Lợn đen Mường Khương: Tài sản quý của người vùng cao

Thịt lợn đen Mường Khương (Lào Cai) hiện đã có chỗ đứng trên thị trường. Thương lái ra vào tấp nập hàng ngày để thu mua, người chăn nuôi không còn lo lắng về đầu ra của sản phẩm.
Lợn đen Mường Khương: Tài sản quý của người vùng cao ảnh 1Chăn nuôi lợn đen Mường Khương. (Ảnh: Hương Thu/Vietnam+)

Thịt lợn đen Mường Khương (Lào Cai) hiện đã có chỗ đứng trên thị trường. Thương lái ra vào tấp nập hàng ngày để thu mua, người chăn nuôi không còn lo lắng về đầu ra của sản phẩm.

Đây chính là kết quả từ việc duy trì, phát triển giống lợn đen huyện Mường Khương, một trong 3 giống lợn quý của các tỉnh miền núi phía Bắc được Viện Chăn nuôi quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) công nhận.

Anh Vàng Chò Củi, trưởng thôn Sa Pả, thị trấn Mường Khương, chỉ vào đàn lợn khoảng hai chục con trong chuồng cho biết: "Toàn bộ gia sản của nhà mình đấy, mọi người dưới xuôi gọi lợn đen ở đây là đặc sản."

Gia đình anh Chò Củi là một trong những hộ phát triển đàn lợn đen với quy mô lớn ở địa phương. Từ năm 2000 đến nay, chuồng của gia đình anh Củi thường xuyên có 18 con lợn thịt, 3 lợn nái. Thu nhập trung bình 40-50 triệu đồng/năm.

Anh Củi chia sẻ kinh nghiệm, gia đình chỉ cho lợn ăn: cây chuối, cây khoai, rau muống, rau lang trộn với cám gạo hoặc ngô nấu chín, hoàn toàn không sử dụng cám tăng trọng. Theo anh Củi, sử dụng thức ăn công nghiệp chi phí lớn. Bởi vậy, nuôi kiểu truyền thống vừa tận dụng được rau, quả sẵn có của gia đình, chất lượng thịt lại tốt, giá bán cao. Thôn Sa Pả có 100% hộ nuôi lợn đen, nhà ít có từ 5-7 con, nhà nhiều 10-20 con, thu lãi trung bình từ 10-15 triệu/lứa (5-6 con).

Chị Lù Thị Doi, khuyến nông viên huyện Mương Khương cho biết, từ các mô hình trình diễn, nhiều hộ trên địa bàn huyện nhận thấy hiệu quả kinh tế nên đã làm theo.

Giống lợn đen Mường Khương là giống lợn quý hiếm với ưu điểm thích ứng tốt trong điều kiện tự nhiên đồng thời sinh trưởng phát triển nhanh, thịt thơm ngon, tăng đàn, tăng trọng, hơn hẳn giống lợn các địa phương khác, phù hợp với thị hiếu người chăn nuôi và tiêu dùng.

Tại vùng cao ít có giống lợn nào khác có thể thay thế được giống lợn Mường Khương. Tuy nhiên trước đây do tập quán chăn nuôi của nhân dân địa phương còn hạn chế, chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nuôi giữ giống lợn Mường Khương, do đó nguồn giống lợn bản địa này không đủ cung ứng cho các địa phương phát triển chăn nuôi.

Để giữ vững, phát triển giống lợn quý hiếm Mường Khương, từ năm 2008, huyện đã cùng các cơ quan chức năng phối hợp tổ chức thực hiện đề tài nghiên cứu chọn lọc nâng cao chất lượng phục tráng và phát triển giống lợn Mường Khương. Đề tài được áp dụng thực hiện tại hai xã Nấm Lư và Bản Sen (nơi có số đông đồng bào dân tộc sinh sống và cũng là những địa phương có phong trào chăn nuôi phát triển).

Qua các bước thực hiện cho thấy, quá trình phục tráng giống lợn Mường Khương đạt kết quả như phù hợp với điều kiện chăn nuôi nghèo dinh dưỡng của đồng bào vùng cao, mắn đẻ, chất lượng thịt thơm ngon và bán được giá cao hơn so với loại lợn lai, do đó người chăn nuôi có lãi cao hơn.

"Đến nay, giống lợn đen bản địa Mường Khương phát triển nhanh lên tới trên 2​0.000 con, chiếm 70% tổng đàn lợn của toàn huyện. Mỗi năm huyện cung cấp ra thị trường khoảng gần 2.000 tấn thịt lợn đen", ông Hoàng Trung Giang, Chủ tịch ​Ủy ban Nhân dân huyện Mường Khương cho biết.

Lợn đen Mường Khương hiện không chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh mà đã có mặt tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Theo ông Hoàng Trung Giang, Chủ tịch ​Ủy ban Nhân dân huyện Mường Khương, giai đoạn 2015-2020, huyện coi sản xuất nông lâm nghiệp là quan trọng, lấy chăn nuôi làm khâu đột phá và mục tiêu hình thành vùng sản xuất hàng hóa tương đối rõ nét. Do đó, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo tập trung phát triển và phục tráng đàn lợn đen bản địa ở khu vực trung và hạ của huyện như Nấm Lư, Lùng Khấu Nhin, Cao Sơn, Bản Lầu. /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục