Lợi nhuận của nhiều công ty chứng khoán tiếp tục giảm mạnh trong quý 3

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng hơn 556 tỷ đồng và số tài khoản mở mới giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi nhà đầu tư trong nước cũng thận trọng trong việc đưa ra quyết định đầu tư.
Lợi nhuận của nhiều công ty chứng khoán tiếp tục giảm mạnh trong quý 3 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang căng thẳng khiến nhiều nhà đầu tư chuyển sang đầu tư các tài sản an toàn hơn thay vì đầu tư chứng khoán và thận trọng hơn trong việc ra các quyết định đầu tư, giao dịch; thanh khoản thị trường tiếp tục sụt giảm...

Trên đây là những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến hoạt động tự doanh của nhiều công ty chứng khoán, khiến lợi nhuận của các công ty này tiếp tục giảm mạnh trong quý 3/2019.

Báo cáo tài chính riêng quý 3/2019 của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) mới công bố ghi nhận doanh thu quý 3/2019 của SSI đạt 844,6 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 316 tỷ đồng.

Các lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của SSI là dịch vụ chứng khoán, hoạt động kinh doanh nguồn vốn và hoạt động đầu tư. So với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận trước thuế của công ty này có sự sụt giảm đáng kể, lên tới 41,5%.

[SSI mở thêm phòng giao dịch nhằm thu hút nhà đầu tư mới]

Tính chung 9 tháng đầu năm 2019, tổng doanh thu của SSI ước trên 2.366 tỷ đồng (chỉ đạt 63% kế hoạch về doanh thu) và lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 838 tỷ đồng (đạt hơn 49% kế hoạch về lợi nhuận).

SSI vốn là công ty chứng khoản có thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đứng đầu cả trên sàn HOSE và HNX, kết quả này cho thấy hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán gặp nhiều ảnh hưởng bất lợi từ bối cảnh thị trường quý 3 không có nhiều cải thiện so với nửa đầu năm.

Theo SSI, trong quý 3/2019, trung bình thanh khoản của thị trường chỉ đạt khoảng 4.900 tỷ đồng/phiên, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều yếu tố bất lợi xuất hiện thêm trong quý, rõ rệt nhất là sự leo thang của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đầu tháng 8.

Lo sợ trước các rủi ro khó đoán định, các nhà đầu tư trên thế giới ồ ạt chuyển sang đầu tư các tài sản an toàn khiến giá vàng tăng vọt và kéo đường lợi tức trái phiếu Mỹ đảo ngược - tiếp thêm một chỉ báo suy thoái càng làm thị trường lo lắng.

Nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tiếp tục bán ròng hơn 556 tỷ đồng và số tài khoản mở mới giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhà đầu tư trong nước cũng trở nên thận trọng trong việc đưa ra quyết định đầu tư và thu hẹp mức độ giao dịch.

Tương tự, lợi nhuận của nhiều công ty chứng khoán cũng bị sụt giảm đáng kể trong quý 3/2019. Theo báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong quý 3, công ty chỉ đạt 79,5 tỷ đồng doanh thu hoạt động, giảm 2,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế của VDSC trong quý 3 chỉ đạt 11,5 tỷ đồng, giảm tới 57,3% so với cùng kỳ.

Theo giải trình của VDSC, bối cảnh thị trường không thuận lợi, thanh khoản trên thị trường suy giảm mạnh so với cùng kỳ đã tác động tiêu cực đến doanh thu từ hoạt động kinh doanh môi giới và hoạt động tự doanh của công ty. Trong đó, lợi nhuận từ hoạt động tự doanh giảm hơn 70%; hoạt động kinh doanh môi giới giảm gần 30%. Ngoài ra, tác động tiêu cực từ hoạt động giao dịch ký quỹ trong kỳ cũng làm lợi nhuận từ hoạt động này giảm hơn 10% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, dù có doanh thu và lợi nhuận khá tốt trong 6 tháng đầu năm 2019, tuy nhiên, bước sang quý 3/2019, Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) cũng không nằm ngoài xu hướng trên.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2019 của TCBS, doanh thu hoạt động của công ty này trong quý 3 đạt 359 tỷ đồng, giảm tới 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự suy giảm này phần lớn do doanh thu nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán giảm mạnh 64% xuống còn 146 tỷ đồng.

Trong khi đó, chi phí hoạt động dù tăng gấp rưỡi nhưng vẫn ở mức thấp, chỉ 28,6 tỷ đồng. Chi phí tài chính không đáng kể so với quy mô của TCBS, chỉ gần 8 tỷ đồng. Kết thúc quý 3/2019, TCBS ghi nhận lợi nhuận trước thuế 268 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bước sang quý 4/2019, mặc dù bối cảnh thị trường thế giới vẫn khó đoán định và có nhiều thách thức, tuy nhiên theo nhận định của nhiều công ty chứng khoán, thị trường chứng khoán sẽ có nhiều triển vọng tích cực hơn với 3 quý đầu năm. Điều này sẽ giúp các công ty có kết quả kinh doanh tốt hơn trong những tháng cuối năm.

Đặc biệt, ở trong nước, Luật chứng khoán (sửa đổi) có khả năng được thông qua vào kỳ họp Quốc hội sắp tới. Điều này sẽ mang lại những tác động trọng yếu tới thị trường chứng khoán trong ngắn và dài hạn.

Riêng tháng 10, kết quả kinh doanh quý 3/2019 của các doanh nghiệp niêm yết vốn hóa lớn; triển vọng kinh doanh 2020 của doanh nghiệp niêm yết; kỳ vọng về các quỹ ETF sẽ định hướng dòng tiền của nhà đầu tư. Do vậy, xác suất VN-Index có thể vượt ngưỡng cản 1.000 điểm trong quý 4 đang cao hơn.

Ngoài những cổ phiếu có thể nằm trong rổ chỉ số mới sẽ thu hút được dòng tiền. Các cổ phiếu thuộc nhóm ngành ngân hàng, cảng biển... đang có mức định giá khá hấp dẫn là những cơ hội đầu tư tốt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục