Lo đóng cửa, chủ Cảng chuyên dụng Công Thanh ‘đứng ngồi không yên’

Cảng chuyên dụng Công Thanh (Thanh Hóa) được đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng và mỗi năm mất tới 200 tỷ đồng tiền thuê cảng đang đứng trước nguy cơ đóng cửa.
Lo đóng cửa, chủ Cảng chuyên dụng Công Thanh ‘đứng ngồi không yên’ ảnh 1Phần bở kè bến Cảng chuyên dụng Công Thanh kiên cố với những trụ xi măng để chịu sóng lớn. (Ảnh: Đinh Tịnh/Vietnam+)

Dù trước đó phê duyệt quy hoạch đã được tỉnh Thanh Hóa đồng ý, Cảng chuyên dụng Công Thanh (Thanh Hóa) được đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng và mỗi năm mất tới 200 tỷ đồng tiền thuê đang đứng trước nguy cơ bị thu hồi và đóng bến Cảng khiến nhà đầu tư rơi vào cảnh như “ngồi trên đống lửa”.

Tại sao lại thu hẹp bến Cảng?

Bến cảng chuyên dùng Công Thanh là kết cấu hạ tầng quan trọng, không thể thiếu của việc vận hành và phát triển các Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh, Xi măng Công Thanh đảm bảo cho hoạt động xuất, nhập sản phẩm và cung ứng nhiên liệu phục vụ vận hành nhà máy.

Dự án xây dựng Cảng chuyên dùng Công Thanh được phê duyệt từ năm 2011 với quy mô ban đầu là 500m chiều dài cảng. Sau đó, đến tháng 7/2013, tỉnh Thanh Hoá chấp thuận chủ trương mở rộng Cảng thêm 400m. Như vậy, tổng diện tích Cảng chuyên dụng Công Thanh là 900m chiều dài.

[Thủ tướng: Thanh Hóa cần trở thành tỉnh kiểu mẫu trong thu hút đầu tư]

Tuy nhiên, mới đây, phần bến cảng chuyên dùng Công Thanh (dài khoảng 400m) đã bị Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn đề xuất thu hồi vì đây là phần mở rộng thêm của Cảng để phục vụ hàng hoá cho Nhà máy sản xuất phân đạm Công Thanh (cũng bị đề xuất thu hồi).

Để thực hiện chống lãng phí đất đai trong khu kinh tế, Ban quản lý đã yêu cầu thu hồi phần 400m Cảng Công Thanh và có báo cáo lên tỉnh Thanh Hóa. Sau đó, phía tỉnh có quyết định chấm dứt hoạt động dự án Nhà máy sản xuất phân đạm Công Thanh và phần mở rộng Cảng chuyên dùng Công Thanh do Tập đoàn Công Thanh làm chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Công Lý, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công Thanh cho biết, đơn vị được Bộ giao thông Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam chấp thuận đầu tư bến cảng chuyên dùng tại Khu cảng chuyên dùng Nghi Sơn (Thanh Hoá).

Theo đó, về quy mô Cảng sẽ xây dựng 2 cầu bến tiếp nhận cỡ tàu từ 30.000-50.000 DWT đầy tải và đến 70.000 DWT giảm tải. Sau khi hoàn thành, 2 bến chuyên dụng sẽ thông qua lượng hàng khoảng 6,8 triệu tấn/năm.

Ngay sau đó, Tập đoàn đã “rót tiền” đầu tư bến cảng rộng lớn đã được kè kiên cố và xây dựng nền xi măng chiếm tới 70-80% toàn diện tích. Phần mặt bằng đang gấp rút hoàn thành để chuẩn bị xây dựng 2 cầu cảng chuyên dùng dài 800m hướng ra phía biển đã lên hình hài.

“Tập đoàn có 2 nhà máy là Xi măng Công Thanh và Nhiệt điện Công Thanh đang hoạt động với lượng hàng Clinker và than nhập về các cảng trong khu vực Nghi Sơn rất lớn. Mỗi năm, Tập đoàn bỏ tới trên 200 tỷ đồng để thuê lại các khu bến cảng trong Khu kinh tế Nghi Sơn. Như vậy, nhu cầu của Tập đoàn là có thực, vậy tại sao lại thu hẹp cảng bến?,” ông Lý đặt ra câu hỏi.

Hơn nữa, ngay sau khi tỉnh Thanh Hoá chấp thuận chủ trương, Tập đoàn đã khẩn trương gửi báo báo yêu cầu Bộ Giao thông vận tải sớm phê duyệt chi tiết Cảng chuyên dụng Công Thanh từ đó làm căn cứ tiến hành cấp phép các thủ tục quy hoạch 1/500, các thủ tục xây dựng khác. Quá trình này đang được Bộ Giao thông Vận tải thẩm định triển khai.

“Tập đoàn đã phải bỏ tiền riêng để mua đất của người dân xung quanh xây dựng đường vào cảng, làm đường nước. Mặt khác, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn cũng chưa giải phóng mặt bằng xong nên không thể có mặt bằng sạch để lập dự án, làm các thủ tục cấp phép xây dựng… Vậy, nếu Ban quản lý Khu tinh tế Nghi Sơn nói thu hồi làm sao được, tôi sẽ khởi kiện,” ông Lý nhấn mạnh.

Đã thẩm định và phù hợp với quy hoạch

Thừa nhận việc chưa có giấy phép xây dựng, nhưng Tập đoàn Công Thanh vẫn thực hiện thi công cảng là có phần sai, ông Lý giải thích nguyên nhân do các thủ tục hành chính còn vướng mắc. Tuy nhiên, dù nhiều lần yêu cầu giúp đỡ, phía Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn cũng không hướng dẫn giúp Công ty hoàn thành các thủ tục theo quy định.

Trước nguy cơ bị thu hồi Cảng chuyên dụng Công Thanh, ngày 30/8 vừa qua, Tập đoàn Công Thanh đã có đơn “kêu cứu” gửi với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hoá yêu cầu xin được giữ lại cảng vì đây là công trình quan trọng phục vụ cho nhiều nhà máy của Tập đoàn tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

[Thu hồi đất của 16 hộ dân, bàn giao mặt bằng cho Khu kinh tế Nghi Sơn]

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công khẳng định, việc xây dựng bến cảng chuyên dùng Công Thanh để phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh tại Nghi Sơn, Thanh Hoá là phù hợp quy hoạch.

Lo đóng cửa, chủ Cảng chuyên dụng Công Thanh ‘đứng ngồi không yên’ ảnh 2Sơ đồ thiết kế bến cảng Công Thanh đã Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết cảng biển Nghi Sơn-Thanh Hoá giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 xác định, khu bến cảng Bắc Nghi Sơn được quy hoạch là khu vực tập trung các bến chuyên dùng của nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn, bến chuyên dùng của các nhà máy trong khu công nghiệp, tiếp cận tàu có trọng tải từ 30.000-50.000 DWT.

Căn cứ vào nội dung phê duyệt trên, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo Công ty cổ phần Nhiệt điện Công Thanh đầu tư nghiên cứu, đề xuất vị trí xây dựng cụ thể, quy mô, năng lực thông qua hàng hoá của bến cảng; nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư phù hợp với quy hoạch chi tiết cảng biển và quy hoạch chung của khu vực đồng thời thống nhất với các doanh nghiệp khai thác cảng lân cận về phương án sử dụng chung tuyến luồng….

Công ty Nhiệt điện Công Thanh phải xây dựng phương án khai thác tuyến luồng chung và riêng đảm bảo điều kiện hoạt động thuận lợi, an toàn hàng hải khu vực, đảm bảo phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, khu vực xây dựng bến chuyên dùng phải là khu vực biển hở, chưa có công trình bảo vệ, bến cảng chịu tác động trực tiếp từ sóng, gió. Chủ đầu tư cần cân nhắc về quy mô đầu tư và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư.

Thứ trưởng cũng giao Cục hàng hải Việt Nam chủ trì, chỉ đạo các cơ quan liên quan, các doanh nghiệp khai thác cảng trong việc thống nhất phương án khai thác chung luồng tuyến hiện hữu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục