Lò luyện thi ế ẩm

Các lò luyện ế ẩm, ôn thi trực tuyến lên ngôi

Khác với những năm trước, rất nhiều sĩ tử đã không vào các lò luyện thi cấp tốc mà tự học thông qua các trang ôn thi trực tuyến.
Khác với mọi năm, vào thời điểm này, thay vì cảnh chen nhau đăng ký những lớp luyện thi cấp tốc, nhiều lò luyện ở Hà Nội lại đang rơi vào cảnh đìu hiu. Lác đác người đến đăng kí, nhiều lớp học phải “tạm hoãn” để đợi đủ học sinh. Bởi năm nay, thay vì tới các trung tâm ôn luyện theo kiểu “nhồi nhét”, rất nhiều thí sinh đã chọn cách tự ôn.

Lò luyện cấp tốc “mất mùa”

Trung tâm luyện thi Bình-Du vốn là địa chỉ có tiếng tại khu vực Đại học Sư phạm Hà Nội. Khác với nhiều lò luyện thi khác, trung tâm mở lớp từ tháng 9, ngay sau thời điểm kết thúc kì thi đại học. Mọi năm, vào thời gian này, phần lớn các lớp tại trung tâm đều chật ních người.

Vậy  nhưng, một vài năm trở lại đây, số lượng học sinh khăn gói tới trung tâm đăng ký luyện thi ngày một giảm. Năm nay, tình hình lại càng bi đát. Bãi gửi xe khá rộng của trung tâm chỉ có một nhúm xe máy, xe đạp liêu xiêu đứng cạnh nhau. Mấy phòng học cỡ 200 người, điều hòa vẫn chạy, điện vẫn sáng nhưng chỉ thấy lơ thơ vài chục học sinh. Chiếc bàn đăng kí đặt ở ngay cửa lớn cũng chẳng còn thấy người trực ở đó. Năm nay trung tâm rơi vào cảnh đìu hiu hiếm thấy. 

Chị nhân viên bán vé ở đây cho biết: “So với mọi năm, lượng học sinh tới lò chỉ bằng 1/3. Năm trước, một ngày trung tâm “chạy” từ 8-10 ca, nhưng năm nay không khéo chỉ được 3-4 ca. Nhiều lớp học không đủ học sinh nên vẫn phải 'ngâm' mãi, chưa vào chương trình được”.

Dạo qua một loạt các khu vực luyện thi có thâm niên khác ở Hà Nội: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách Khoa Hà Nội… đều có một cảnh tượng chung. Thông báo mở lớp vẫn liên tục được giăng chồng chất lên nhau trước của mỗi trung tâm. Vậy nhưng, chỉ có một số lớp ôn thi khối C, D là khá nhộn nhịp. Phần lớn những lớp khác đều khá im hơi lặng tiếng

Vào thời điểm này vài năm trước, khu vực luyện thi trên đường Nguyễn Trãi luôn chật kín học sinh tới ôn luyện. Tình trạng tắc đường diễn ra thường xuyên, nhất là vào thời điểm cuối giờ chiều. 

Theo lời anh Thi, một chủ lò luyện tại khu vực này, có không ít trung tâm tại đây đã phải đóng cửa chuyển sang kinh doanh hình thức khác.

“Có người mở quán ăn. Có trung tâm chuyển thành cửa hàng photocopy. Thậm chí một trung tâm luyện thi khá lớn trước đây giờ cũng để cho Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở phía Bắc) thuê làm địa điểm học,” anh Thi ngán ngẩm lắc đầu.

Còn nhớ vài năm trước, ở nhiều trung tâm, hàng trăm sỹ tử phải chen lấn nhau trong căn phòng rộng vài chục mét vuông khiến không khí trong phòng hầm hậm như một chiếc lò nung. Nhiều học sinh không có chỗ ngồi còn phải lê la ra ngoài hiên lấy đùi làm bàn. Cảnh học sinh vừa học vừa phải mang khăn đi thấm mồ hôi ròng ròng cũng không phải chuyện hiếm thấy. Hình ảnh đó thật khó tìm thấy lúc này...

Ôn thi trực tuyến lên ngôi

Không vào các lò luyện thi cấp tốc nhưng các sĩ tử vẫn có rất nhiều lựa chọn để ôn luyện.

Em Trần Quỳnh Trang nhà ở Đại La (Hà Nội) cho biết: “Kiến thức thì em đã nắm được gần như toàn bộ, chỉ cần ôn lại một lần trước khi đi thi là đủ. Ở trường cấp 3 em học cũng mở lớp ôn luyện lại toàn những thầy cô giáo quen nên ôn ở đây có rất nhiều thuận lợi.”

Không chỉ chọn việc học tại các lớp luyện thi ở các trường, nhiều sĩ tử còn chọn cách tự học thông qua các lớp ôn trực tuyến trên mạng Internet.

Lưu Thanh Tuấn (Hà Nội) nói: "Từ khi thay đổi hình thức thi đại học sang trắc nghiệm, em thấy rất nhiều bạn chỉ cần tự ôn cũng có kết quả rất cao. Bởi thế, em cũng chọn cách luyện thi đó. Học trực tuyến còn giúp mình nghỉ ngơi để chuẩn bị sức khỏe trước khi đi thi.”

Không để chúng tôi phải hỏi, Tuấn liền thoăn thoắt mở một số trang luyện thi online mà theo cậu đang khá hút khách như thaytro.vn, hocmai.vn, onthi.com...

"Tuy nhiên, học trực tuyến cũng mất những khoản phí nhất định nhưng mình cứ mua thẻ nạp vào 50.000 đồng để nạp vào tài khoản, nếu không thích thì thôi, cũng không đáng tiếc lắm,” Tuấn tâm sự.

Do có quá nhiều trang mở dịch vụ ôn luyện nên các nơi cũng có những “chiêu độc” để thu hút thí sinh như: Giảng viên hướng dẫn nổi tiếng; rút ngắn thời gian trả lời câu hỏi của thí sinh, kiểm tra kiến thức trực tiếp...

Theo Danh Đức (quận Đống Đa, Hà Nội), thì “cách học trực tuyến này giúp các thí sinh các phương pháp tự học và tự kiểm tra kiến thức của mình với hệ thống bài giảng, làm bài trắc nghiệm có trên các trang web.”

Tuy nhiên, Đức cũng cho rằng, mặc dù đang được chuộng nhưng các bạn học sinh cũng nên tỉnh táo với hình thức ôn luyện này.

“Một số trang luyện thi có tài liệu sắp xếp khá lộn xộn, nguồn không rõ ràng, đôi khi bài do những thành viên gửi lên mà chưa được chắt lọc kỹ càng. Bởi thế, nhiều bài có đáp án không chuẩn,” Đức nói vẻ thành thạo.

Không những thế, Đức cũng cho rằng, nhiều trang ôn thi chỉ cung cấp câu hỏi và đáp án mà không giải thích tại sao, gây khó khăn cho những ai trình độ có kiến thức chưa vững.

Mỗi sĩ tử có cách ôn luyện khác nhau, tuy nhiên “kiến thức phải được thâu nạp trong một thời gian không thể trong một tháng ôn luyện mà có được. Nếu như đã học tốt ở trong quá trình ở phổ thông thì chắc chắn sẽ dành được kết quả khả quan,” một giáo viên trưởng trung học phổ thông Thăng Long (Hà Nội) khẳng định./.

Cương-Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục