Loay hoay giấy chứng nhận an toàn thực phẩm

Bao giờ xong?

Bao giờ xong?

Ban đầu Thành phố Hồ Chí Minh cho hạn hết năm 2007 những cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ không được hoạt động. Sau đó  hạn chót này lại được lùi đến hết tháng 6/2008. Nhưng cho đến hết năm 2008, Thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ cấp giấy chứng nhận này cho hơn 26.120/46.800 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tại thành phố, tức hơn 50%.

Năm 2008, trên địa bàn Thành phố xảy ra hơn 20 vụ ngộ độc tập thể làm gần 1.620 người phải đi cấp cứu, đa số vụ xảy ra tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và một số ít xảy ra tại các trường học. Trong khi đó, số bếp ăn tập thể chưa được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là 73/185 bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp và 347/1.214 bếp ăn tập thể trường học.

Một điều lạ nữa là tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay còn 14/74 căng tin bệnh viện và 150/533 căng tin trường học cũng chưa được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trả lời câu hỏi, vì sao lại để tồn tại ngay trong bệnh viện và trường học những căng tin như thế, bác sĩ Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng theo quy chế ngành y tế chỉ có thể phạt những cơ sở đó, chứ không thể đóng cửa.

Với số hàng rong ước tính khoảng 30.000 cơ sở, chiếm gần 2/3 số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm ở Thành phố Hồ Chí Minh, tiến độ triển khai cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm còn chậm, do tuyến phường xã chưa mạnh dạn cấp giấy này cho hàng rong. Bản thân những cơ sở kinh doanh nhỏ này còn thiếu ý thức, hiểu biết, chưa tích cực cải thiện điều kiện sản xuất, kinh doanh để được cấp giấy chứng nhận.

Bác sĩ Lê Trường Giang cho rằng với hàng rong "càng làm càng khó", việc thống kê số lượng cũng đã khó. Chỉ có một cách quản lý hàng rong tốt nhất là lập khu thức ăn đường phố tập trung, cải tạo, đầu tư cho hợp vệ sinh.

Ông than thở: Chưa biết bao giờ mới có thể kết thúc việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, bởi đây là quá trình chuyển đổi từ chưa đủ điều kiện sang đủ điều kiện; trong khi đó với những cơ sở được cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cũng chưa có gì là đảm bảo, là những nơi đó tiếp tục đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bởi công tác hậu kiểm là rất quan trọng, nhưng "lực bất tòng tâm", không có đủ nguồn nhân lực thực hiện.

Nhiều dư lượng hóa chất trong rau, quả

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Thành phố Hồ Chí Minh, 80% - tức khoảng 16.000 tấn rau, củ, quả hàng ngày từ các tỉnh nhập về Thành phố Hồ Chí Minh rất khó kiểm soát dư lượng hóa chất.

Năm 2008 đã kiểm tra trên 3.000 mẫu rau, củ, quả tại các chợ đầu mối thì có khoảng 5 đến 6% số mẫu có nhiễm thuốc trừ sâu, nhưng không xử phạt được, vì không có định lượng (bởi đây là kết quả test nhanh, chứ không phải phân tích định lượng tại các trung tâm xét nghiệm).

Với trái cây ngoại nhập cũng rất khó khăn. Tuy Bộ Nông nghiệp, Phát triển và Nông thôn đã ban hành danh mục những hóa chất không được sử dụng trong bảo quản rau, củ, quả.

Mới đây Chi cục Bảo vệ thực vật Thành phố Hồ Chí Minh cũng tìm hóa chất bảo quản độc hại trong một số mẫu trái cây ngoại nhập, nhưng sau một tháng cũng không có kết quả, vì không biết người ta dùng hóa chất gì để có chỉ định cho trung tâm xét nghiệm tìm hóa chất đó.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật, hiện nay 98% số hộ sản xuất rau, củ ở Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận thức được thời gian cách ly cần thiết sau khi phun thuốc trừ sâu, nên có thể tạm yên tâm, nhưng với lượng 80% rau nhập từ các tỉnh thì rất khó kiểm soát./.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục