"Lò luyện thi" hoa hậu: Từ xứ bạn nhìn lại nước mình

Ở nhiều nước trên thế giới, đào tạo hoa hậu đã trở thành một ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ, trong khi đó ở Việt Nam, phần nhiều các thí sinh đều xuất thân từ các công ty người mẫu.

Cuộc chiến giành vương miện hoa hậu chưa bao giờ là dễ dàng bởi cô gái có nhan sắc lộng lẫy nhất chưa hẳn sẽ được xướng tên trở thành chủ nhân của ngôi vị cao quý này. Ở nhiều nước trên thế giới, đào tạo hoa hậu đã trở thành một ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ, trong khi đó ở Việt Nam, phần nhiều các thí sinh đều xuất thân từ các công ty người mẫu.

Venezuela

Bảy vương miện Hoa hậu Hoàn vũ, bảy vương miện Hoa hậu Quốc tế, sáu vương miện Hoa hậu Thế giới và hai vương miện Hoa hậu Trái Đất, chừng ấy đã đủ để Venezuela trở thành “đất nước của các hoa hậu."

"Lò luyện thi" hoa hậu: Từ xứ bạn nhìn lại nước mình ảnh 1Edymar Martinez là người đẹp thứ bảy của Venezuela đăng quang Hoa hậu Quốc Tế (2015).

Học viện Belankazar (Caracas) là trường luyện nhan sắc lâu đời nhất Venezuela với hàng trăm học viên từ 5-29 tuổi, nơi mà các bé gái được xếp hẳn một lịch trình. Từ 8, 9 tuổi sẽ được tiêm hormone để làm chậm quá trình dậy thì, phát triển chiều cao. Đến tuổi 12, phẫu thuật nâng mông, sửa ngực; 16 tuổi cắt ngắn ruột để thức ăn đi qua không bị tiêu hóa. Và để có vòng eo con kiến, nhiều cô gái phải khâu mảnh lưới nhựa vào lưỡi để bị đau khi ăn hoặc đeo nẹp eo đúc bằng sứ. Nhiều năm liền, các cô gái thức dậy lúc 8 giờ sáng, học và tập luyện theo thời gian biểu định sẵn và đi ngủ lúc 10 giờ để giữ gìn sắc vóc.

Đó chính là lý do, các cô gái đến Venezuela luôn là đối thủ đáng gờm trong bất kỳ cuộc thi nào. “Tôi không tin rằng Venezuela có phụ nữ đẹp nhất thế giới, nhưng chúng tôi biết làm thế nào để sản xuất phụ nữ đẹp hoàn hảo," ông Velasquez - giám đốc học viện Belankazar kết luận.

Philippines

Không phải ngẫu nhiên mà năm 2015, cả ba cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Trái Đất và Hoa hậu Du lịch quốc tế đều xướng tên Philippines, vì việc đào tạo các hoa hậu ở đảo quốc này đã trở thành một ngành công nghiệp không thể thiếu.

"Lò luyện thi" hoa hậu: Từ xứ bạn nhìn lại nước mình ảnh 2Megan Young - Hoa hậu Thế giới 2013 cũng bước ra từ "lò luyện" Philippines Marcator

Nổi tiếng nhất trong số các lò luyện hoa hậu là trung tâm đào tạo của công ty quản lý người mẫu Philippines Marcator. Mỗi năm, nơi đây chỉ nhận huấn luyện khoảng 10 thí sinh với tiêu chuẩn cao ít nhất 1m65 và phải có gương mặt đẹp.

Các cô gái sẽ phải luyện những bài tập trên giày cao gót 20 phân và thực hiện các động tác rèn dáng truyền thống như duck walk (dáng đi con vịt) với những chuyển động xoay hông từ phải sang trái và ngược lại. Họ phải tập động tác này khoảng 25 lần quanh căn phòng dài 25m và rộng 15m, trong trang phục quần ngắn hoặc bikini bất chấp thời tiết lạnh giá hay nóng bức. 

Ấn Độ

Trước khi Philippines trở thành cường quốc hoa hậu, Ấn Độ là đối thủ đáng gờm nhất của Venezuela trên trường đua sắc đẹp. Trong suốt chiều dài lịch sử tham gia đấu trường nhan sắc quốc tế, Ấn Độ từng năm lần giành vương miện cuộc thi Hoa hậu Thế giới, hai Hoa hậu Hoàn vũ, một hoa hậu Trái Đất.

"Lò luyện thi" hoa hậu: Từ xứ bạn nhìn lại nước mình ảnh 3Aishwarya Rai đăng quang Hoa hậu Thế giới 1994 và năm 2010 được tạp chí Global Beauties bầu chọn là hoa hậu thế giới đẹp nhất.

Các cô gái Ấn có một “nét hấp dẫn của phương Tây bên dưới làn da rám nắng của phương Đông," cùng với đôi mắt sâu phù hợp với tiêu chuẩn của nhiều cuộc thi. Nhưng không chỉ vì thế mà con đường đến vương miện hoa hậu bớt chông gai hơn.

Sau khi được tuyển chọn kỹ lưỡng từ các vùng khác nhau, các ứng viên bước vào quá trình rèn luyện gắt gao. Họ được đưa tới chỗ bác sỹ thẩm mỹ để trùng tu nhan sắc, thậm chí là lột da để trắng hơn, tuân thủ chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt cũng như học ứng xử từ những nữ tu nổi tiếng. Ở Ấn Độ, người ta quan niệm là các cô gái không được phép yêu cầu chuyên gia trang điểm cho mình như thế nào, bởi đơn giản họ là các bậc thầy trong lĩnh vực ấy.

Nhật Bản

Bắt đầu từ năm 1997, với sự xuất hiện của người phụ nữ Pháp Ines Ligron, công nghệ đào tạo hoa hậu hoàn vũ ở Nhật Bản bước sang một trang mới hoàn toàn. Miss Universe Japan do Ligron đứng đầu nhanh chóng trở thành một “lò” sản sinh ra rất nhiều người đẹp nổi tiếng thế giới. Riyo Mori - Hoa hậu Hoàn vũ 2007, cũng là nhan sắc được huấn luyện bởi Ines Ligron.

"Lò luyện thi" hoa hậu: Từ xứ bạn nhìn lại nước mình ảnh 4Riyo Mori đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ khi chỉ mới 20 tuổi.

Đào tạo hoa hậu ở Nhật Bản, điều được đặt lên hàng đầu là chế độ ăn uống, không chỉ giúp các người đẹp có làn da hoàn hảo, thân hình cân đối mà còn đủ sức đi hết cuộc thi căng thẳng. “Nhưng điều cốt yếu là phải tự tin” - Ligron nhấn mạnh. Một trong những việc bà làm là yêu cầu các cô gái cởi bỏ quần áo đứng trước chiếc gương ba chiều để học cách hài lòng với cơ thể của mình và làm quen với ý nghĩ rằng mình thật sự hấp dẫn.

Việt Nam

Những năm gần đây, Việt Nam “thăng hạng” trên bản đồ nhan sắc thế giới nhờ thành tích khá tốt của Lan Khuê (top 11 Hoa hậu Thế giới 2015), Thúy Vân (Á hậu ba Hoa hậu Quốc tế 2015) hay là Nam Em (top 8 Hoa hậu Trái Đất 2016), Hồng Nhung (top 9 Hoa hậu du lịch Quốc Tế 2016). Nhưng có lẽ, vẫn còn lâu nữa đấu trường nhan sắc quốc tế mới xướng tên Việt Nam ở vị trí cao nhất.

"Lò luyện thi" hoa hậu: Từ xứ bạn nhìn lại nước mình ảnh 5Không chỉ lọt top 11, chiếc đầm của Lan Khuê được chọn là trang phục dạ hội đẹp nhất Hoa hậu Thế giới 2015.

Bởi thực tế, các thí sinh nước mình khá thiệt thòi khi đào tạo hoa hậu vẫn còn là công việc khá mới mẻ. Góp mặt trong các cuộc thi quốc gia phần nhiều vẫn là những gương mặt quen thuộc trên sàn diễn thời trang. Các công ty người mẫu quen thuộc như New Talent, Elite, PL… kiêm luôn “lò luyện hoa hậu” khi nắm trong tay vài gương mặt sáng giá.

Một số người đẹp khác được trao dồi kỹ năng ở Trường John Robert Powers, nhưng nếu so về sự khắt khe lẫn bài bản, hẳn không thể sánh với những cơ sở đào tạo lâu đời của các cường quốc sắc đẹp. Nhất là, một người đẹp muốn tham gia cuộc thi phải được “tôi luyện” ít nhất từ sáu tháng đến vài năm trước khi “chinh chiến” ở đấu trường sắc đẹp. Đây cũng là một điểm yếu khi đặt người đẹp Việt lên bàn cân quốc tế, có thể không thua về sắc vóc nhưng thiệt thòi về kinh nghiệm cọ xát./.

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục