Lộ trình sử dụng xăng E5 đang có nguy cơ “vỡ trận”

Lộ trình dùng xăng E5 vào cuối 2014 tại 7 tỉnh và vào cuối 2015 trên toàn quốc theo quyết định của Thủ tướng đang có nguy cơ “vỡ trận.”
Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống (xăng E5) vào tháng 12/2014 tại 7 tỉnh, thành phố trong cả nước và vào tháng 12/2015 trên toàn quốc theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg đang có nguy cơ “vỡ trận” khi các bên liên quan vẫn chưa đạt được sự đồng thuận cần thiết để xây dựng mạng lưới phân phối tiêu thụ sản phẩm cũng như chưa có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện lộ trình này theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Khó tiêu thụ nhiên liệu sinh học

Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học sáng 16/5 tại Hà Nội, Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Công Thương Nguyễn Phú Cường cho biết, do khó khăn về thị trường tiêu thụ trong nước, phần lớn các sản phẩm nhiên liệu sinh học của các nhà máy phải xuất khẩu với giá thấp, trong đó giá bán không đủ bù chi phí giá thành khi giá Ethanol thế giới xuống thấp còn giá nguyên liệu sắn trong nước đạt tiêu chuẩn sản xuất nhiên liệu sinh học lại tăng thêm 2.000 đồng/kg.

Hệ quả là không chỉ nhà đầu tư của cả bảy dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol E100 trên cả nước đang “méo mặt” khi các nhà máy hoạt động với công suất cầm chừng 20%, thậm chí phải ngừng sản xuất như Công ty cổ phần Đồng Xanh hay tính đường rút khỏi dự án như trường hợp của Itochu (Nhật Bản).

Chỉ ra nguyên nhân chủ yếu cản trở tiêu thụ nhiên liệu sinh học, ông Cường nhấn mạnh, ngoài sự tham gia tích cực của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Saigon Petro, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác chưa chủ động tích cực đầu tư phát triển mạng lưới phân phối khiến tốc độ phát triển mạng lưới phân phối chậm chạp, không đáp ứng được tốc độ phát triển của các dự án sản xuất nhiên liệu sinh học.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Sinh Khang chỉ rõ, hiện các chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với nhiên liệu sinh học đã ban hành mới chủ yếu khuyến khích sản xuất, còn chưa có cơ chế hỗ trợ với lĩnh vực phân phối, kinh doanh và phát triển vùng nguyên liệu.

Trong nhiều văn bản kiến nghị gửi Chính phủ và bộ ngành từ năm 2009 đến nay, PVN đã kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng “Ưu đãi đầu tư cho các dự án nhiên liệu sinh học,” “Cơ chế chính sách ưu đãi cho sản phẩm xăng pha cồn E5 của PVN,” “Chính sách ưu đãi cho kinh doanh sản phẩm xăng pha cồn E5”... nhưng chưa đề xuất nào được chấp thuận, ông Khang nhấn mạnh.

Thực tế triển hai cho thấy, hiện cả nước mới có PVN đầu tư 5 cơ sở pha chế xăng E5 tại Đình Vũ, Nhà Bè, Liên Chiểu, Vũng Tàu và 4 kho đầu mối phục vụ kinh doanh xăng E5. Hệ thống phân phối xăng E5 trên toàn quốc đã có 175 cửa hàng thuộc hệ thống của PV Oil/Petec (PVN), Saigon Petro thuộc 34 tỉnh/thành phố lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp chiếm thị phần kinh doanh xăng dầu lớn nhất cả nước (50%) là Petrolimex vẫn chưa có kế hoạch đầu tư.

Lý giải về sự chậm chễ này, đại diện Petrolimex cho biết tập đoàn đã quy hoạch lại toàn bộ kho xăng dầu để đảm bảo thực hiện đúng lộ trình của Chính phủ với việc bắt buộc áp dụng tiêu thụ xăng E5. Tuy nhiên, do gặp khó khăn lớn về tài chính khi kinh doanh xăng dầu bị lỗ trong khi nhu cầu vốn đầu tư cho các hệ thống phân phối sản phẩm E5 trên phạm vi toàn quốc là rất lớn, Petrolimex vẫn tiếp tục phải cân nhắc phương án đầu tư hiệu quả nhất để triển khai.

Ngoài ra, việc thiếu thông tin chính thức về nguồn cung nhiên liệu sinh học của cả nước cũng là lý do khiến Petrolimex chưa có quy hoạch cụ thể bố trí cho hệ thống kho bãi tồn chứa. Đặc biệt, việc vận chuyển nhiên liệu sinh học cũng đang là vấn đề “đau đầu” với tập đoàn bởi nếu vận chuyển hoàn toàn bằng đường bộ từ Quảng Ngãi ra Hà Nội thì chi phí vận chuyển rất cao; còn vận chuyển bằng tàu biển cũng rất khó do phải đầu tư phương tiện vận chuyển đặc thù để sản phẩm không bị phân lớp, đáp ứng yêu cầu chất lượng.

Không thể cứ khó lại điều chỉnh

Bộ Công Thương và các doanh nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học phải quyết tâm thực hiện Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg về thực hiện lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống. Không có lý do gì để mà cứ gặp khó khăn lại đề nghị điều chỉnh lộ trình bởi vấn đề an ninh năng lượng quốc gia, hiệu quả đầu tư, đời sống người trồng sắn... đều phụ thuộc cả vào việc thực hiện lộ trình phối trộn nhiên liệu này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang khẳng định.

Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị các bộ liên quan thực hiện tốt và đầy đủ trách nhiệm được giao, tăng cường phối hợp chặt chẽ, cùng chung tay tháo gỡ khó khăn để thực hiện đúng lộ trình. Về phía doanh nghiệp, PVN, Petrolimex và 11 đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu phải “ngồi lại” thảo luận trực tiếp với nhau để cùng tháo gỡ vướng mắc. Các đơn vị cũng cần khẩn trương lập kế hoạch cụ thể, chi tiết thực hiện Lộ trình phối trộn này và gửi về Bộ Công Thương trước ngày 5/6 tới đây.

Để tháo gỡ khó khăn về mặt cơ chế chính sách, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cũng yêu cầu Vụ Thị trường Trong nước - đơn vị đang được Chính phủ giao sửa đổi dự thảo Nghị định 84 về quản lý kinh doanh xăng dầu để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể kinh doanh xăng E5 thuận lợi.

Hiện mỗi tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng làm tổng đại lý cho một thương nhân đầu mối; đại lý chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho một tổng đại lý hoặc một thương nhân đầu mối. Điều này có nghĩa là, nếu Nghị định không sửa thì đại lý, cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang nhận xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối như Petrolimex sẽ không thể lấy xăng E5 của PV Oil để tiêu thụ, ông Quang chỉ rõ.

Đưa ra các giải pháp hình thành thị trường tiêu thụ sản phẩm xăng sinh học, đại diện PVN đã kiến nghị Chính phủ và Tài chính miễn thuế nhập khẩu thiết bị vật tư phục vụ tồn trữ, vận chuyển, pha chế, phân phối NLSH trong nước chưa sản xuất được; miễn giảm thuế môi môi trường với sản phẩm xăng pha cồn E5 vì đây là sản phẩm thân thiện môi trường cũng như giảm thuế VAT với xăng E5 đưa vào lưu thông.

Giải đáp các kiến nghị của doanh nghiệp, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Đến tháng 12/2012, Bộ Công Thương mới ban hành hệ thống quy chuẩn với xăng E5 nên Bộ Tài chính rất khó có được chính sách thuế phù hợp với sản phẩm mới này.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần sớm cung cấp danh mục các trang thiết bị phục vụ phối trộn, phân phối cần thiết cho tiêu thụ xăng E5 mà trong nước chưa sản xuất được để Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất chính sách miễn giảm thuế phù hợp, tạo thuận lợi và điều kiện kinh doanh bình đẳng với PVN và tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Trên thực tế, từ năm 2007 đến nay, Bộ Tài chính không nhận được lời đề nghị nào từ phía Bộ Công Thương và doanh nghiệp đối với danh mục sản phẩm nhập khẩu phục vụ sản xuất, pha chế, tồn chứa xăng sinh học, cồn Ethanol, đại diện Bộ Tài chính khẳng định.

Ngoài ra, nhằm thúc đẩy tiêu thụ nhiên liệu sinh học thuận lợi, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của sử dụng xăng E5 và nhiên liệu sinh học cần được lồng ghép vào Chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để mang lại hiệu ứng tốt nhất với xã hội, đồng thời tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học đang gặp khó khăn lớn về tài chính, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất./.

PV (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục