Lối đi quyền lực âm thầm của Trung Quốc tại Liên hợp quốc

Trung Quốc đang âm thầm mở một lối đi riêng tại Liên hợp quốc, nơi họ từng bước trở thành một trong những thành viên có nhiều ảnh hưởng nhất.
Lối đi quyền lực âm thầm của Trung Quốc tại Liên hợp quốc ảnh 1Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Mã Triều Húc (giữa) bỏ phiếu thông qua nghị quyết 2401 tại cuộc họp ở New York ngày 24/2. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo AFP, Trung Quốc đang âm thầm mở một lối đi riêng tại Liên hợp quốc, nơi họ từng bước trở thành một trong những thành viên có nhiều ảnh hưởng nhất.

Tại Hội đồng Bảo an, nơi Trung Quốc nắm giữ 1 trong 5 ghế thành viên thường trực có quyền phủ quyết, những tuyên bố của quốc gia này thường mang tính ôn hòa, viện dẫn những nội dung cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc như chủ quyền dân tộc và nguyên tắc không can thiệp.

Một nhà ngoại giao châu Âu nói: “Theo cách diễn giải của họ, dân chủ, cũng như nhân quyền, là điều không mang tính bắt buộc.” 

Tuy nhiên, trong các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình hay trong các công việc về hành pháp tại trụ sở của Liên hợp quốc tại New York, Bắc Kinh đang ngày càng thể hiện rõ sự hiện diện của mình.

Hơn 2.500 sỹ quan quân đội Trung Quốc đang tham gia các phái đoàn gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Libya, Mali, Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan.

Một nhà ngoại giao cho biết Trung Quốc cũng “gia tăng đáng kể” các đóng góp tài chính cho cơ quan quốc tế này trong khi nước Mỹ dưới thời Trump lại lựa chọn hướng đi ngược lại.

Nhà ngoại giao này cũng cho rằng các khoản hỗ trợ và việc tham gia nhiệm vụ của Liên hợp quốc cho phép Trung Quốc có thêm “ảnh hưởng,” tạo lực đẩy cho các ứng cử viên của nước này khi tranh cử các vị trí cấp cao.

Đồng thời việc Trung Quốc nắm giữ nhiều vai trò tại Liên hợp quốc lại chính là nguồn cung cấp “thông tin và giúp họ gây dựng ảnh hưởng.”

Một quan chức khác, đề nghị giấu tên, nói: “Trung Quốc đang giành quyền ở Liên hợp quốc.”

[Đánh mất vai trò trong xử lý các thách thức, Liên hợp quốc đã lạc hậu?]

Trong năm 2017 và 2018, người khổng lồ châu Á với ảnh hưởng kinh tế đang mở rộng tại cả châu Phi và nhiều khu vực khác, đã đóng vai trò quan trọng trong 2 cuộc khủng hoảng quốc tế lớn là Triều Tiên và Myanmar.

Với áp lực từ Mỹ, Bắc Kinh đã áp đặt các đòn trừng phạt chưa từng có tiền lệ đối với Bình Nhưỡng.

Có ý kiến cho rằng nguyên nhân sâu xa dẫn tới hành động này của Trung Quốc là việc Bắc Kinh kỳ vọng một hiệp ước phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên sẽ giúp dẫn tới kết quả là Mỹ chấm dứt hoạt động đồn trú khoảng 30.000 binh sỹ tại Hàn Quốc, một chiến lược mà Trung Quốc âm thầm thúc đẩy trong khu vực.

Trong khi đó, Trung Quốc xem cuộc khủng hoảng về cộng đồng người Hồi giáo Rohingya thiểu số tại Myanmar là vấn đề song phương giữa Myanmar và Bangladesh, và đã thành công trong việc ngăn Hội đồng Bảo an có hành động can thiệp mạnh mẽ.

Các nhà ngoại giao châu Âu lưu ý rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc tại Liên hợp quốc diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh và Moskva đã không còn mặc định dành cho nhau những sự ủng hộ mang tính có đi có lại.

Trong khi Moskva nhiều lần sử dụng quyền phủ quyết thì Trung Quốc sẵn sàng để phiếu trống.

Ngay cả trong những trường hợp không quá nghiêm trọng, chẳng hạn như về nội dung văn bản đàm phán giữa 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an ở cấp chuyên gia, một quan chức từ chối cho biết tên nói rằng Trung Quốc “cũng hiện diện trong mọi chủ đề” liên quan.

Lấy ví dụ, Bắc Kinh đang tìm cách trở thành nước soạn thảo nội dung viết về Afghanistan, nước sẽ thay thế Hà Lan vào ngày 1/1/2019 để trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an.

Phần lớn các nghị quyết của Liên hợp quốc từ trước tới nay đều do Mỹ, Anh hoặc Pháp soạn thảo - một quy định bất thành văn phản ánh trật tự thế giới cũ. Hiếm khi Trung Quốc, cũng như Nga, giữ vai trò này và Trung Quốc trước đây chỉ mới soạn thảo nội dung về Somalia.

Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc sẽ tiến xa tới đâu? Một số người cho rằng tất cả mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Một nguồn tin ngoại giao nhận định: “Đối với Trung Quốc, trật tự thế giới đa cực chỉ là một điểm dừng trên tuyến tàu ngầm.”

Trong tham vọng của Bắc Kinh, đó phải là nhóm G-2 - gồm Trung Quốc và Mỹ, và cuối cùng là chỉ còn Trung Quốc nắm quyền lực tối cao. Một nhà ngoại giao khác nói: “Họ là những đấu sỹ dài hơi. Họ không muốn tạo ra những náo loạn.” 

Trong khi đó, phát biểu tại sự kiện của một viện nghiên cứu chính sách hồi tuần trước, Ngoại trưởng Vương Nghị đã phủ nhận những lo ngại rằng Trung Quốc đang tìm cách thế chỗ Mỹ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới.

Ông khẳng định những bình luận về tham vọng của Trung Quốc đối với quyền bá chủ là “một đánh giá chiến lược sai lầm cực kỳ nghiêm trọng”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục