghiệm thi đấu, cầu thủ trẻ Hoàng Anh Gia Lai kém hơn hẳn cầu thủ trẻ Sông Lam Nghệ An.

Lò đào tạo của Sông Lam Nghệ An và Hoàng Anh Gia Lai có gì khác biệt ảnh 6Tuấn Anh của Hoàng Anh Gia Lai còn thiếu nhiều kinh nghiệm ở môi trường V-League. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Sử dụng cầu thủ trẻ

Trung bình mỗi năm, Sông Lam Nghệ An đều đôn khoảng ba tới bốn cầu thủ trẻ lên đội một. Họ cho các cầu thủ trẻ từng bước hòa nhập với môi trường chuyên nghiệp, được dìu dắt bởi các đàn anh kinh nghiệm và từng bước trưởng thành.

Những cầu thủ trẻ không lên được đội một sẽ được gửi sang cho mượn ở các câu lạc bộ khác hoặc giải Hạng Nhất. Một số phải bỏ cuộc giữa chừng vì không thể hiện được tiềm năng phát triển.

Với khóa I và II của mình, Hoàng Anh Gia Lai chọn tung tất cả lên sân chơi V-League, tạo điều kiện cho họ ra sân thường xuyên và sớm tiếp xúc với môi trường chuyên nghiệp. Một số cầu thủ chưa đạt đủ yêu cầu được gửi sang Lào thi đấu như Văn Trường, Ksor Úc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục