Lộ tin EMA bị gây sức ép để phê duyệt vắcxin ngừa COVID-19 của Pfizer

Tờ Le Monde của Pháp cho biết Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã bị gây sức ép để nhanh chóng phê duyệt vắcxin ngừa COVID-19 do Hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer (Mỹ) sản xuất.
Lộ tin EMA bị gây sức ép để phê duyệt vắcxin ngừa COVID-19 của Pfizer ảnh 1 Vắcxin ngừa COVID-19 của hãng dược Pfizer. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sputnik đưa tin tờ Le Monde của Pháp cho biết báo này có tài liệu cho thấy Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã bị gây sức ép để nhanh chóng phê duyệt vắcxin ngừa COVID-19 do Hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer (Mỹ) sản xuất.

Báo trên cho hay tài liệu của EMA đã bị tin tặc không rõ danh tính đánh cắp và chuyển cho cộng đồng các nhà báo châu Âu, trong đó Le Monde là một thành viên.

Phân tích các tài liệu cho thấy bất chấp sự phản đối của Hội đồng EMA, vắcxin ngừa COVID-19 của Pfizer vẫn được phê duyệt trong một thời gian rất ngắn.

[Pfizer đảm bảo cung cấp vắcxin ngừa COVID-19 trong quý 1 như cam kết]

Le Monde giải thích: "Vào tháng 11/2020, EMA đã đưa ra 3 'lý do chính để phản đối' loại vắcxin này: một số cơ sở sản xuất chưa được xác minh; chưa có dữ liệu về các lô vắcxin thương mại; nhưng trên hết, dữ liệu nêu bật sự khác biệt về chất giữa lô sản phẩm thương mại và lô đã được sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng."

Thông qua tài liệu có thể thấy rõ ràng rằng EMA đã chỉ trích Pfizer vì liều vắcxin dành cho thị trường đại chúng có chất lượng thấp hơn so với liều vắcxin được sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng.

Điều này liên quan đến việc thay đổi trong phương pháp sản xuất để tăng sản lượng.

Kết quả là tập đoàn dược phẩm đã buộc phải nhượng bộ và dường như họ cam kết rằng chất lượng vắcxin sản xuất đại trà sẽ đáp ứng các yêu cầu cần thiết.

Bài báo cũng trích dẫn lời một nhân viên EMA giấu tên, người đã rất ngạc nhiên trước tuyên bố của người đứng đầu Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhất quyết yêu cầu phê duyệt vắcxin của hãng Pfizer và Moderna ngay trước cuối năm 2020.

Cũng chính quan chức này từng khẳng định rằng 2 loại vắcxin nói trên thời điểm đó đang có vấn đề nên khó có thể được phê duyệt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục