Lộ mặt đại gia né thuế

Lộ mặt các quan chức gửi tiền ở "thiên đường thuế"

Trong số các nhân vật gửi tiền tại những "thiên đường né thuế" có những người thân cận của Tổng thống Pháp, Nga hay Azerbaijan.
Tờ Guardian và Le Monde ngày 4/4 cho biết hàng triệu lá thư điện tử và các tài liệu rò rỉ từ các “thiên đường thuế” đã làm lộ ra danh tính của hàng ngàn người đang để tiền tại những nơi này, gồm gia đình của Tổng thống Azerbaijan và người quản lý tài chính chiến dịch tranh cử của Tổng thống Pháp Francois Hollande, ông Jean-Jacques Augier. Cáo buộc liên quan tới Jean-Jacques Augier đã tăng sức ép lên Hollande, người hiện đang dính chỉ trích sau khi cựu Bộ trưởng Ngân khố Jerome Cahuzac bị khởi tố trong một vụ điều tra gian lận thuế. Tờ Guardian của Anh nói rằng thông tin xuất hiện từ một vụ rò rỉ 2 triệu tài liệu và thư điện tử liên quan tới quần đảo British Virgin và quần đảo Cayman. Cuộc điều tra nhằm vào các tài khoản nước ngoài do các hãng tin kết hợp với Nghiệp đoàn quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ) thực hiện. [Rò rỉ nhiều tài liệu liên quan tới tài sản của giới nhà giàu] Tờ Guardian nói rằng không có dấu hiệu nào cho thấy những người được nêu tên trong các bài báo đã có hành vi phạm luật. Nhưng điều duy nhất họ làm giống nhau là họ sử dụng một đạo luật cung cấp bí mật cho người gửi tiền. Đạo luật này có thể giúp họ "né" thuế. Theo tờ Guardian và tờ Le Monde, Augier, người kiểm soát dòng chảy tài chính trong chiến dịch tranh cử của ông Hollande hồi năm ngoái, đã nắm cổ phiếu trong 2 công ty được đăng ký tại Caymans, gồm một công ty phân phối có trụ sở ở Trung Quốc. Augier cho tờ Le Monde biết rằng ông chẳng làm gì phi pháp và các công ty đã được thành lập để tìm kiếm đối tác nước ngoài. Nhưng bài báo đã khiến ông Hollande đau đầu sau khi cựu Bộ trưởng Tài chính Cahuzac, người chịu trách nhiệm điều tra gian lận thuế, thừa nhận đã có một tài khoản ngân hàng bí mật mà ông thường xuyên bác bỏ sự tồn tại. Tờ Guardian cho biết có 3 công ty đã được mở ra ở đảo British Virgin nằm dưới tên các con gái Arzu và Leyla của Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev. Các công ty này đều nêu danh giám đốc là Hassan Gozal, một doanh nhân Azerbaijan giàu có, người đã thắng nhiều cuộc đấu thầu ở đất nước này. Một trường hợp khác được Guardian nhắc tới là vợ của Igor Shuvalov, một doanh nhân thân cận với Tổng thống Vladimir Putin, người đã là Phó Thủ tướng thứ nhất kể từ năm 2008. Bà này đã mở vài công ty ở nước ngoài. Bà Shuvalova cũng không đưa ra bình luận gì. Ngoài ra, một trong những quan chức cao cấp nhất của Mông Cổ, cựu Bộ trưởng Tài chính Bayartsogt Sangajav, đã nói với ICIJ rằng ông đang cân nhắc việc từ chức sau khi một cuộc điều tra cho thấy ông đã mở tài khoản ở nước ngoài và còn có một tài khoản bí mật ở Thụy Sĩ, bên trong có lúc chứa tới hơn 1 triệu USD. "Tôi lẽ ra không nên mở tài khoản đó. Tôi nên thêm công ty vào bản kê khai tài sản của mình" - ông nói. Việc ICIJ điều tra phát hiện ra các tài khoản ở nước ngoài bắt đầu diễn ra khi công ty nhận được một ổ cứng chứa đầy các dữ liệu liên về các công ty, liên quan tới vụ bê bối Firepower ở Australia - vụ việc có liên quan tới gian lận và các điểm giấu tài sản ở nước ngoài.
Lộ mặt các quan chức gửi tiền ở "thiên đường thuế" ảnh 1
Jean-Jacques Augier, người quản lý tài chính cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Pháp Francois Hollande (Nguồn: AFP)
Ủy ban châu Âu (EC) đã phản ứng trước các bài báo bằng cách kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu phải tích cực chống gian lận thuế. Việc gian lận thuế được cho là gây thiệt hại tới 1 ngàn tỷ euro mỗi năm cho các chính quyền đang lâm vào cảnh thiếu tiền ở châu Âu. "Với Ủy ban châu Âu, không có ngoại lệ nào dành cho các cá nhân, công ty hoặc một nước thứ ba khi họ trốn thuế" - phát ngôn viên EC Olivier Bailly nói./.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục