"Ém nhẹm” tai nạn?

Lo thành tích, địa phương "nhẹm" tai nạn giao thông?

Dù năm 2012 được coi là đột phá về giảm tai nạn giao thông nhưng vẫn tồn tại thực tế nhiều địa phương giấu nhẹm để báo cáo thành tích.

Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, sau một thập kỷ, Việt Nam lần đầu tiên giảm được cả 3 tiêu chí về số vụ tại nạn, số người chết và bị thương. Bức tranh tổng thể an toàn giao thông đã có nhiều bước chuyển biến và đột phá.


Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định: “Con số thống kê tai nạn giao thông toàn quốc không thể chính xác tuyệt đối mà vẫn có những sai số nhất định do cách thức thống kê mỗi năm mỗi khác. Thậm chí, có địa phương còn 'giấu' để báo cáo thành tích."

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Hiệp xung quanh vấn đề này.

2012- Năm đột phá!

- Năm 2012, bức tranh tổng thể an toàn giao thông đã có nhiều chuyển biến tích cực, là năm đầu tiên tai nạn giảm sau một thập kỷ. Ông đánh giá như thế nào về năm An toàn giao thông vừa qua?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Những năm qua, Việt Nam đã rất nỗ lực, cố gắng thông qua việc ban hành nhiều Nghị quyết, Nghị định, Chỉ thị tập trung chỉ đạo các bộ ngành, địa phương triển khai quyết liệt hàng loạt các giải pháp khác nhau tập trung vào ba nhóm quan trọng gồm: Phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển giao thông công cộng và tổ chức quản lý giao thông để hạn chế ùn tắc, tai nạn. Trong năm An toàn giao thông 2012, hàng loạt giải pháp cũng được triển khai quyết liệt.

[Nâng cao ý thức tự giác người tham gia giao thông]

Ủy ban Quốc hội, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các địa phương và nhân dân đều khẳng định, năm 2012 công tác đảm bảo an toàn giao thông đã có những bước đột phá. Sau 10 năm, số người chết giảm 10.000 người, cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn, số người chết và bị thương) giảm và giảm rất sâu. Những con số này nói lên nỗ lực của các Bộ, ngành và địa phương cùng những chính sách, chủ trương được triển khai đúng hướng.

[Tổ chức Ngày tưởng nhớ nạn nhân tai nạn giao thông]

- Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng an toàn giao thông bền vững tại Việt Nam vẫn là một thách thức. Ông nghĩ gì về nhận định này?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Năm an toàn giao thông 2012 với chủ đề “Giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông là trách nhiệm của mỗi người trong chúng ta” bước đầu đã thiết lập được trật tự kỷ cương, nhưng câu chuyện còn lại là làm như thế nào để an toàn giao thông bền vững thì vẫn là một thách thức.

Nước ta cũng thuộc “top” đứng đầu các nước sử dụng chất kích thích (rượu, bia) khi tham gia giao thông.

Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ tai nạn giao thông cao so với thế giới. Tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng giảm, nhưng mức độ và tính chất nguy hiểm lại có chiều hướng gia tăng. Ùn tắc giao thông có giảm vào các giờ cao điểm sáng, chiều nhưng không rõ rệt.

Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, ý thức của người dân tham gia giao thông còn hạn chế đặc biệt, sự quản lý Nhà nước còn yếu kém, hệ thống pháp luật xử lý vi phạm giao thông còn chưa nghiêm, ở một số nơi vẫn còn diễn ra tình trạng mãi lộ…

Tai nạn giao thông giảm nhưng chưa mang tính bền vững do tốc độ giảm chận dần đều không duy trì tính liên tục. Tai nạn giao thông chỉ giảm khi lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt nhưng cũng chỉ làm được một thời gian rồi lại tái diễn.

Ủy ban An toàn giao thông đánh giá nghiêm túc những tồn tại và hạn chế này đồng thời lấy “Năm An toàn giao thông - 2013” là năm “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”.

- Lý do gì Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia lại lấy chủ đề về trách nhiệm người thực thi công vụ? Phải chăng, đối tượng này vẫn có nhiều vi phạm?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Mục tiêu lâu dài là xây dựng văn hóa giao thông; trong đó nhấn mạnh văn hóa người tham gia giao thông, thực thi công vụ chính sách. Trước mắt, chúng ta sẽ làm tập trung vào 2 lực lượng này để đảm bảo an toàn giao thông.

Hiện nay, theo tôi, người đứng đầu địa phương, người thực thi công vụ mang yếu tố quyết định làm tai nạn giao thông giảm.

Tuy nhiên, đối tượng thực thi công vụ vẫn chưa nghiêm và vi phạm vì thế năm 2013 này sẽ làm quyết liệt.

Mới chỉ kiềm chế, chưa giảm tai nạn

- Có ý kiến cho rằng, con số tai nạn giảm chưa chính xác, thậm chí, có địa phương chạy theo báo cáo thành tích nên đã “giấu” thống kê. Ông nghĩ gì?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Theo tôi, con số thống kê tai nạn giao thông toàn quốc không thể chính xác tuyệt đối mà vẫn có những sai số nhất định do cách thức thống kê mỗi năm mỗi khác.

Ngoài ra, 3 tiêu chí (số vụ, người chết, bị thương) của Ủy ban An toàn giao thông cũng được lấy từ báo cáo của Bộ Công an và qua các văn bản của Ban An toàn giao thông địa phương xác nhận số liệu đó.

Theo quy định, địa phương nào có vụ tai nạn nghiêm trọng từ 3 người chết trở lên phải báo cáo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhưng các tỉnh thành chỉ thực hiện khi Ủy ban điện thoại xuống điều tra.

Tại mỗi vụ tai nạn, số người chết tại chỗ thì chính xác nhưng chưa chết mà được chuyển vào viện thì không thể thống kê được do thiếu sự đồng bộ giữa bệnh viện, địa phương, công an…

Nếu xét theo số liệu này, tôi nghĩ rằng chưa chính xác, có độ “vênh” nhưng cũng không nhiều.

Bên cạnh đó, một số địa phương “giấu” số liệu tai nạn giao thông để báo cáo thành tích. Để kiểm soát sai số này, Bộ Công an đã thành lập 20 đoàn thanh kiểm tra địa phương từ xã, phường, huyện trở lên và có những nhắc nhở, điều chỉnh uốn nắn địa phương có số liệu chưa chuẩn.

- Thực tế hiện nay, cơ sở hạ tầng vẫn còn “chạy dài” theo sự gia tăng phương tiện cá nhân đã đè nặng áp lực lên ngành giao thông. Vậy theo ông, để giải quyết bài toán này, chúng ta phải làm những gì?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Việt Nam hiện có hơn 37 triệu xe máy và 1,6 triệu ôtô các loại đã dẫn đến áp lực giao thông ngày càng lớn do sự phát triển hạ tầng không theo kịp tốc độ dân số và phương tiện tăng. Thống kê mỗi năm cũng cho thấy, bình quân tăng 15% lượng phương tiện trong khi hạ tầng chỉ chưa tới 1%.

Theo nhận định của các chuyên gia nước ngoài, Việt Nam chỉ kiềm chế tai nạn chứ không giảm tai nạn.

- Một số Thông tư, Nghị định của Bộ Giao thông vẫn được người dân đánh giá chưa sát với thực tiễn, thậm chí ngồi trên “trời” làm chính sách dẫn đến những bất cập. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Thực tế, việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nghiên cứu chưa thấu đáo do chủ quan của nhà quản lý, hoạch định chính sách. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, Bộ Giao thông là đơn vị xây dựng chiến lược, quy hoạch các văn bản pháp luật tốt nhất và nhiều nhất từ trước đến nay.

Một số chủ trương đưa ra cần phải đóng góp từ dư luận. Năm 2013, Bộ ban hành nhiều Nghị định liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính đường sắt, hàng không, hàng hải nên cần tính toán lại cách thức, quy trình làm luật. Nghị định cần phải có hàng chục chữ ký của các cơ quan tham mưu nhưng quan trọng nhất vẫn là chữ ký, ý kiến của nhân dân.

- Xin cảm ơn ông./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục