'Lỗ hổng lớn' trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 Mỹ-Trung

Giới phân tích nhận định thỏa thuận giai đoạn 1 dự kiến sẽ làm giảm căng thẳng giữa hai gã khổng lồ về kinh tế, song vẫn tồn tại "lỗ hổng lớn."
'Lỗ hổng lớn' trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 Mỹ-Trung ảnh 1Đồng USD và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tại ngân hàng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

AFP/BBC/Washingtonpost.com đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 31/12/2019 tuyên bố sẽ ký thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" được mong đợi từ lâu với Trung Quốc vào ngày 15/1/2020.

Giới phân tích nhận định thỏa thuận giai đoạn 1 dự kiến sẽ làm giảm căng thẳng giữa hai gã khổng lồ về kinh tế, song vẫn tồn tại "lỗ hổng lớn."

"Ngày ước hẹn"

Tổng thống Trump cho biết thỏa thuận sẽ được ký tại Washington với sự có mặt của đại diện cấp cao đến từ Trung Quốc.

Ông viết trên Twitter: “Tôi sẽ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 rất to lớn và toàn diện với Trung Quốc vào ngày 15/1."

Ông Trump gần đây đã ngừng các kế hoạch tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, với lý do các cuộc đàm phán cho thỏa thuận đang diễn biến tốt đẹp.

[Tổng thống Mỹ hé lộ thời điểm ký thỏa thuận thương mại với Trung Quốc]

Văn bản cụ thể chưa được công khai nhưng đầu tháng 12/2019, hai bên cho biết Trung Quốc đã hứa sẽ tăng cường mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ và tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ, trong khi Mỹ rút lại một số thuế quan.

Theo hãng tin AFP, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã vướng vào một cuộc chiến thương mại kể từ nửa đầu năm 2018, làm tổn hại tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Vào thời điểm đó, giới quan sát nhận định rằng cuộc chiến thương mại này có thể dẫn đến giai đoạn "phân tách" lâu dài trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự "đình chiến" vừa qua đã giúp vực dậy thị trường chứng khoán Phố Wall trong tháng 12/2019 và chứng khoán Mỹ khép lại phiên giao dịch cuối năm 2019 với chỉ số tốt nhất kể từ năm 2013.

Còn với Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có được "những giây phút thảnh thơi" trong bối cảnh ông đang phải đối mặt với tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm và sự hỗn loạn ở Hong Kong.

Phần lớn giới chuyên gia kinh tế cho rằng cả Bắc Kinh lẫn Washington đều thiệt hại từ cuộc chiến này, dù Mỹ dường như đã vực dậy được từ cuộc suy thoái đầu năm còn Trung Quốc lại lao vào chiều hướng suy giảm kinh tế đáng lo ngại.

Thế nhưng, đánh giá về thỏa thuận giai đoạn 1, một số chuyên gia kinh tế được AFP dẫn lời cho rằng chiến thắng phần lớn thuộc về Trung Quốc.

Ông Scott Paul, Chủ tịch Liên minh các nhà chế tạo Mỹ, cho rằng việc Mỹ nhất trí gỡ bỏ một số thuế quan "chẳng khác nào cho đi rất nhiều lợi thế của mình trong khi không giải quyết được những vấn đề thương mại quan trọng nhất với Trung Quốc."

Phát biểu trên CNBC hôm 31/12, ông Peter Navarro - Giám đốc chính sách thương mại và chế tạo của Nhà Trắng - thừa nhận rằng thỏa thuận giai đoạn 1 chỉ là một phần trong chương trình nghị sự thương mại của ông Trump.

Ông Trump cũng nói rằng ông sẽ tới Bắc Kinh vài ngày sau đó để tiếp tục các cuộc đàm phán giai đoạn hai.

Tuy nhiên, AFP nhận định rằng những gì mà hai bên có thể đạt được trong "giai đoạn 2" đầy khó khăn tới đây vẫn là điều chưa rõ ràng do đàm phán vòng 2 sẽ đề cập đến những vấn đề gai góc hơn liên quan việc Bắc Kinh can thiệp thị trường và trợ cấp công nghiệp của mình.

Lỗ hổng lớn

Theo trang mạng của tờ Wahington Post, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà Trump sẽ ký với Trung Quốc tới đây không hề đả động gì đến "cuộc hôn nhân" giữa chính phủ Bắc Kinh và hoạt động kinh doanh thương mại của các tập đoàn lớn của nước này, điều mà giới kinh doanh Mỹ cho rằng đã chiếm lĩnh mất thị phần toàn cầu của Mỹ trong gần 20 năm qua.

Các ngành công nghiệp chủ đạo của Trung Quốc nhận được hỗ trợ to lớn từ chính phủ.

Cụ thể, Bắc Kinh có thể "nâng đỡ" các công ty trong nước cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài bằng những khoản cho vay lãi suất thấp, giá cho thuê đất và giá tiêu thụ điện "rẻ bèo."

Theo nhà kinh tế học Nicholas Lardy thuộc Viện Kinh tế quốc tế Peterson, Trung Quốc hiện dành hơn 3% sản lượng hàng năm cho các khoản trợ cấp trực tiếp và gián tiếp, tương đương với mức mà Mỹ chi tiêu cho quốc phòng.

John Neuffer, Giám đốc Hiệp hội Công nghiệp chất bán dẫn, bình luận: "Đó là lý do vì sao việc trợ cấp là vấn đề to lớn với Mỹ." Trợ cấp của Bắc Kinh đã tạo cho các công ty Trung Quốc một lợi thế lớn trên thị trường.

Ông Peter Navarro, Cố vấn thương mại chính của Nhà Trắng, đã gọi trợ cấp nhà nước là một trong "7 tội lỗi chí tử" của Trung Quốc mà cần được "sửa chữa" trước khi hai nước có thể bình thường hóa quan hệ thương mại.

Trong báo cáo hồi năm 2018 vốn khởi động cuộc chiến thương mại của ông Trump với Trung Quốc, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của ông Trump - ông Robert E. Lighthizer - chỉ ra rằng trợ cấp nhà nước là một nhân tố then chốt trong kế hoạch của Bắc Kinh nhằm "soán ngôi" lãnh đạo công nghệ thế giới của Mỹ.

Giới chức Nhà Trắng thừa nhận một số vấn đề quan trọng vẫn chưa được giải quyết.

Ông Lighthizer cho biết "nhiều vấn đề khó khăn" bị bỏ lại cho các cuộc đàm phán trong tương lai mà giới phân tích cho rằng khó có thể đem lại kết quả thực chất trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020. Đàm phán về trợ cấp công nghiệp sẽ rất khó khăn tới đây.

Ông Trump lâu nay muốn tháo gỡ những vấn đề thương mại nổi cộm nói trên với Trung Quốc trong một thỏa thuận duy nhất và toàn diện vốn có thể làm thay đổi cung cách hoạt động kinh tế của Bắc Kinh.

Cuối tháng 9/2018, ông Trump đã bác bỏ đàm phán về một thỏa thuận một phần, khẳng định muốn đạt được một "thỏa thuận to lớn."

Trong những vòng đầu đàm phán, hai bên đã thảo luận về vấn đề trợ cấp nhà nước cho các tập đoàn công nghiệp của Trung Quốc, song Bắc Kinh liên tiếp phản đối yêu cầu cải cách cấu trúc mà Mỹ đưa ra.

Cho đến thời điểm mà giới chức hai bên đi đến thỏa thuận một phần dài 86 trang hồi tháng 12/2019 vừa qua thì mọi cam kết về vấn đề giảm trợ cấp nhà nước đã bị cắt bỏ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục