Lone Survivor: Sự khốc liệt đến trần trụi của chiến tranh

"Kẻ sống sót cô độc" mô tả những góc trần trụi nhất của chiến tranh, thông qua câu chuyện có thật của biệt đội SEAL Mỹ ở Afghanistan.
Lone Survivor: Sự khốc liệt đến trần trụi của chiến tranh ảnh 1Lone Survivor mô tả sự khốc liệt của chiến tranh một cách trần trụi nhất có thể (Nguồn: MS)

Kể từ sau chiến công tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden hồi tháng 5/2012, biệt đội đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ đã được cả thế giới biết tới nhiều hơn và đã trở thành một đề tài thú vị để Hollywood khai thác. 

Nếu như "Act of Valor" đề cao khả năng thiện chiến thì "Zero Dark Thirty" lại chỉ nhắc tới SEAL ngắn gọn ở khúc cuối phim khi Bin Laden bị kết liễu. 

Còn nếu phải chọn ra một cái tên cân bằng giữa những pha hành động gay cấn và yếu tố cảm xúc trong các bộ phim có liên quan tới SEAL, cái tên "Lone Survivor" (tựa Việt là Sống Sót) sẽ là một ứng cử viên hàng đầu.

Không phải là một sản phẩm hư cấu, câu chuyện của "Lone Survivor" được dựa trên chiến dịch "Red Wing" của nhóm SEAL tại tỉnh Kunar, Afghanistan ngày 28/6/2005. 

Bốn thành viên của SEAL là hạ sĩ Marcus (Mark Wahlberg thủ vai), Michael (Taylor Kitsch), Danny (Emile Hirsch) và Matt (Ben Foster) được giao nhiệm vụ nhận dạng tên khủng bố Ahmad Shah của Taliban - kẻ đã gieo rắc biết bao nỗi ám ảnh cho binh sĩ Mỹ. 

Ban đầu, nhiệm vụ đi tiền trạm tại khu vực miền núi gần với Pakistan này tưởng như rất đơn giản, song một sự cố bất ngờ đã khiến bộ tứ bị bại lộ. Từ công việc trinh thám, bốn lính đặc nhiệm này bỗng chốc phải đối đầu với lực lượng Taliban vượt trội về số lượng, để rồi từ đó một câu chuyện kỳ diệu về lòng dũng cảm, khát khao sinh tồn và tình đồng đội đã được viết nên...

Ngay từ cái tựa gốc mang ý nghĩa "Kẻ sống sót cô độc" cùng việc tác phẩm được dựa trên những hồi ức của Marcus Luttrell về những thời khắc không thể quên trên những rặng núi năm nào đã hé lộ trước kết cục tác phẩm. 

Thế nhưng điều đó không ngăn cản đạo diễn Peter Berg - người từng nổi danh với bộ phim hành động "Battleship" - kể được một câu chuyện khiến người xem dán mắt vào màn hình từ đầu đến cuối.

Sự thành công của Berg là ở điểm dù cho ông đã tái tạo lại những thứ nghiệt ngã, trần trụi nhất của trận chiến ấy qua hai tiếng đồng hồ, nhưng điều đọng lại là tình đồng đội cao cả.

Bộ phim mở đầu với đoạn giới thiệu ngắn gọn về quá trình huấn luyện để tạo ra những "siêu chiến binh" SEAL và cho người xem làm quen với Đội 10 của SEAL - những người sẽ tham gia điệp vụ Red Wing - qua một buổi sáng thường ngày của họ. 

Chỉ với vài phút ngắn ngủi nhưng cũng đủ để khán giả hiểu được độ khắc nghiệt của chương trình đào tạo mà những người lính này và quan trọng hơn: nhận ra họ cũng là những con người thường chứ không phải những cỗ máy hủy diệt di động. 

Lone Survivor: Sự khốc liệt đến trần trụi của chiến tranh ảnh 2Mark Wahlberg trong Lone Survivor, dựa trên một câu chuyện hoàn toàn có thật (Nguồn: MS)
Những lính đặc nhiệm này có những cuộc cạnh tranh, thách đấu và trêu chọc nhau như những cậu trai mới lớn; có người thương luôn đợi tin ở nhà... SEAL được cả thế giới biết tới như một đội quân tinh nhuệ bậc nhất nhưng cũng vẫn là những con người với cảm xúc yêu thương như bất cứ ai, một yếu tố quan trọng trong "Lone Survivor." Sau khúc dạo đầu nhẹ nhàng với một điệp vụ không quá khó khăn, độ hấp dẫn của câu chuyện bỗng được đẩy cao lên khi chân tướng của những nhóm trinh sát bị phát hiện. Đứng trước nhóm Taliban áp đảo về vũ khí, số lượng trong khi cứu viện ở quá xa và không thể liên lạc, bốn người lính buộc phải tự mình xoay sở.  Không còn những màn kỹ xảo cháy nổ hoành tráng như "Battleship", đạo diễn Peter Berg đem tới một cuộc giao tranh đầy chân thực và khốc liệt trong đại cảnh Afghanistan hiểm trở. Tần suất sử dụng súng đạn trong phim là rất cao, nhưng việc sử dụng các máy quay cầm tay và nhiều góc quay cận cảnh đã giúp độ chân thực trong "Lone Survivor" đủ để thuyết phục cả những người xem khó tính nhất.  Sử dụng nhiều từ ngữ tục, không hạn chế các cảnh máu me hay vết thương đủ khiến nhiều khán giả phải rùng mình, Berg phơi bày những gì trần trụi và xấu xí nhất của chiến tranh. Điều này có thể khiến độ tuổi người xem bị giới hạn lại (hạng R - cấm khán giả dưới 17 tuổi) nhưng lại khiến cảm xúc với những ai ngồi trước màn ảnh được đẩy lên mức cao nhất, khi ta được chứng kiến một sự thật trần trụi và không khỏi xót xa cho số phận những người tham gia trận chiến, dù là binh sĩ hay thường dân.

Nhưng trong sự thật xấu xí đến tàn nhẫn của chiến tranh ấy ấy, yếu tố con người vẫn là thứ nổi bật nhất. Trong "Lone Survivor", thông điệp chính là đừng bao giờ bỏ cuộc. 

Như khi những người lính luôn gắng sức chiến đấu đến những giây cuối cùng của cuộc đời và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cho lý tưởng và đồng đội của mình. Như khi ánh sáng hy vọng tưởng như đã tắt thì bỗng sự hỗ trợ lại đến từ những người không thể ngờ tới nhất.

Nhờ những điểm cộng trên mà "Lone Survivor" là một trong những phim có đề tài chiến tranh xem được nhất trong vài năm trở lại đây dù vẫn mang đôi chút phong cách "chủ nghĩa anh hùng" của Hollywood. 

Sở hữu một dàn diễn viên đồng đều, độ chân thực cao trong các cảnh chiến đấu kèm theo những khoảnh khắc xúc động về tình anh em, "Lone Survivor" là một bộ phim phù hợp cho những ai ưa thích phim hành động hay chiến tranh. Kể lại một câu chuyện nhiều người đã biết trước cái kết là điều rất khó, kể sao cho hấp dẫn còn khó hơn, nhưng đạo diễn Peter Berg đã làm được điều này.

Lone Survivor (tựa Việt là Sống Sót) 

Đạo diễn: Peter Berg
Diễn viên: Mark Wahlberg, Emile Hirsch, Taylor Kitsch
Thể loại: Chiến tranh, Hành động
Thời lượng: 120 phút
Ngày khởi chiếu tại Việt Nam: 10/1.

Trailer của Lone Survivor:

(Nguồn: Megastar)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục