Lo ngại thiếu minh bạch

Dân Keangnam lo hội nghị chung cư thiếu minh bạch

Động thái từ phía chủ đầu tư đang khiến cư dân Keangnam lo lắng về sự minh bạch của hội nghị nhà chung cư sẽ diễn ra sáng mai, 10/3.
Tiếp theo những diễn biến căng thẳng liên quan đến việc tranh chấp phí dịch vụ tại tòa nhà Keangnam, theo thông tin Vietnam+ mới nhận được, ngày mai, 10/3, tại đây sẽ diễn ra hội nghị nhà chung cư do chủ đầu tư tổ chức. Mặc dù vậy, hội nghị vốn được mong đợi này lại đem lại cho cư dân Keangnam sự bất an. Rất nhiều người sinh sống tại đây đang vô cùng lo lắng không chỉ bởi sự vội vã bất thường của cuộc họp quan trọng này mà còn bởi những dấu hiệu vi phạm quy định từ phía Keangnam Vina. Vội vã, cắt bớt quy trình và...sai luật Như Vietnam+ đã đưa tin, ngày 19/1 vừa qua, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản số 528/SXD-QLKT ngày 19/1/2012 gửi công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Keangnam Vina. Văn bản này khẳng định phía Keangnam Vina ngoài việc phải cung cấp đầy đủ dịch vụ thiết yếu cho cư dân thì phải tiến hành tổ chức Hội nghị nhà chung cư. Hội nghị này sẽ là cơ sở để thành lập Ban quản trị đại diện cho cư dân để nhanh chóng ổn định cuộc sống ở khu chung cư Keangnam. Nhưng quá trình để chuẩn bị cho Hội nghị nhà chung cư  lại khẩn trương và vội vã đến choáng ngợp khiến các cư dân ngơ ngác. Theo đó, ngày 23/2 Công ty Keangnam Vina đã ban hành Dự thảo quy chế tổ chức Hội nghị nhà chung cư và bầu Ban Quản Trị dán tại sảnh tòa nhà. Chưa kịp định thần, người dân sống tại chung cư cao tầng nhất Hà Nội bỗng lại được thông báo thêm, Hội nghị nhà chung cư sẽ chính thức được tổ chức vào ngày 10/3. Phản ứng về quyết định này, nhiều cư dân của tòa nhà bức xúc: Kể từ lúc Dự thảo quy chế được đưa ra đến lúc hội nghị được tổ chức chỉ có 2 tuần. Thời gian gấp gáp như vậy nên thực tế nhiều người vẫn chưa nắm được thông tin, như vậy không thể đảm bảo tính khách quan của hội nghị. Rất nhiều ý kiến đóng góp của cộng đồng cư dân cho hội nghị đều không được ghi nhận, chị Dung, cư dân tòa B chia sẻ. Không những thế, tại diễn đàn cư dân, rất nhiều ý kiến đã chỉ ra  những sai phạm  các quy định của Sở Xây dựng Hà Nội trong quá trình tiến hành Hội nghị nhà chung cư của chủ đầu tư. Một ví dụ cụ thể là theo văn bản số 9118/SXD-QLN ban hành ngày 11/11/2009, hội nghị nhà chung cư chỉ được tiến hành 10 ngày sau khi hội nghị hiệp thương có sự tham gia của chính quyền và các bên liên quan được tổ chức. “Thực tế, đến nay Keangnam chưa tổ chức hội nghị hiệp thương giữa các bên liên quan,” các cư dân bức xúc. Thêm nữa, rất nhiều cư dân không nhận được thông tin về Hội nghị chung cư này, không chỉ là các cư dân chưa về sinh sống mà ngay cả những người đã ở đây. Với việc không biết về hội nghị chung cư, quyền lợi của họ đã bị tước đi, bác Trạch, tổ trưởng dân phố lâm thời nhận định. Một mình một quy chế
Không chỉ bức xúc với một hội nghị chung cư sắp được tổ chức một cách vội vã và thiếu tôn trọng các văn bản luật, cư dân cộng đồng dân cư Keangnam còn tỏ ra không bằng lòng với quy chế bầu cử được phía chủ đầu tư đơn phương đưa ra. Cụ thể, theo văn bản hướng dẫn quy trình tổ chức hội nghị nhà chung cư được Sở Xây dựng ban hành, toàn bộ nội quy sử dụng nhà chung cư, quy chế tổ chức hội nghị nhà chung cư và danh sách ứng cử viên phải được công bố rộng rãi với dân cư trong một thời gian đủ dài để nhận được ý kiến đóng góp. Trên cơ sở này, hội nghị hiệp thương sẽ được tổ chức để thống nhất các vấn đề giữa các bên liên quan. “Vậy mà, không có hiệp thương, chủ đầu tư vẫn đơn phương đưa ra dự thảo quy chế tổ chức Hội nghị nhà chung cư,” anh Kết,  các cư dân của tòa nhà bất bình. Bản dự thảo quy chế này được phía Keangnam Vina cho dán tại sảnh tòa nhà nhằm mục đích “lấy ý kiến mọi người.” Tuy nhiên, theo các cư dân, việc lấy ý kiến chỉ là hình thức bởi chỉ chưa đầy 2 tuần sau, hội nghị nhà chung cư đã chính thức diễn ra. Nhiều người thậm chí còn chưa hay thông tin gì về hội nghị này. Điều đáng nói hơn, bản thân dự thảo quy chế được Keangnam đưa ra cũng có nhiều điểm bất cập, chưa hợp lý và thiếu tính khách quan, minh bạch. Cụ thể, bản dự thảo này đã không đề cập đến nhiều nội dung quan trọng như: Nội quy quản lý sử dụng nhà chung cư, chức năng nhiệm vụ của ban quản trị…. Lo ngại có sự gian lận và sắp đặt

Tại các thông báo dán khá "vô tổ chức" của chủ đầu tư tại các cửa kính sảnh hai tòa nhà A, B và các lối vào từ hầm, văn bản của Keangnam có một điều khoản mà theo các cư dân là vô cùng áp đặt và phi lý; " Nếu không tổ chức được hội nghị nhà chung cư, hoặc không bầu được ban quản trị thì việc quản lý hai tòa nhà A và B sẽ vẫn do Chesnut quản lý và áp dụng mức phí 18.848đồng/m2 cho đến khi bầu được ban quản trị.”
“Như thế chẳng phải cách tổ chức của phía chủ đầu tư chỉ mang tính hình thức nhằm đạt mục đích hoặc không tổ chức được hội nghị nhà chung cư hoặc không bầu được ban quản trị, chứ không hề thiện ý để hội nghị diễn ra  vì quyền lợi của các cư dân,” chị Hồng, cư dân tòa nhà A gay gắt. Tại cuộc họp các cư dân diễn ra tối hôm nay, 9/3 đông đảo cư dân còn lo ngại về tính minh bạch của các lá phiếu. Không có bẳng chứng về các căn hộ đã được Keangnam bán. Theo thông báo từ phía Keangnam, họ chỉ còn 33 căn chưa bán và sẽ nắm quyền bỏ phiếu của 33 căn đó. Ngoài ra, 80 căn đã bán chưa tất toán hết thì sẽ để phiếu trắng. Như vậy, sẽ có khoảng 800 căn hộ là có quyền bỏ phiếu, tuy nhiên, số căn hộ đang ở Keangnam kể cả chủ hộ lẫn cho thuê thì được nhìn nhận là không thể đến số đó. Trong 23 ứng viên, Keangnam mặc nhiên sẽ có 1 phiếu, số người ứng cử từ phía Ban đại diện lâm thời giới thiệu cũng chỉ có 10 người, còn lại là do Keangnam chỉ định. Điều này khiến các cư dân tại đây đang chung một nỗi lo lắng rằng, với cách thức làm việc của phía chủ đầu tư, cơ cấu người ứng cử, thiếu minh bạch về  quyền bỏ phiếu và ủy quyền của các căn hộ thì  một ban quản trị mới lập ra có thể không đại diện cho số đông cư dân và đứng về quyền lợi chung của các cư dân. Điều này sẽ dẫn đến sự bất ổn trong khu chung cư Keangnam sẽ còn tiếp diễn theo chiều hướng ngày một phức tạp. “Điều cư dân Keangnam mong muốn là một hội nghị nhà chung cư được tổ chức đảm bảo tính khách quan, minh bạch với sự chủ trì của các cơ quan chức năng của nhà nước,” một cư dân của tòa chung cư Keangnam phát biểu trong hội nghị. Trả lời về câu hỏi của Vietnam+ về tại sao Ban đại diện lâm thời và các cư dân vẫn tham gia Hội nghị chung cư dù có quá nhiều điểm bất minh và sai quy định như họ phản ảnh, bác Hậu, đại diện cư dân cho biết: "Họ đã đặt chúng tôi vào tình thế 'không thể từ chối' bởi hai lẽ: Một là như vậy phải đấu tranh, kiện tụng và sẽ dẫn đến Hội nghị chung cư không thể diễn ra, để họ áp đặt tiếp mức phí vô lý 18.843 đồng/m2 và tiếp tục để công ty Chetnus-vô cùng yếu kém về năng lực quản lý điều hành tòa nhà. Hai là, gạt ban đại diện lâm thời-những người đã hết lòng đấu tranh vì quyền lợi của cư dân ra ngoài với lý do: chống đối hội nghị chung cư. Với các cư dân, thành viên Ban quản trị là ai cũng được, miễn họ phải có sự công tâm, không mang lợi ích cá nhân, nhóm và vì cộng đồng với sự minh bạch phí, minh bạch thu chi, đảm bảo có một chất lượng tốt được cung cấp. Nhưng với cách làm của Keangnam, với số đông các ứng viên do họ đã sắp đặt, với con số ủy quyền của các căn hộ không biết đã có chủ chưa thì điều lo ngại của các cư dân nhiều khả năng sẽ là sự thật," ông Hậu ngao ngán nói. Vietnam+ sẽ tiếp tục cập nhật những diễn biến mới nhất về sự việc đến bạn đọc./.
Trong Thông báo về hội nghị nhà chung cư, Keangnam Vina vẫn tự ý áp đặt với các nội dung như: nếu không tổ chức được hội nghị nhà chung cư, hoặc không bầu được Ban quản trị thì “việc quản lý hai tòa nhà A và B sẽ vẫn do Chesnut quản lý và áp dụng mức phí 18.848đồng/m2 cho đến khi bầu được Ban quản trị.” 

Trong khi đó, Chestnut là công ty hiện nay đang quản lý tòa nhà và đã để xảy ra nhiều tai tiếng. Điển hình là các vụ việc vỡ đường ống nước cứu hỏa tầng 27 gây ngập lụt tầng 26-27 và hỏng 10 thang máy nhà A; 3 lần gây báo cháy giả khiến cư dân sống trong hoang mang lo sợ; không đảm bảo an ninh an toàn khi để côn đồ tấn công cư dân gây trọng thương ngay trong tòa nhà.
Xuân-Sơn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục