"Lợn bệnh hóa lợn rừng, ủy ban xã cách vài chục mét vẫn đổ quanh"

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Hồng Tịnh đã có những đánh giá, chia sẻ với báo chí về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
"Lợn bệnh hóa lợn rừng, ủy ban xã cách vài chục mét vẫn đổ quanh" ảnh 1Đại biểu Lê Hồng Tịnh trả lời bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Tính đến chiều nay (16/11), đã có 4 Bộ trưởng đăng đàn trả lời các chất vấn, gồm Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ môi trường, đoàn Đồng Nai đã có những đánh giá, chia sẻ với báo chí về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

- Là người trực tiếp theo dõi với tư cách cơ quan giám sát về lĩnh vực tài nguyên - môi trường, ông đánh giá thế nào về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Trần Hồng Hà?

Đại biểu Lê Hồng Tịnh: Theo tôi, mỗi lĩnh vực phải ít nhất có một ngày để trả lời chất vấn, chỉ một buổi thì chưa đủ. Đại biểu hỏi nhiều mà thời lượng dành như vậy chưa thỏa đáng vì cử tri, đại biểu có rất nhiều bức xúc trong lĩnh vực môi trường.

Tuy nhiên, tôi thấy Bộ trưởng Trần Hồng Hà thể hiện trách nhiệm tốt, sẵn sàng nhận trách nhiệm, hứa là sẽ xem xét xử lý mạnh, nhất là công tác cán bộ. Trong lĩnh vực môi trường, công tác cán bộ đóng vai trò quan trọng. Lực lượng này không phải là ít, rất nhiều, từ thanh tra môi trường đến cảnh sát môi trường, từ Trung ương đến địa phương nhưng vẫn xảy ra các vấn đề gây bức xúc, chứng tỏ công tác cán bộ yếu trong kiểm soát.

"Lợn bệnh hóa lợn rừng, ủy ban xã cách vài chục mét vẫn đổ quanh" ảnh 2Hình chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Ví dụ như, câu chuyện lợn bệnh thành lợn rừng mà truyền hình đưa, chỉ cách trụ sở ủy ban nhân dân xã vài chục mét mà vẫn đổ quanh cho nhau. Cho nên trách nhiệm của đội ngũ cán bộ phải xem xét lại, không thể nói là đã công tâm trong việc này. Bộ trưởng đã hứa sẽ chấn chỉnh.

Liên quan đến một số dự án hiện nay, đánh giá tác động môi trường được phê duyệt rất nhiều, nhưng vẫn xảy ra sự cố, cho thấy đánh giá không thực chất. Ví dụ, bản thân doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh cũng có vấn đề, không được bảo đảm nên khó luật pháp nào kiểm soát được hết. Không bộ ngành nào quản hết nếu doanh nghiệp cố tình, nên tôi cho rằng trong việc này phải có biện pháp xử lý thật mạnh.

"Lợn bệnh hóa lợn rừng, ủy ban xã cách vài chục mét vẫn đổ quanh" ảnh 3Một công trình xây dựng thuộc dự án Formosa thuộc khu Kinh tế Vũng Áng. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

- Nhiều đại biểu trực tiếp chất vấn liên quan đến sự cố Formosa chưa cảm thấy hài lòng, thỏa đáng với giải đáp của vị tư lệnh ngành, cá nhân ông thấy Bộ trưởng đã trả lời thỏa đáng chưa?

Đại biểu Lê Hồng Tịnh: Formosa đúng là thảm họa môi trường mà Việt Nam chưa bao giờ gặp. Vì là Bộ trưởng mới lên, nên chưa thể bao quát hết, với trách nhiệm Bộ trưởng nhận như thế tôi cho là thỏa đáng.

Việc mà Bộ trưởng nêu một số ý kiến như vậy, tôi cho rằng trách nhiệm của Bộ, địa phương cũng phải đặt ra, ở địa phương phải có người chịu trách nhiệm. Còn nếu trách nhiệm tập thể như vậy thì chưa rõ. Không rõ trách nhiệm thì khó mà khắc phục, xử lý ngay được.

- Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định môi trường biển miền Trung đã an toàn, vậy theo ông quan điểm này có đủ sức thuyết phục không?

Đại biểu Lê Hồng Tịnh: Theo tôi, nói an toàn là ở mức độ nào thôi còn chưa thể khẳng định biển an toàn như trước khi xảy ra sự cố vì việc khắc phục, khôi phục cần thời gian rất dài, không thể một chốc một lát là qua được. Chất thải độc thải vừa qua đã làm ảnh hưởng toàn diện đến môi trường sinh thái, tới hệ san hô dưới đáy biển. Hóa chất thải ra vậy rõ ràng không thể một sớm một chiều khắc phục được ngay.

- Dự án Formosa sản xuất thép công nghiệp, không phải thép xây dựng mà dự án thép Cà Ná cũng dự định sản xuất thép công nghiệp. Vậy theo ông lại sao Việt Nam lại cho phép xây dựng thêm một dự án thép như vậy?

Đại biểu Lê Hồng Tịnh: Thêm dự án này là do trước đây đã có quy hoạch, dự án của Vinashin nhưng sau đó Vinashin thôi nên dự án đã được đưa ra khỏi quy hoạch. Rồi sau đó, Tập đoàn Hoa Sen nêu nguyện vọng muốn làm.

Dự án này nặng về thép chế tạo mà theo sản lượng tính toán, người đầu tư đã cam kết xuất khẩu 80-90% ra nước ngoài, không bán cho trong nước. Còn trong nước, hiện thép xây dựng rất nhiều nhưng thép cho công nghiệp chế tạo, thép tấm… lại rất thiếu, phải nhập rất nhiều từ các nước, nhất là Trung Quốc…

Hoa Sen là doanh nghiệp trong nước, chủ trương của Bộ Công Thương là muốn tăng cường sản xuất trong nước, vừa thu được ngân sách vừa tạo công ăn việc làm mà lại chủ động được nguyên liệu sản xuất. .Hai nữa là chúng ta có thể chủ động được, điều này rất quan trọng, bình thường không sao, nhưng nếu có vấn đề gì xảy ra thì chúng ta có thể chủ động về thép vì đây ngành xương sống của nền kinh tế.


- Là cơ quan sẽ trực tiếp giám sát trong quá trình thực hiện dự án rất nhạy cảm này, ông có lưu ý gì về dự án thép Cà Ná không?

Đại biểu Lê Hồng Tịnh: Theo tôi, dự án thép Cà Ná phải nghiên cứu kỹ. Tôi quan tâm nhất là công nghệ, phải làm sao tránh ảnh hưởng môi trường, tránh vấn để xảy ra như Formosa.

Các nhà máy thép trên thế giới thường gần cảng, gần môi trường nước để thuận tiện sản xuất, vận chuyển. Những nguy cơ đó họ khắc phục được thì mình cũng khắc phục được. Nhưng cái yếu nhất của ta là việc kiểm soát. Khi họ đưa công nghệ vào chúng ta không kiểm soát được. Tới đây chúng ta sửa Luật Công nghệ, phải làm sao chống đưa công nghệ lạc hậu vào trong nước, biến Việt Nam thành bãi rác. Không biết có ngăn chặn được không, nếu không ngăn chặn được thì là hiểm hoạ.

Vậy nên Ủy ban Khoa học, công nghệ rất quan tâm dự án Cà Ná này và có những cảnh báo trước với cơ quan quản lý nhà nước. Việc xác định tính cần thiết của dự án do Chính phủ cân đối, nếu quy hoạch dài hạn thấy cần thiết đầu tư dự án thì việc triển khai phụ thuộc tính khả thi dự án, lựa chọn công nghệ… Tỉnh Ninh Thuận là vùng khô hạn thiếu nước, sản xuất thép thì tốn nước nhiều và cũng rất tốn điện, năng lượng. Đây cũng là một vấn đề chúng tôi lưu ý nhiều với Chính phủ.

- Xin cảm ơn đại biểu!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục