Lộ trình thoát khủng hoảng

Lộ trình đưa Ai Cập thoát khủng hoảng chính trị

Hội đồng các nhà thông thái nổi tiếng của Ai Cập đã đưa ra một "lộ trình" đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị.
Ngày 4/2 tại Ai Cập, được coi là "ngày cuối cùng" đối với Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, đã diễn ra một cách yên bình kể từ khi xảy ra các cuộc biểu tình chống chính phủ rầm rộ từ ngày 25/1 đến nay.

Hội đồng các nhà thông thái, gồm đại diện các nhà hoạt động chính trị, xã hội nổi tiếng của Ai Cập, đã đưa ra một "lộ trình" đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị, bao gồm một số đề xuất, trong đó có việc Tổng thống Mubarak vẫn tại vị trên danh nghĩa cho đến tháng Chín với điều kiện quyền điều hành đất nước trên thực tế sẽ do Phó Tổng thống Omar Suleiman đảm nhiệm; thành lập chính phủ chuyển tiếp gồm các chính trị gia độc lập và các nhà kỹ trị.

Hội đồng này dự kiến có cuộc gặp với ông Suleiman trong ngày 5/2.

Cùng ngày, Tổng thống Mubarak đã có cuộc họp với các bộ trưởng và chuyên gia khối kinh tế để thảo luận tình hình đất nước.

Cuộc họp này có sự tham dự của Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính, Dầu mỏ, Thương mại và Công nghiệp và Thống đốc Ngân hàng trung ương.

Các cuộc biểu tình ở Ai Cập trong 12 ngày qua đã gây thiệt hại cho nước này 3,1 tỷ USD, nền kinh tế Ai Cập chịu thiệt hại mỗi ngày khoảng 300 triệu USD.

Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp George Papandréou cho biết ông dự kiến tới Ai Cập ngày 6/2 để hội đàm với Tổng thống Mubarak và thông báo về lập trường của Liên minh châu Âu (EU) đối với cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này.

Trong tuyên bố kết thúc Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 4/2, liên minh này cho biết sẵn sàng hỗ trợ các thay đổi dân chủ tại Ai Cập.

Cùng ngày 4/2, tại Hội nghị an ninh đang diễn ra tại Đức, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố những thay đổi dân chủ ở Ai Cập cần diễn ra một cách hòa bình.

Bà Merkel cho rằng những thay đổi sẽ diễn ra tại Ai Cập, nhưng những thay đổi này cần phải diễn ra một cách hòa bình và đúng đắn.

Bà tuyên bố Đức và EU sẽ hỗ trợ Ai Cập trong việc thực hiện thay đổi với tư cách một đối tác, tuy nhiên, bà cũng thừa nhận mô hình dân chủ phương Tây không thể sao chép cho bất kỳ khu vực nào trên thế giới.

Thủ tướng Anh David Cameron cũng kêu gọi thay đổi dân chủ tại Ai Cập, tuy nhiên, ông nhấn mạnh phương Tây không được can thiệp vào tiến trình này.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ hy vọng cuộc khủng hoảng chính trị tại Ai Cập nhanh chóng chấm dứt một cách hòa bình, thông qua đối thoại. Ông nhấn mạnh cần đảm bảo luật pháp và quyền con người.

Ông Lavrov cũng cho rằng cần thực hiện những tiến trình dân chủ và tạo dựng một nền kinh tế có định hướng xã hội để ngăn chặn những cuộc khủng hoảng tương tự như ở Ai Cập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục