Lộ trình hợp tác công nghệ của Hàn-Mỹ để xây dựng chuỗi cung ứng

Việc lựa chọn nhà máy sản xuất chất bán dẫn của Samsung Electronics làm điểm đến đầu tiên trong chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng thống Biden thể hiện ý chí mạnh mẽ của hai nước trong xây chuỗi cung ứng.
Lộ trình hợp tác công nghệ của Hàn-Mỹ để xây dựng chuỗi cung ứng ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (thứ 2, trái) trong chuyến thăm nhà máy sản xuất chip của tập đoàn Samsung tại Pyeongtaek, ngày 20/5/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tờ The Korea Herald (Hàn Quốc), các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Mỹ đã cam kết tăng cường hợp tác kinh tế và công nghệ nhằm xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu an toàn và linh hoạt, vượt qua những thách thức hai nước đang phải đối mặt hiện nay.

Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu chuyến công du 3 ngày tới Hàn Quốc bằng hoạt động tham quan khu phức hợp sản xuất chip của Tập đoàn Samsung Electronics ở thành phố Pyeongtaek, tỉnh Gyeonggi, cách Seoul khoảng 70km về phía Nam.

Theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 20/5, việc lựa chọn nhà máy sản xuất chất bán dẫn của Samsung Electronics làm điểm đến đầu tiên trong chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng thống Biden “thể hiện ý chí mạnh mẽ của lãnh đạo hai nước trong mục tiêu giải quyết thách thức của chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách củng cố liên minh an ninh-kinh tế giữa Hàn Quốc và Mỹ.”

Liên minh an ninh kinh tế

Tổng thống Yoon Suk-yeol nhấn mạnh rằng chuyến thăm của Tổng thống Biden tới nhà máy sản xuất chip “là cơ hội tuyệt vời để hai bên một lần nữa làm rõ vai trò của chất bán dẫn trong lĩnh vực kinh tế và an ninh, cũng như tầm quan trọng của liên minh chiến lược toàn diện toàn cầu.”

Chip bán dẫn là nguyên liệu thiết yếu để sản xuất nhiều loại sản phẩm, từ xe hơi, điện thoại thông minh đến thiết bị y tế và trí tuệ nhân tạo. Tổng thống Hàn Quốc cũng bày tỏ kỳ vọng sẽ mở rộng phạm vi của liên minh an ninh hiện nay sang liên minh trong lĩnh vực kinh tế và công nghệ.

Trong bài phát biểu tại nhà máy của Samsung, Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết: “Với động lực là chuyến thăm hôm nay, tôi mong muốn quan hệ song phương Hàn-Mỹ sẽ phát triển trở thành một liên minh an ninh kinh tế dựa trên sự hợp tác của hai nước trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến và hợp tác chuỗi cung ứng.

Khái niệm an ninh kinh tế nổi lên là một nội dung chính sách đối nội và đối ngoại quan trọng khi các quốc gia phải đối mặt với các mối đe dọa kinh tế từ bên ngoài, bao gồm sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Những mối đe dọa này liên tục gia tăng bởi đại dịch COVID-19, cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ngày càng gay gắt và xung đột tại Ukraine.

[Mỹ-Hàn nhấn mạnh trọng tâm hợp tác đảm bảo cung ứng chất bán dẫn]

Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng hai nước cần hợp tác để đảm bảo chuỗi cung ứng “linh hoạt, tin cậy và an toàn” nhằm mục tiêu giành được lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu dựa trên sự hợp tác về công nghệ hiện nay giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Chính quyền Biden nhắc lại những nỗ lực của Washington trong việc sắp xếp lại và củng cố chuỗi cung ứng, cũng như giảm sự phụ thuộc vào các đối thủ. Đây được cho là điều không thể thiếu nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế của Mỹ. Để đạt được mục tiêu đó, Tổng thống Biden cho rằng điều cần thiết là phải tăng cường quan hệ và hợp tác với Hàn Quốc “trên quy mô toàn diện.”

Ông cho biết: “Đó là cách để hai nước chúng ta nâng cao khả năng phục hồi bền vững, tăng cường sự thịnh vượng chung và đặt người dân của chúng ta vào vị trí tốt nhất để vượt lên trước các đối thủ trong thế kỷ XXI.”

Tổng thống Mỹ nhấn mạnh hiện là thời điểm để tăng cường trao đổi và hợp tác kinh tế song phương nhằm giải quyết những thách thức ngày càng gia tăng của tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.

Ông nói: “Theo quan điểm của tôi, đây là thời điểm để hai bên đầu tư vào thị trường của nhau, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác kinh tế, đưa mọi người đến gần nhau hơn. Đây là điều mà Tổng thống Yoon và tôi sẽ đề cập đến trong chuyến thăm này và trong những tháng tới. Lý do là liên minh giữa Hàn Quốc và Mỹ là nền tảng đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực và thế giới.”

Theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, Hàn Quốc và Mỹ ngày 20/5 đã nhất trí triển khai một kênh đối thoại mới nhằm tăng cường phối hợp song phương trong các vấn đề an ninh kinh tế giữa các văn phòng tổng thống của hai nước.

Mục tiêu là “phối hợp chính sách một cách chặt chẽ và cùng đưa ra phản ứng với các vấn đề trọng yếu của liên minh công nghệ” bao gồm thiết lập chuỗi cung ứng và hợp tác công nghệ trong sản xuất chất bán dẫn, pin thứ cấp và trí tuệ nhân tạo.

Wang Yun-jong, Thư ký Tổng thống về an ninh kinh tế và Tarun Chhabra, Giám đốc cấp cao về công nghệ và an ninh quốc gia, thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, đã đạt được thỏa thuận nói trên trong cuộc điện đàm diễn ra chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Biden đặt chân tới Hàn Quốc.

Trong tuyên bố của mình, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết: “Hai bên có kế hoạch thảo luận thường xuyên và định kỳ về các vấn đề an ninh kinh tế, cũng như các chiến lược hợp tác và ứng phó thông qua kênh đối thoại mới về an ninh kinh tế.”

Cạnh tranh với Trung Quốc

Thách thức từ Trung Quốc không chỉ đơn giản là trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc, như chất bán dẫn, xe hơi và pin, mà còn là quyền tự chủ của Hàn Quốc. Trung Quốc đã vươn tầm ảnh hưởng, không chỉ ở Đông Nam Á mà trên quy mô toàn cầu.

Mặc dù kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ đã chủ trương xây dựng nền kinh tế tự do toàn cầu, nhưng Washington không thể “đơn phương độc mã” thực hiện mục tiêu này. Quy mô kinh tế của Trung Quốc quá lớn và nước này đã giành được những tiến bộ đột phá về mặt công nghệ.

Do đó, đã đến lúc Mỹ cần hợp tác công nghệ chặt chẽ hơn với các đối tác và đồng minh, đặc biệt là Hàn Quốc. Các công ty Hàn Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục cạnh tranh một cách công bằng và dựa trên luật lệ, theo định hướng vừa hợp tác vừa cạnh tranh. Có một số cách mà Chính quyền mới của Tổng thống Yoon Suk-yeol có thể giúp Hàn Quốc hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực đổi mới công nghệ.

Một trong số đó là tham gia sáng kiến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEP) của Mỹ. Trong khi quá trình chính thức hóa tư cách thành viên vẫn đang được tiến hành, mục tiêu của Hàn Quốc là xây dựng quan hệ đối tác với các quốc gia quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, giải quyết hàng loạt thách thức nhằm tăng cường năng lực và sức mạnh tập thể.

Quá trình này đòi hỏi thực hiện theo từng giai đoạn. Mỹ và Hàn Quốc có thể thành lập một nhóm chuyên gia về chính sách công nghệ mới trong khuôn khổ IPEF để phối hợp chính sách của hai nước. Chính quyền mới có thể làm việc với Chính quyền của Tổng thống Biden để xác định các lĩnh vực công nghệ chính quan trọng đối với cả hai nước, cũng như các lĩnh vực mà cả hai đều có thế mạnh để thúc đẩy hợp tác.

Các lĩnh vực hợp tác tiềm năng bao gồm Mạng 6G, lưu trữ năng lượng, chất bán dẫn thế hệ tiếp theo và các lĩnh vực khác. Hợp tác có thể tiến hành dưới nhiều hình thức, chẳng hạn như các phòng thí nghiệm chung giữa Hàn Quốc và Mỹ có thể trở thành các đối tác nghiên cứu ở mỗi nước.

Hai nước có thể cho phép các trung tâm nghiên cứu này tại các trường đại học hợp tác làm việc với các tổ chức nghiên cứu của các quốc gia khác. Các trung tâm nghiên cứu công nghiệp thuộc các trường đại học, như các Trung tâm Sản xuất của Mỹ, có thể cùng nhau hợp tác để các doanh nghiệp của cả hai nước có thể tham gia vào quá trình nghiên cứu.

Nhìn chung, hai nước có thể kết nối các trung tâm xuất sắc chất lượng cao với các đối tác quốc tế của mỗi nước để chia sẻ các phương pháp nghiên cứu hiệu quả nhất và thiết lập các kênh kết nối thương mại. Hai nước có thể hợp tác để thiết lập các tiêu chuẩn công nghiệp chung, qua đó các đối tác có thể tiến hành thu thập số liệu thống kê, đánh giá và hình thành một bản đồ chuỗi cung ứng chính xác hơn.

Hai nước có tiềm năng hợp tác trên thiết bị Mạng Truy cập Vô tuyến Mở (ORAN). Mỹ và Hàn Quốc có thể định hướng hợp tác theo hình thức viện trợ/hỗ trợ phát triển trên quy mô toàn cầu, hỗ trợ tài chính và các sáng kiến tín dụng để khuyến khích các quốc gia lựa chọn công nghệ, giải pháp và nền tảng kỹ thuật số từ các nhà cung cấp của các quốc gia có cùng chí hướng.

Hàn Quốc và Mỹ cũng có thể hợp tác chặt chẽ hơn trong việc quản lý luồng dữ liệu di chuyển tự do xuyên biên giới. Lĩnh vực có thể hợp tác là quyền truy cập dữ liệu của chính phủ. Hai nước cần thống nhất trong việc bảo đảm rằng luồng dữ liệu giữa hai quốc gia là đáng tin cậy, qua đó định hướng và cho phép các quốc gia khác cam kết tuân thủ thông lệ quốc tế được cấp quyền truy cập vào các nguồn dữ liệu của chính phủ của hai nước.

Ngoài ra, khi Hàn Quốc và Mỹ theo đuổi các chiến lược quốc gia nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh về trí tuệ nhân tạo, bao gồm thương mại kỹ thuật số. Hai nước có thể sử dụng cơ chế IPEF để phát triển cơ sở dữ liệu chung đáng tin cậy và các mô hình chia sẻ dữ liệu khác nhằm cải thiện chất lượng và số lượng của các dữ liệu đầu vào quan trọng về hàng hóa, dịch vụ và nghiên cứu trong lĩnh vực kỹ thuật số.

Hàn Quốc và Mỹ cũng có thể hợp tác chặt chẽ hơn trong việc thiết lập các tiêu chuẩn công nghệ. Quá trình hợp tác này sẽ bao gồm việc xây dựng một diễn đàn chính sách cấp cao giữa các chuyên gia của hai nước (phạm vi hợp tác phải cân bằng giữa lợi ích quốc gia và các tiêu chuẩn công nghệ), để thảo luận về cách tiếp cận của hai nước đối với các công nghệ mới, công nghệ mới nổi và giải pháp tốt nhất để triển khai các chính sách hành chính công có liên quan.

Các lĩnh vực hợp tác khác có thể bao gồm an ninh mạng, dịch vụ đám mây, trí tuệ nhân tạo và các cơ sở hạ tầng an ninh quan trọng để đảm bảo tính bảo mật trong quá trình trao đổi thông tin, chẳng hạn như trong khuôn khổ hợp tác an ninh của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia ở mỗi nước.

Địa phương hóa công nghệ ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt khi Trung Quốc tìm cách thúc đẩy các sáng kiến như “Made in China 2025” để thống trị các ngành công nghệ toàn cầu. Do đó, có rất nhiều dư địa để Hàn Quốc và Mỹ có thể cùng nhau hợp tác, phục vụ các mục tiêu về đổi mới công nghệ./.

(VIetnam+)

Tin cùng chuyên mục