Lộ trình đưa hát Xoan chính thức thành di sản văn hóa nhân loại

Theo kế hoạch đến cuối năm 2015, tỉnh Phú Thọ sẽ hoàn thiện hồ sơ đệ trình lên UNESCO đưa hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.
Lộ trình đưa hát Xoan chính thức thành di sản văn hóa nhân loại ảnh 1Một chương trình văn nghệ biểu diễn Hát Xoan Phú Thọ tại Hà Nội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Theo kế hoạch đến cuối năm 2015, tỉnh Phú Thọ sẽ hoàn thiện hồ sơ đệ trình lên UNESCO đưa hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch ​Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ về lộ trình đưa hát Xoan chính thức trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

- Việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO đưa hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp được tỉnh chuẩn bị đến đâu, thưa ông?

Ông Hà Kế San: Có thể khẳng định, gần 4 năm qua bằng sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, nhân dân, đặc biệt là ở những làng Xoan gốc, hát Xoan Phú Thọ đã được phục hồi, có sức sống mãnh liệt.

Hiện nay, tỉnh đang phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (đơn vị tư vấn lập hồ sơ) của Hội Di sản Việt Nam khẩn trương cập nhật, hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp vào cuối năm nay.

Tỉnh đang chuẩn bị tổ chức hội nghị báo cáo kết quả bảo vệ hát Xoan giai đoạn 2011-2015 và lấy ý kiến đóng góp, phê duyệt báo cáo quốc gia trình UNESCO vào tháng 8/2015; chuẩn bị tham gia Hội nghị lần thứ XI của Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Công ước UNESCO 2003 họp tại Nammibia từ ngày 30/11-4/12 để tranh thủ lấy ý kiến tư vấn của các chuyên gia UNESCO.

Tỉnh đang chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh nhanh chóng xuất bản tổng tập “Hát Xoan Phú Thọ”, đây sẽ là chứng cứ, cơ sở quan trọng để đưa vào hồ sơ trình UNESCO. Đến nay tổng tập này đã được hoàn thành với 1.200 trang gồm những tài liệu được thu thập từ hàng ngàn tài liệu nghiên cứu, tập hợp những bài hát Xoan đã di biến từ năm 1970 đến nay. Cuốn sách này là nguồn tài liệu quý, cung cấp thông tin, dự liệu khá đầy đủ, toàn diện về hát Xoan để tra cứu và làm tài liệu xuất bản công cụ giáo dục, truyền dạy và quảng bá về hát Xoan.

Bên cạnh đó, tỉnh vừa xuất bản hơn 4.000 đĩa CD và 3.000 cuốn sách “Hát Xoan Phú Thọ - tuyển chọn I” nhằm tuyên truyền quảng bá sâu rộng giá trị di sản văn hóa hát Xoan Phú Thọ. Tỉnh cũng đang đẩy mạnh việc đưa hát Xoan vào trường học; tiếp tục hoàn thiện các dự án bảo quản tu bổ, khôi phục các di tích liên quan đến hát Xoan…

- Để hát Xoan có thể “sống” được trong đời sống đương đại, tỉnh đã có kế hoạch gì trong thời gian tới?


Ông Hà Kế San:
Giai đoạn 2016-2020, việc phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương sẽ gắn với hoạt động phát triển du lịch, dịch vụ; tăng cường đưa hát Xoan tham gia các cuộc giao lưu quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể; phấn đấu đến năm 2020, các lễ hội, tục lệ hát Xoan truyền thống được khôi phục; từ đó xây dựng thành không gian văn hóa hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Tỉnh cũng sẽ sớm thành lập Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nhằm quảng bá, phổ biến, tôn vinh giá trị của di sản văn hóa hát Xoan; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Hát Xoan Phú Thọ trên các website và trên các báo điện tử; tiếp tục đào tạo lớp nghệ nhân kế cận và truyền dạy Hát xoan trong cộng đồng các phường Xoan gốc; tập huấn tuyền dạy cho đối tượng là hạt nhân văn nghệ của các câu lạc bộ dân ca trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh nghiên cứu làm rõ hơn những đặc điểm giống nhau và khác nhau trong bài bản, quy trình và phong cách trình diễn giữa các phường Xoan, để bảo tồn và phát huy tính đa dạng văn hóa - bản sắc văn hóa của từng phường Xoan; nghiên cứu thêm các trường hợp cải biên, sáng tác Xoan mới (xem xét, nghiên cứu để đưa âm nhạc vào Xoan) để hát Xoan có thể “sống” và đi sâu hơn vào đời sống đương đại; trong đó xác định cụ thể các yêu cầu cần đảm bảo thực hiện khi trình diễn phục vụ các sự kiện văn hóa, du lịch khi quảng bá Xoan.

Tỉnh cũng đẩy mạnh công tác phục hồi các tập tục liên quan tới hát Xoan, đặc biệt là tục hát cửa đình và kết nghĩa giữa các phường Xoan với các cộng đồng liên quan; tiếp tục nghiên cứu về nội dung và cách thức phù hợp để truyền dạy, giáo dục về hát Xoan trong nhà trường…

- Sau 4 năm nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, liệu hát Xoan Phú Thọ có thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp?

Ông Hà Kế San: Ngay sau khi UNESCO công nhận hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp tháng 11/2011, tỉnh Phú Thọ đã khẩn trương xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - hát Xoan Phú Thọ giai đoạn 2013-2020 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 7/11/2013.

Căn cứ vào đề án, tỉnh Phú Thọ đã tập trung truyền dạy, thực hành và nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn tổng tập hát Xoan Phú Thọ; tổ chức các hoạt động biểu diễn và giao lưu trong nước; tăng cường tuyên truyền quảng bá; lập dự án bảo quản, tu bổ, khôi phục các di tích và kiểm kê hát Xoan trên địa bàn; quan tâm hỗ trợ kinh phí cho 4 phường Xoan gốc để chủ động tổ chức truyền dạy, đào tạo nghệ nhân kế cận và tổ chức các hoạt động. Bên cạnh đó, việc đầu tư, tu bổ, tôn tạo các không gian diễn xướng được tích cực triển khai; việc thực hành hát Xoan trong cộng đồng địa phương được phục hồi và đẩy mạnh…

Chỉ trong thời gian ngắn, đến nay các nghệ nhân đã đào tạo, truyền dạy cho 62 nghệ nhân kế cận để đến năm 2015 có thể cùng với lớp nghệ nhân già hiện nay kế tục truyền dạy cho lớp trẻ tương lai và truyền dạy cho hơn 100 cháu thiếu niên nhi đồng tại các phường Xoan gốc Phù Đức, Kim Đới, Thét, An Thái và xã Phượng Lâu.

Từ một loại hình nghệ thuật có nguy cơ bị mai một, giờ hát Xoan đã thực sự hồi sinh, lan tỏa và có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng. Với nỗ lực truyền dạy hát Xoan ra cộng đồng, đến nay tổng số người tham gia thực hành hát Xoan ở cả 4 phường và 23 câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh là 1.148 người, chưa kể có hàng trăm người tham gia không thường xuyên khác, tăng khoảng hơn 20 lần so với năm 2010. Từ năm 2012 đến 2015 đã có 51 người được Nhà nước phong tặng “Nghệ nhân hát Xoan Phú Thọ.” Cuối năm 2015, ​Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức xét và phong tặng “Nghệ nhân hát Xoan Phú Thọ” lần thứ 2.

Tính đến thời điểm này, hầu hết các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp hát Xoan Phú Thọ.”

Đặc biệt, tỉnh đã tuyên truyền giới thiệu, cập nhật thường xuyên các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Xoan trên Cổng Giao tiếp điện tử tỉnh Phú Thọ bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt; đẩy mạnh tuyên truyền trên các kênh thông tin đối ngoại như VTC4, VTC10... để quảng bá di sản hát Xoan rộng rãi đến công chúng trong và ngoài nước...

Hy vọng rằng, với sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng, hát Xoan Phú Thọ sẽ được ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục