Lời hịch của vị Tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp

Trung tướng Phạm Hồng Cư, đại diện tiêu biểu hiếm hoi của “thế hệ lời thề Độc lập” còn mạnh khỏe, hồi tưởng về vị Đại tướng huyền thoại.
Có giọt nước khẽ lăn từ khóe mắt giữa một sáng Thu trong lành và ấm nắng khi tôi kết thúc cuộc trò chuyện và rời khỏi nhà Trung tướng Phạm Hồng Cư, sau hồi nghe những chia sẻ xúc động về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người cấp trên và cũng là anh em đồng hao của ông.
Đôi mắt rưng rưng từ “thế hệ lời thề Độc lập” mà ông là đại diện tiêu biểu hiếm hoi còn lại mạnh khỏe với đời sau khi người “anh Cả” Võ Nguyên Giáp ra đi, đã nhắn nhủ những lời như rút ruột mà đầy hào sảng với phóng viên Vietnam+.Lời hịch của vị Tướng huyền thoại- Thưa Trung tướng Phạm Hồng Cư, dù sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không đột ngột nhưng cũng làm cả nước khóc thương. Vậy, nguyên là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, lại từng gắn bó với Võ Đại tướng cả trong quân đội lẫn đời thường ông có thể chia sẻ điều gì sâu sắc về Người?
Trung tướng Phạm Hồng Cư:
Với tư cách cấp dưới nhận lệnh một cấp trên như Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tuyệt đối thiêng liêng. Lệnh của Đại tướng hay lắm, toàn những lệnh đọc lên nghe chảy nước mắt.
Có hai lần nhận lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khiến tôi xúc động nhất. Lần thứ nhất trong chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông năm 1947. Khi ấy, giặc Pháp tung 10 vạn quân với hai gọng kìm định tiêu diệt Chính phủ Hồ Chí Minh và kết thúc cuộc kháng chiến theo phương thức “tốc chiến tốc quyết” của họ. Ngày 7/10, giặc Pháp nhảy dù Bắc Kạn. Trong khi đó, tiểu đoàn của tôi là một bộ phận quyết tử quân của Hà Nội được lệnh rút ra sớm và hành quân cấp tốc lên Việt Bắc, trấn ngự ở bến Bình Ca trên Sông Lô bảo vệ cửa ngõ phía Tây của an toàn khu phía Bắc. Trưa hôm đó, có một sỹ quan liên lạc của Bộ Tổng tham mưu đi ngựa đến nơi, đứng ở bìa rừng gọi rất to: “Chính trị viên Hồng Cư, Tiểu đoàn trưởng Vũ Phương ra nhận lệnh.” Chúng tôi đứng nghiêm nhận mệnh lệnh từ người sỹ quan liên lạc, mở ra thấy một bức thư viết tay, dưới ký chữ Văn (bí danh hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời đó), nội dung có đúng một câu: “Tiểu đoàn 42 [giờ là Tiểu đoàn 7, Trung đoàn Thủ đô-PV], sống chết với con đường Bình Ca Thái Nguyên.”
[Vị Đại tướng và bữa cơm cùng hai quả trứng luộc]
Mệnh lệnh đọc lên nghe như một lời hịch của Tổ quốc giao nhiệm vụ cho chúng tôi sống chết với con đường Bình Ca chứ không phải là một mệnh lệnh quân sự. Ngay sau đó, tôi phân công Tiểu đoàn trưởng Vũ Phương đi kiểm tra các trận địa còn tôi đi gặp các chiến sỹ bộ đội. Và, có một cảnh tượng cho đến giờ nhớ lại tôi vẫn còn xúc động. Thấy anh em nằm la liệt, đắp chăn run bần bật vì bị sốt rét nhưng nghe tôi báo có mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà khi đó mới là Tổng chỉ huy thì tất cả anh em tung chăn đứng bật dậy.

Lời hịch của vị Tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp ảnh 1
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng Lãnh tụ Cuba Fidel Castro huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ,” nhân chuyến thăm của Fidel Castro đến Việt Nam, tháng 9/1973. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Đọc xong lệnh, một cảnh tượng khiến tôi vô cùng cảm động là anh em vừa cầm chắc tay súng vừa run lẩy bẩy. Chờ suốt đêm hôm ấy cho tới hai ngày hôm sau thì địch đổ bộ và chúng tôi đã lập được công. Sau đó, tiểu đoàn tôi được Đại tướng viết thư khen. Về sau, nhà thơ Chính Hữu biết chuyện đến thăm chúng tôi, chứng kiến cảnh tượng các chiến sỹ bộ đội cụ Hồ như vậy đã viết ra những câu thơ nói về tiểu đoàn chúng tôi: “Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh/ Sốt run người vầng trán đẫm mồ hôi/ Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá/ Miệng cười buốt giá/ Chân không giày/ Thương nhau tay nắm lấy bàn tay/ Đêm nay rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo...” Lần thứ hai là mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận. Giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng” nhận ngày 7/4/1975, cũng khiến tôi và anh em xúc động dâng trào khí thế. Khi ấy tôi là phái viên của Tổng Cục chính trị đi với Quân đoàn 2, thành lập cánh quân duyên hải do Tư lệnh Lê Trọng Tấn và Chính ủy Lê Quang Hòa làm Bí thư Đảng ủy. Nhận được mệnh lệnh đúng lúc đang trên đường tiến quân vào Sài Gòn, cả đoàn dừng lại hoan hô Đại tướng và hừng hực khí thế tiến công. Hai mệnh lệnh trực tiếp của Đại tướng mà chúng tôi nhận như hai lời hịch của Tổ quốc!
Lời hịch của vị Tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp ảnh 2
Đại tướng với cháu tại tư gia. (Ảnh: Trần Định)
Niềm tự hào Việt Nam
- Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim ông là người thế nào, thưa Trung tướng?
Trung tướng Phạm Hồng Cư: Đối với tôi, vừa là người đã từng giúp việc cho Đại tướng nhưng đồng thời cũng là người nhà trong đại gia đình Đại tướng. Bà Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng là chị gái của vợ tôi. Tôi thực sự quý trọng “anh Cả.” Vì Đại tướng không phải người của riêng gia đình mà là người của toàn quân. Võ Nguyên Giáp là vị danh tướng của thời đại Hồ Chí Minh, là người của dân tộc. Ông cũng là một trong những danh tướng của mọi thời đại và khi đó lại là người của thế giới. Đại tướng không chỉ là thiên tài quân sự mà điều tôi cảm nhận sâu sắc nhất ở con người này, Đại tướng là một người đức độ, đạo đức theo đúng tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ từng dạy Đại tướng thời kỳ ở Pắc Pó và lúc giao nhiệm vụ có nói với Đại tướng rằng: “Chú Văn à, làm cách mạng phải ‘dĩ công vi thượng’ (đặt lợi ích của dân, của Tổ quốc lên trên hết).” Sau này, Đại tướng có nói với tôi: “Bác chỉ dặn mình có mấy chữ như thế thôi mà mình nhớ suốt đời và làm theo lời Bác.” Bác cũng dạy cho Đại tướng sáu chữ “trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung” thì Đại tướng hoàn toàn là con Người như thế. Đó cũng là cảm nhận và ấn tượng của tôi về Đại tướng. - Theo Trung tướng, tài sản quý giá nhất mà một vị tướng quân như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại cho dân tộc Việt Nam là gì?
Trung tướng Phạm Hồng Cư:
Tài sản quý giá nhất mà Đại tướng để lại là đã góp công lớn cùng với toàn dân đánh thắng hai đế quốc lớn. Dưới sự chỉ huy của Đại tướng thì tư tưởng Hồ Chí Minh được thực hiện cụ thể hóa và đặc biệt ông đã làm nên một huyền thoại của thế kỷ XX, là một dân tộc nhỏ đã đánh thắng hai đế quốc lớn.
- Vâng, vừa là người giúp việc thân cận lại vừa là người thân gần gũi trong gia đình, Trung tướng đã học hỏi được gì cho sự nghiêp của mình từ người “anh Cả” Võ Nguyên Giáp?
Trung tướng Phạm Hồng Cư:
Tôi phải nói ngay đó là trí và dũng. Điều này thể hiện nhất trong trận Điện Biên Phủ. Đại tướng xuất phát từ thực tiễn, phân tích tình hình thực tiễn, rút ra quy luật và hành động đúng quy luật cho nên thắng lợi chứ nếu giáo điều máy móc theo kinh nghiệm của Trung Quốc là sẽ thất bại.
Đại tướng vốn không phải là nhà quân sự chuyên nghiệp mà xuất thân từ một nhà giáo, nhà báo và do được Bác Hồ giao nhiệm vụ, lại tích lũy kinh nghiệm quân sự của thế giới, đặc biệt là phát triển nghệ thuật quân sự của ông cha mà đã đi đến những quyết định thành công. Quyết định ấy với chúng tôi, những cựu chiến binh của trận chiến Điện Biên Phủ rất biết ơn. Vì nếu Đại tướng không thay đổi cách đánh mà vẫn tiết kiệm được xương máu quân sỹ thì tôi đã nằm lại cánh đồng Mường Thanh chứ đâu còn được ngồi đây trò chuyện với bạn thế này. Lòng nhân của Đại tướng thì tuyệt vời. Ông Thượng tướng Trần Văn Trà đã có lần nói rằng Đại tướng là “tư lệnh của các tư lệnh, chính ủy của các chính ủy nhưng biết tiếc thương từng giọt máu của chiến sỹ.” Tôi xin khẳng định lại một lần nữa, “trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung” chính là con người của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Lời hịch của vị Tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp ảnh 3
         Đại tướng trở lại chiến trường xưa nhân kỷ niệm nửa thế kỷ chiến thắng Điện Biên Phủ. (Ảnh: Trần Định) Lời nhắn từ thế hệ "lời thề Độc lập"
- Những ngày qua, sự ra đi của Đại tướng khiến không chỉ nhân dân cả nước và thế giới tiếc thương vô hạn mà thế hệ trẻ hậu sinh cũng bày tỏ những tình cảm tôn kính dành cho “huyền thoại quân sự” của dân tộc. Nhiều người trẻ đã đứng lặng người và khóc trước cửa nhà số 30 của Đại tướng. Vậy, Trung tướng có điều gì muốn nhắn nhủ tới thế hệ trẻ Việt Nam?
Trung tướng Phạm Hồng Cư: Điều nhắn nhủ không phải là nhắn nhủ của riêng tôi mà đây là lời nhắn của một thế hệ, thế hệ của một lời thề, thế hệ của lời thề Độc lập. Thế hệ chúng tôi lớn lên đã được Bác Hồ dìu dắt và đã giơ tay thề Độc lập trong ngày 2/9/1945 [nói đến đây, mắt rưng rưng Trung tướng Phạm Hồng Cư giơ bàn tay nắm chặt lên như một lời tuyên thệ-PV]. Thế rồi khi giặc Pháp và giặc Mỹ đến xâm lược nước ta một lần nữa thì chúng tôi thực hiện lời thề ấy qua hai cuộc kháng chiến, 30 năm, 10.000 ngày và đến ngày 30/4/1975 thì hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc. Bây giờ, thế hệ của lời thề Độc lập ấy nhắn lại với thế hệ của thời đổi mới và thời phát triển là nếu thế hệ chúng tôi cùng với toàn dân xóa cái nhục mất nước thì thế hệ này phải xóa cái nhục nghèo nàn và lạc hậu, đưa đất nước phát triển ngang hàng với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn. Rời khỏi căn nhà có giàn hoa tigôn rủ tràn bức tường vôi cũ kỹ của Trung tướng Phạm Hồng Cư, tôi miên man với suy nghĩ, thế hệ ông cha vừa tài vừa tâm và đức độ thế này sắp nối gót nhau thành thiên cổ cả rồi. Bỗng nghèn nghẹn trong tim…

Qua con đường Hoàng Diệu dẫn lối vào nhà Đại tướng chiều nay im ắng quá. Lá vàng thưa thớt khẽ rơi xuống hàng người xếp trải dài cả dãy phố để vào viếng Đại tướng tại tư gia.

Bao mái đầu bạc và đầu xanh; những bước chân chậm chạp, run rẩy của các vị tướng lĩnh già, cựu chiến binh lẫn vào vô số dáng đứng thanh niên rắn rỏi… Tất cả không phân biệt thân-sơ, lặng lẽ đứng dựa vào nhau, trĩu nặng ưu tư.Và lẫn đâu đó trong đám đông, những đôi mắt ầng ậng nước, những cái so vai cố ghìm nén cảm xúc và cả những ánh mắt ngơ ngác trẻ thơ… Tất cả tụ về đây, tạm biệt niềm Tự hào của dân tộc Việt Nam thanh thản yên giấc ngàn thu!

Những ngày này, bầu trời Thủ đô sao cao xanh vời vợi và trong mát, thênh thang lạ./.
ChiLê (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục