Gió và tình yêu vẫn thổi...

Lời thề thứ 9: Gió và tình yêu vẫn mãi mãi thổi...

Bản dựng "Lời thề thứ 9" với nội dung được cập nhật hóa với những biến động của thời cuộc đã làm chủ được khóc cười của khán giả.
Cách đây vài tháng, tôi đã được xem bản dựng "Lời thề thứ 9" của Nhà hát Tuổi trẻ với những nội dung được cập nhật hóa với những biến động của thời cuộc. Thật bất ngờ, sáng nay, tôi được quay trở lại với “Lời thề thứ 9” như ban đầu, của hơn ba thập kỷ trước. Không có nhiều khác biệt. Cảm xúc vẫn vậy. Có thể nhận thấy rằng, những thông điệp, những gửi gắm mà tác giả Lưu Quang Vũ đặt vào trong kịch bản qua tháng năm vẫn vậy. Người xem vẫn hiểu, và sẽ tự động cập nhật, chứ không nhất thiết phải cố đưa thời sự vào nội dung. So với lần xem trước, tôi ưng ý buổi diễn hôm nay hơn. So với các vở diễn khác trong Liên hoan, tôi cũng khá ưng vở này vì đã làm chủ được khóc cười của khán giả. Mà làm được điều đó, mới thực sự là thể hiện được cái tài của Lưu Quang Vũ, người đã viết ra những tác phẩm mang lại nụ cười và nước mắt của khán giả khắp nước ngót ba chục năm vừa qua. Mừng cho Chí Trung. Anh đã gần như “bị” gắn liền với hài kịch. Và vở diễn (có sự cố gắng của anh) đã cân bằng giữa khóc và cười. Không sa đà gây cười làm mất đi giá trị nội dung, cũng không cố lấy nước mắt tới mức bi quan không lối thoát. Tiết chế và làm chủ cảm xúc, đó là thành công của những người làm vở. Mừng cho “Đôn sứt” của bản diễn cách đây hơn 20 năm trong vai trò mới. Bài trí sân khấu hơi “dễ.” Âm nhạc đơn giản, cũ. Các diễn viên sàn sàn nhau, không có tài năng vượt trội hay tỏa sáng. So với lần xem gần đây, đã vắng bóng những diễn viên gạo cội như Lê Khanh. Nhưng lối diễn chân thành, giản dị của các diễn viên lại thuyết phục được khán giả hôm nay. Trong tất cả các vở đã qua, tôi chưa thấy vở nào khán giả vỗ tay theo lời thoại, rưng rưng theo lời thoại như thế này. Những tiếng vỗ tay cứ tăng dần, òa ra ở nửa cuối vở. Xin đừng tưởng đạt được điều đó là đơn giản. Khán giả không dễ dãi và nhẹ dạ bao giờ. Để chạm được tới khóc cười của họ, cần phải chân thành. Và phải THẬT. Nếu đúng là “thật,” họ sẽ đón nhận, sẽ vỗ tay và khen tặng. Và tôi xin dành cho "Lời thề thứ 9" điểm 8.5 già dặn, dù chưa tới 9. Chỉ cần nhấn thêm một chút nữa, họ sẽ chạm tới điểm 9, có sẵn trong tên vở của họ. Hy vọng sẽ đến lúc ấy...

Nhiều người coi “Lời thề thứ 9” là một kịch bản theo kiểu “hiện thực phê phán” của giai đoạn ra đời, và cũng nhân thể ghép vào những vấn đề đương đại. Tôi không thích lối đánh giá đó. Nghệ thuật không đơn giản chỉ làm nhiệm vụ ám chỉ như thế. Sau những phản ánh, những lên án, vẫn còn nguyên vẹn trong kịch bản của Lưu Quang Vũ là niềm tin, là tình yêu với đất nước, với con người.

Xem “Lời thề thứ 9” là để tỉnh táo nhìn nhận, chứ không phải để thất vọng, buông xuôi hay lợi dụng ám chỉ. Nếu không thế, thì làm sao hiểu được tâm sự của Lưu Quang Vũ, khi anh viết “Lời thề thứ 9”  hay bài thơ “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”.

Vâng, gió và tình yêu vẫn thổi, trên đất nước mà anh yêu quý...
L​ưu Sơn Minh​ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục