Lợi dụng trợ cấp COVID-19, hacker tung 'chiêu độc' lừa đảo người dùng

Các chuyên gia công nghệ thông tin khuyến cáo, khi nhận được email lạ người dùng không bấm vào bất kỳ liên kết nào và xóa email lạ khỏi máy tính, diện thoại ngay lập tức.
Lợi dụng trợ cấp COVID-19, hacker tung 'chiêu độc' lừa đảo người dùng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, Nhà nước đang có nhiều chính sách hỗ trợ để giảm bớt phần nào khó khăn cho người dân. Lợi dụng điều này, các đối tượng xấu đã thực hiện nhiều hành vi lừa đảo, trục lợi qua không gian mạng.

Nhiều hình thức lừa đảo

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thông tin thời gian gần đây xuất hiện đối tượng lừa đảo mạo danh ngân hàng gửi email thông báo cung cấp gói hỗ trợ COVID-19.

Để thực hiện hành vi phạm tội, kẻ gian yêu cầu khách hàng truy cập đường link để nhận gói hỗ trợ. Tuy nhiên, đường link dẫn tới website giả mạo trang đăng nhập dịch vụ ngân hàng điện tử, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin dịch vụ để chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Trong khi đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã có cảnh báo khách hàng về các chiêu thức lừa đảo trợ cấp COVID-19. Theo đó, các đối tượng giả mạo email của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với nội dung “Công đoàn hỗ trợ tiền mặt cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19” và đề nghị toàn thể cán bộ, nhân viên trong doanh nghiệp điền đầy đủ thông tin theo đường link có sẵn.

[Nhiều tài khoản bị ‘bốc hơi," ngân hàng liên tục đưa ra cảnh báo]

Theo VPBank, kẻ gian còn giả mạo tin nhắn và website của Bộ Y tế với nội dung hướng dẫn hoàn tất thủ tục đăng ký xin trợ cấp kèm theo đường link dẫn đến website có giao diện giống website của Bộ này. Tại đây, ở thao tác bấm thủ tục “đăng ký xin trợ cấp,” người dùng sẽ cần cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng (username, password, OTP)… Nếu người dùng làm theo hướng dẫn, kẻ gian sẽ đánh cắp toàn bộ thông tin nhằm chiếm đoạt tài sản.

Một hình thức khác được kẻ gian đưa ra là yêu cầu khách hàng cung cấp giấy tờ tùy thân để nhận tiền hỗ trợ ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, số giấy tờ này sẽ được kẻ gian dùng để làm hợp đồng tín dụng/vay tiền của các Công ty tài chính. Đối tượng mà kẻ gian thường nhắm tới là những người có hoàn cảnh khó khăn, người lao động bị mất việc làm trong mùa dịch… ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa… nơi không có điều kiện tiếp cận thông tin kịp thời.

Lợi dụng trợ cấp COVID-19, hacker tung 'chiêu độc' lừa đảo người dùng ảnh 2Tin nhắn lừa đảo đăng ký trợ cấp.

Trong tình huống này, kẻ gian thuyết phục khách hàng cung cấp giấy tờ tùy thân cùng các thông tin cá nhân khác, thậm chí đề nghị khách hàng gửi video ghi hình lại gương mặt để hỗ trợ nhận tiền trợ cấp. Khi có được những dữ liệu này, đối tượng sẽ tiến hành thực hiện hồ sơ vay vốn tại các công ty tài chính hoặc các tổ chức tín dụng nhằm chiếm đoạt số tiền giải ngân nếu hồ sơ được duyệt.

Nếu thành công, kẻ gian đã biến các nạn nhân thành “con nợ” và chiếm đoạt tiền của các công ty tài chính. Chưa hết, trong thời gian giãn cách xã hội, để hạn chế lây lan của dịch COVID-19, các hình thức kinh doanh online nở rộ, đã tạo điều kiện cho các đối tượng phạm tội lợi dụng nhiều hình thức mua bán hàng để lừa đảo, chiếm dụng tiền của khách hàng.

Cách ngăn chặn e-mail lừa đảo

Lãnh đạo Vietcombank cho biết không bao giờ liên hệ với khách hàng để yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ dưới mọi hình thức. Vì vậy, các yêu cầu cung cấp thông tin định danh, mật khẩu, mã xác thực OTP (nếu có) đều là giả mạo, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin khi nhận được các yêu cầu này.

“Nếu nhận được yêu cầu cung cấp thông tin theo hình thức như trên, khách hàng vui lòng thông báo cho chúng tôi thông qua điểm giao dịch Vietcombank gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại 1900 545413 để được hỗ trợ kịp thời,” lãnh đạo Vietcombank khuyến cáo.

Còn theo đại diện VPBank, người dân khi nhận được thông báo hỗ trợ từ các tin nhắn, cần phải đặc biết chú ý địa chỉ website của các cơ quan Nhà nước thường có đuôi .gov.vn. Hiện tại, quý khách hàng gặp khó khăn do COVID-19 có thể làm thủ tục trên Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ https://ncovi.dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-ncovid-danh-sach-dich-vu-cong.html để được xem xét hỗ trợ.

Lợi dụng trợ cấp COVID-19, hacker tung 'chiêu độc' lừa đảo người dùng ảnh 3Email giả mạo gửi đến công đoàn cơ sở một doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Các chuyên gia công nghệ thông tin cũng khuyến cáo, khi nhận được email lạ người dùng không bấm vào bất kỳ liên kết nào, không mở tệp đính kèm, không mở rộng bất kỳ hình ảnh nào cũng như không trả lời người gửi. Cùng với đó là xóa email lạ khỏi máy tính, điện thoại ngay lập tức.

Tuyệt đối không cung cấp giấy tờ tùy thân, ảnh chụp, video clip quay cận cảnh khuôn mặt, tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là công an, cán bộ tòa án, Bộ Y tế, nhân viên ngân hàng... đồng thời không chia sẻ các thông tin này lên mạng xã hội.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu rõ: “Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân có các hành vi lợi dụng việc hỗ trợ để trục lợi. Nếu có hành vi vi phạm, căn cứ tính chất, mức độ vi phạm sẽ phải bồi thường và xem xét xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.”

Do đó, đoàn viên, người lao động, công đoàn cơ sở nếu nhận được email giả mạo cần báo cáo với công đoàn cấp trên để phối hợp xử lý. Các cấp công đoàn cần tăng cường thông tin chính thống về chính sách hỗ trợ; rà soát số đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 để thực hiện hỗ trợ theo chủ trương có trong Quyết định  số 2606/QĐ-TLĐ ngày 19/5/2021 của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ ngày 27/4.

Trong khi đó, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cũng cảnh báo một số trang web đã lợi dụng tâm lý lo lắng về sức khỏe của người dân để giả mạo thông tin xin trợ cấp tiêm chủng vaccine COVID-19 và lừa tiền cứu trợ.

Trung tâm NCSC đề nghị người dùng internet khi phát hiện hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo trực tuyến, có thể chủ động thông báo, cảnh báo cho Trung tâm NCSC tại địa chỉ: https://canhbao.ncsc.gov.vn. 

Bộ Y tế khẳng định Cổng thông tin điện tử của cơ quan này chỉ tồn tại duy nhất tại địa chỉ: https://www.moh.gov.vn. 

Bộ này khuyến nghị người dùng Internet Việt Nam cần nâng cao cảnh giác, đề phòng cao độ để bảo vệ mình và người thân trước những nguy cơ lừa đảo, một số thủ đoạn lừa đảo mới trên không gian mạng như giả mạo thông tin của tổ chức y tế, giả mạo trang web liên quan đến COVID-19, lừa đảo liên quan đến nhu yếu phẩm thiết yếu bán lẻ, hoạt động từ thiện, đầu tư./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục