Do dự lắp hộp đen

Lộ trình lắp hộp đen: Doanh nghiệp nhỏ vẫn do dự

Theo Nghị định 91, từ 1/7, các đơn vị kinh doanh vận tải phải lắp đặt hộp đen. Tuy nhiên, đến giờ triển khai, hầu hết doanh nghiệp vẫn lúng túng.

Khi thời hạn triển khai lắp thiết bị giám sát hành trình (GPS-hộp đen) theo Nghị định 91 ban hành bắt đầu thực hiện, các doanh nghiệp vận tải đặc biệt là hợp tác xã, công ty cổ phần đều đang do dự tiến hành lắp đặt bởi gặp rất nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp nhỏ do dự Nghị định 91 ban hành, từ 1/7, các đơn vị kinh doanh vận tải phải tiến hành lắp đặt hộp đen. Theo các chuyên gia, đến giờ triển khai, các doanh nghiệp vận tải vẫn đang lúng túng và bối rối. Thực tế cho thấy, hiện nay ở ta có nhiều loại hình doanh nghiệp kinh doanh vận tải nên không thể cào bằng tiện ích với tất cả các loại hình doanh nghiệp khác  được. Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, ngay trong Nghị định 91 và Thông tư 14 của Bộ Giao thông vận tải cũng chia làm hai loại hình, một là doanh nghiệp, hai là hợp tác xã. Giải thích vấn đề này ông Liên cho hay, doanh nghiệp cũng giống như hợp tác xã và các công ty cổ phần đều đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu nhưng nguyên tắc hoạt động, tổ chức, cơ cấu của hai loại hình đấy khác nhau. Đưa ra dẫn chứng, thông qua hộp đen, doanh nghiệp lớn có thể giảm số lượng nhân công, thanh tra; dễ dàng quản lý hoạt động của các đầu phương tiện, giờ xuất bến, giờ đến bến, thời gian dừng xe... từ đó giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu suất khai thác. Tuy nhiên, với mô hình hợp tác xã, cổ phần chủ yếu là người lái xe, chủ xe thu lợi trực tiếp từ thực tế kinh doanh để đạt được hiệu quả cao nhất. Khi ra khỏi bến là xe chạy theo ý của chủ xe, nên thực sự là không quản lý, giám sát được. Chủ xe sẽ không điều hành vì nó chả đưa lại thiệt hơn gì cho hợp tác xã. Ông Liên cũng cho rằng, việc triển khai hệ thống quản lý xe  “online” không đem lại lợi ích mà theo luật bắt buộc nên phải lắp.   “Chỉ khi nào xảy ra tai nạn cơ quan điều tra họ yêu cầu hợp tác xã, doanh nghiệp cổ phần phải cung cấp tài liệu. Còn ngoài ra lắp thiết bị để theo dõi như mục tiêu đề ra thì không giải quyết được vấn đề nào,” ông Liên khẳng định. Đồng tình quan điểm đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nhận định: “Lắp đặt thì các chủ xe có thể lắp được, nhưng hợp tác xã làm thế nào để có cán bộ, trong khi thiết bị quản lý xe là của xã viên và người lao động. Chưa kể đến hiệu quả kinh tế của thiết bị đối với các doanh nghiệp nhỏ lẻ là không đáng kể.” “Thiết bị không chỉ lắp trên xe là xong, cái quan trọng là khai thác thông tin như thế nào, hệ thống vận hành ra sao. Đây là cả 1 vấn đề khoa học, phải đào tạo nhân viên để khai thác thông tin trên hộp đen. Những cái đó doanh nghiệp chưa có thời gian chuẩn bị. Nếu lắp trên xe không mà chưa khai thác được sẽ gây lãng phí,” ông Hùng chia sẻ. Nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực vận tải, việc quy định lắp từ 1/7/2011 là quá gấp, gây khó cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ về chi phí lắp đặt cũng như chi phí duy trì bộ máy điều hành. “Nếu không lùi thì Bộ phải có chỉ đạo các địa phương cấp giấy phép cho các doanh nghiệp đủ thời hạn 7 năm để tạo điều kiện kinh doanh, đồng thời cho nợ lại hợp đồng lắp GPS. Việc cấp phép tạm, không tạo sự yên tâm, ổn định cho doanh nghiệp,” ông Hùng kiến nghị. Xử phạt thông qua thiết bị Ông Cao Xuân Hồng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho rằng, việc lắp hộp đen sẽ tạo chuyển biến đáng kể trong ý thức chấp hành giao thông của tài xế. “Khi quy định lắp hộp đen có hiệu lực, ngành công an hoàn toàn có thể sử dụng những thông số trong hộp đen để “phạt nguội” các hành vi vi phạm,” ông Hồng cho hay. Theo ông Hùng, nếu cảnh sát giao thông cần cung cấp số liệu để có những kết luận chính xác nguyên nhân gây nên tai nạn giao thông thì thiết bị giám sát sẽ đáp ứng được những yêu cầu đó. Ông Đào Thanh Anh, Giám đốc Công ty Điện Tử Bình Anh, đơn vị chuyên sản xuất, lắp ráp thiết bị hộp đen đầu tiên được cấp giấy chứng nhận quy chuẩn hợp quy vào ngày 17/6, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể kiểm tra, xử lý vi phạm qua hộp đen thông qua các thông số quy chuẩn và thiết bị hệ thống máy chủ và bản đồ số được lắp đặt. “Hộp đen đã lưu giữ số liệu, hành trình của xe. Khi kiểm tra có nhiều cách như: cắm máy in di động, cắm máy tính vào lấy dữ liệu hay lấy dữ liệu trực tiếp từ doanh nghiệp qua máy chủ. Ngoài ra, khi thiết bị lỗi, hỏng hóc hoặc xảy ra sự cố khả năng lấy dữ liệu là rất cao và bằng nhiều con đường,” ông Thanh Anh cho hay. Ngoài ra, việc lắp thiết bị kiểm tra “online” cùng với các phụ kiện như camera hồng ngoại, cảm biến…trên xe  cũng giúp các đơn vị vận tải hành khách nâng cao chất lượng dịch vụ đồng thời hành khách có thể khiếu nại trực tiếp với doanh nghiệp thông qua hình ảnh và dữ liệu có trong thiết bị. Tuy nhiên, việc triển khai lắp đặt cũng đang gặp một số vướng mắc. Thông thường mỗi xe chỉ cài được một tốc độ tối đa và sẽ phát tín hiệu cảnh báo khi lái xe vượt tốc độ này. Ở Việt Nam, mỗi tuyến đường lại có một quy định tốc độ riêng biệt. Do đó, chức năng cảnh báo lái xe là rất khó thực hiện do thiết bị giám sát không thể cập nhật tốc độ quy định trên từng đoạn đường để cảnh báo lái xe. Hiện nay, lái xe liên tục quá 4 tiếng là vi phạm quy định nhưng lại chưa có tiêu chí trong việc kiểm soát lái xe chạy nhiều ca trong ngày, xuyên đêm... Bên cạnh đó, việc cơ quan chức năng nào sẽ được lấy thông tin từ hộp đen và lấy ở mức độ nào, thời gian và chất lượng kiểm định thiết bị... cũng khiến nhiều doanh nghiệp vận tải băn khoăn./.
Trước đó, ngày 27/6, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GTVT kiến nghị điều chỉnh hàng loạt các vấn đề liên quan đến việc lắp đặt hộp đen xe khách, như: lùi thời gian lắp đặt, cho phép tiếp tục sử dụng các hộp đen cũ và nâng số thời gian cấp phép kinh doanh tạm thời đến năm 2013.

Ông Nguyễn Văn Công, Chánh văn phòng Bộ Giao thông vận tải khẳng định, việc lắp đặt vẫn thực hiện theo quy định của Nghị định 91 là bắt đầu từ 1/7 các phương tiện vận tải thuộc diện phải lắp đặt GPS và Bộ sẽ không thay đổi hay lùi thời hạn này thêm nữa, vì nếu lùi thì không biết tới bao giờ mới thực hiện lắp được.

"Các phương tiện phải lắp hộp đen thì mới được cấp giấy phép kinh doanh, trường hợp không thể lắp được thì Bộ vẫn chỉ đạo cấp giấy phép kinh doanh tạm thời với điều kiện doanh nghiệp hoặc chủ phương tiện phải cam kết sẽ lắp trong 1 thời hạn nhất định không quá 6 tháng,” ông Công cho hay.
Mạnh Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục