Lôi Báo của Victor Vũ: "Siêu anh hùng Việt" giữa giấc mơ và thực tại

Những từ “giá như...” dành cho bộ phim thể hiện sự tiếc nuối, khi dù chỉn chu và có ý tưởng mới lạ, “Lôi Báo” vẫn chưa thể là một bước đột phá như nhiều người từng trông đợi.
Lôi Báo của Victor Vũ: "Siêu anh hùng Việt" giữa giấc mơ và thực tại ảnh 1Lôi Báo gây ấn tượng ở cảnh hành động

Trong làng điện ảnh Việt Nam hiện tại, cái tên Victor Vũ là một thương hiệu. Hiếm có đạo diễn nào có thể thực hiện nhiều thể loại mà vẫn bảo đảm được chất lượng và sự chỉn chu như anh. Sau khi đem tới tác phẩm từ từ kinh dị (Quả tim máu), kiếm hiệp (Thiên mệnh anh hùng), ly kỳ (Scandal) cho tới hài (Cô dâu đại chiến)... 

Lần này, Victor Vũ tiếp tục thử sức với một thể loại còn khá mới mẻ ở Việt Nam: phim siêu anh hùng. Tác phẩm mới nhất của anh lấy đề tài này mang tên “Lôi Báo” tiếp tục cho thấy sự chỉn chu và chất lượng hơn so với mặt bằng chung phim Việt, song vẫn tồn tại những điểm trừ để thực sự tạo được cú bứt phá ngoạn mục.

Nhân vật chính của “Lôi Báo” là Tâm (Cường Seven thủ vai) - một anh chàng họa sĩ sống cuộc đời bình yên bên người vợ Linh (Nhã Phương) và cậu con trai bụ bẫm Bù. Khi đang thực hiện dự án truyện tranh về người hùng “Lôi Báo” mà anh đã ấp ủ từ lâu, Tâm chợt nhận hung tin rằng mình bị ung thư phổi và không còn sống được bao lâu. Anh lâm vào tình cảnh bế tắc, bất chấp sự động viên từ Linh và người bạn già là ông Mã (Hoàng Sơn).

Khi Tâm tưởng như đã không còn đường sống thì một biến cố bất ngờ xảy ra khi anh và ông Mã chứng kiến một cuộc thanh toán băng đảng trong rừng. Vụ đọ súng dẫn tới cái chết của một thanh niên bí ẩn, và ông Mã quyết định thực hiện ca phẫu thuật liều lĩnh: lắp đầu của Tâm vào thân xác của người vừa mới mất. Đây là thành quả nghiên cứu sau hàng chục năm của ông Mã và là lý do ông phải sống ẩn dật với tư cách một người nông dân.

Tâm không những bình phục mà còn sở hữu sức khỏe vượt trội hơn người. Khả năng mới khiến Tâm thích thú và luôn ra tay hành hiệp trượng nghĩa khi có cơ hội, bất chấp lời căn dặn từ ông Mã và vợ. Cùng với sức mạnh, Tâm cũng bắt đầu có những ký ức về người phụ nữ xinh đẹp tên Tuệ (Vũ Ngọc Anh). Anh dần phát hiện ra thân xác mình mà mình đang sử dụng có quá khứ đen tối, dính líu tới một băng đảng do ông trùm (Chánh Tín) đứng sau...

Motif của “Lôi Báo” đúng chuẩn công thức về nhiều bộ phim anh hùng của Hollywood: nhân vật chính có được siêu năng lực từ một biến cố và dần thấy nó thay đổi cuộc sống của mình. Tuy nhiên, bộ phim lại có hướng đi khác biệt hơn khi thay vì tìm cách giải cứu thế giới như nhiều người hùng Mỹ, anh chàng “Lôi Báo” Tâm lại chỉ dừng lại trong phạm vi Đà Lạt mà anh sinh sống. 

[Các đạo diễn đau đầu khi đại dịch dao kéo tràn qua màn ảnh Việt]

Bối cảnh Đà Lạt được lựa chọn thông minh không chỉ vì thời tiết lạnh quanh năm giúp nhân vật chính có thể mặc áo cổ lọ che đi vết sẹo phẫu thuật mà còn vì quy mô nhỏ của thành phố xinh đẹp này. Tâm ra tay giải quyết những biến cố vừa phải không đem lại cảm giác “quá tầm” so với một siêu anh hùng Việt Nam, đúng như biệt hiệu “anh hùng thị xã” mà người dân gọi anh.

Những con đường quanh co, rừng cây vắng lặng hay mặt hồ xanh yên bình... của Đà Lạt được khai thác triệt để qua ống kính máy quay của Nguyễn K’Linh. Hình ảnh là một điểm cộng của phim, không chỉ về mặt bối cảnh. Xem phim, khán giả được thưởng thức các màn leo trèo, rượt đuổi mang phong cách parkour ấn tượng từ Tâm. 

Với sự giúp sức của chuyên gia Vincent Wang từng tham gia thực hiện các bom tấn nước ngoài như “Doctor Strange” hay “Now You See Me 2”, các pha hành động cận chiến của “Lôi Báo” đáng thưởng thức hơn so với nhiều bộ phim Việt khác. Cách ra đòn của các nhân vật đẹp, dứt khoát và được hỗ trợ bởi nhiều góc máy được đặt kỳ công. Xét về khoản đánh đấm, hai nhân vật nổi bật nhất là Tâm và đối trọng của anh ở phe ác là Lực (Quách Ngọc Ngoan). 

Dù có phần bị lạm dụng slow-motion một cách không cần thiết, các cảnh hành động có thể xem là một điểm sáng của tác phẩm. Điều đáng tiếc là phim có hơi ít các cảnh hành động, và ngay cả trường đoạn cuối đáng ra phải là hấp dẫn nhất thì vẫn để lại cảm giác thòm thèm, chưa “đã.”

Lôi Báo của Victor Vũ: "Siêu anh hùng Việt" giữa giấc mơ và thực tại ảnh 2Cường Seven và Nhã Phương chưa phải là một cặp đôi đẹp trên màn ảnh

Việc thiếu cảm xúc cao trào cũng là điểm trừ lớn nhất của “Lôi Báo”, khi tổng thể cả phim được đánh giá là tử tế nhưng vẫn không tạo được cảm giác thực sự thỏa mãn với người xem. Ngay cả cú twist mang thương hiệu của Victor Vũ cũng không mang tới nhiều sự bất ngờ như nhiều bộ phim trước đó của anh. 

Một số tình tiết đáng lẽ ra có thể khai thác tốt hơn, như mối quan hệ gia đình của Tâm hay giằng xé tâm lý của anh khi phải chọn giữa năng lực mới và gia đình... lại chưa mang đến sự trọn vẹn, do hạn chế từ kịch bản hoặc diễn xuất. 

Nam chính Cường Seven có sự cố gắng cho vai diễn điện ảnh quan trọng, song việc thuyết phục khán giả “cảm” được nhân vật của anh dường như là một yêu cầu quá cao so với khả năng diễn xuất. Anh có thể khóc, thể hiện sự tức giận hay đau buồn khi bị dồn nén cảm xúc, nhưng vẫn không khiến người xem có thể đồng cảm với anh xuyên suốt hành trình phim. 

Tương tự là Vũ Ngọc Anh, khi mỹ nhân này gây ấn tượng về phần “nhìn” nhưng đài từ lại chưa được tốt. Diễn xuất tròn vai nhất là nghệ sĩ Hoàng Sơn và Nhã Phương, nhưng họ lại không phải những người đóng vai chính trong “Lôi Báo.”

Nhìn nhận một cách tổng thể, “Lôi Báo” là một bộ phim chỉn chu, với sự đầu tư lớn về mặt hình ảnh, âm thanh và bản thân câu chuyện cũng có những nét mới. Thay vì mặc một chiếc áo quá tầm như cho Lôi Báo đi trừ gian diệt bạo ở nơi nào khác, đạo diễn Victor Vũ lại chọn để anh giải quyết những tai nạn mà anh vô tình gặp trên đường và giải cứu gia đình trước sự đe dọa của kẻ xấu. Tâm không sử dụng năng lực để đại diện cho công lý mà chỉ tìm cách bảo vệ gia đình, một yếu tố sẽ khiến khán giả cảm thấy “đời” và gần gũi với văn hóa Á Đông. 

Tuy nhiên, quá trình diễn biến tâm lý nhân vật và sự sắp đặt khiến nhiều tình tiết trong phim diễn ra quá nhanh đã khiến bộ phim trôi tuột theo thời gian mà không có điểm nhấn nào đáng chú ý. Nhịp độ nhanh, không đọng lại nhiều cảm xúc khiến chất lượng của “Lôi Báo” cũng chỉ dừng ở mức lưng chừng như chính cảm xúc của người xem. 

Những từ “giá như...” dành cho bộ phim thể hiện sự tiếc nuối, khi dù chỉn chu và có ý tưởng mới lạ, “Lôi Báo” vẫn chưa thể là một bước đột phá như nhiều người từng trông đợi.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục