“Lột xác” nhà tranh tre

“Lột xác” nhà tranh tre ở Ninh Bình

Hàng chục tỷ đồng, hàng vạn ngày công được huy động, giúp xóa hơn 1.200 ngôi nhà tranh tre là thành công ở Ninh Bình.

“Dang tay xóa nhà dột nát” là mô hình được thực hiện rất thành công ở Ninh Bình. Hàng chục tỷ đồng, hàng vạn ngày công lao động đã được huy động. Trong vòng 1 năm một khối lượng công việc đồ sộ với hơn 1.200 ngôi nhà đã được xây mới và sửa chữa.

Bên cạnh niềm vui còn có không ít nỗi buồn và nhọc nhằn vất vả. Tỉnh Ninh Bình xác định đây là chương trình trọng tâm nên khó mấy cũng quyết tâm thực hiện.

Đã có nhiều giọt nước mắt, nhiều lời thơ, những dòng tâm sự chân tình, vui mừng khôn xiết của nhiều người khi tận hưởng niềm hạnh phúc vào ở nhà mới. Chị Phạm Tâm Hương, tổ 2 phường Phúc Sơn, thị xã Tam Điệp bày tỏ cảm tưởng dài 15 phút trong dịp lễ tổng kết của tỉnh. Không phải chị nói nhiều, nhưng vì trong chừng ấy thời gian chị đã bật khóc không ngớt. Nhà chị đông con, chồng bị bệnh tâm thần, nhiều năm qua phải bán ruộng vườn để chữa bệnh và sinh sống. Nay được hỗ trợ hàng chục triệu đồng xây nhà khang trang, được vay vốn để sản xuất nên đời sống gia đình chị đã bớt phần khổ cực.

Còn bà Nguyễn Thị Minh, ở xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn, vợ liệt sĩ, con gái lớn đi lấy chồng, hiện ở độc thân. Nhà bà nằm trong vùng hạ nguồn sông Hoàng Long, mỗi khi cơn lũ dữ dằn ập về phải mò mẫm trong đêm trú ấn. Mới đây đã được hỗ trợ xây nhà mới kiên cố, bà xúc động: “khó diễn tả bằng lời, mặc dù gia đình mất mát rất nhiều, nhưng nay đã ấm lòng”.

“Lột xác” nhà tranh tre, cũng được tỉnh xác định như cuộc “cách mạng” cho người nghèo. Theo Quyết định 167 của Thủ tướng thì tiến độ hỗ trợ xoá nhà dột nát trên toàn quốc kết thúc năm 2012. Nhưng tỉnh Ninh Bình đến nay đã cơ bản hoàn thành và sẽ kết thúc trong năm 2010. Tiến độ hết sức bất ngờ là chỉ trong vòng 1 năm (2008 - 2009) toàn tỉnh hỗ trợ hàng chục tỷ đồng xây mới và sửa chữa 1.256 ngôn nhà, vượt kế hoạch trước 6 tháng.

Kết quả đạt được là nhờ có nhiều mô hình, sáng kiến hay và quan trọng là sự quyết liệt vào cuộc của toàn xã hội. Thành phố Ninh Bình và thị xã Tam Điệp “từ chối” nhận tiền hộ trợ từ ngân sách tỉnh, vận động các nhà hảo tâm xây mới và sửa chữa hàng trăm ngôi nhà.

Huyện Hoa Lư có phong trào thưởng tiền mặt cho những hộ gia đình xây nhà đảm bảo chất lượng, thẩm mỹ và đúng thời gian quy định. Huyện Gia Viễn, vùng đất thường ngập lụt, thiệt hại nặng nề nhưng đã cố gắng huy động đóng góp của các đơn vị 500 triệu đồng để bổ sung chỉ tiêu sửa nhà cho bà con vùng phân lũ, chậm lũ.

Các đoàn thể khối mặt trận tổ quốc các cấp vào cuộc vận động anh em, dòng họ đóng góp trên 32.000 ngày công, hỗ trợ vật liệu, tranh tre, gạch ngói. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đưa 150 cán bộ chiến sĩ về huyện Nho Quan cùng làm nhà với dân, và huyện miền núi này cũng là đơn vị có số lượng nhà hoàn thành lớn nhất tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn cấp đất cho 52 hộ làm nhà.

Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình, Đinh Văn Hùng cho biết: “Đây là cuộc vận động lớn, tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt và yêu cầu các cấp tham gia. Chủ tịch Hội đồng Nhân dân các cấp đồng thời là Trưởng ban chỉ đạo cấp tương đương nên có nhiều thuận lợi trong công tác điều hành”.

Ninh Bình là vùng lũ, nhà cửa tạm bợ xuống cấp nhiều, nếu hỗ trợ mức thấp để sửa chữa thì nhà sẽ nhanh hỏng và sẽ xẩy ra tình trạng quanh năm đi sửa nhà. Vì vậy, tỉnh Ninh Bình hỗ trợ từ 25 - 30 triệu đồng cho mỗi nhà xây mới hoặc sửa chữa. Ngoài ra, còn có tiền hỗ trợ từ ngân sách trung ương, các khoản đóng góp của người dân nên nhiều nhà xây dựng trị giá từ 60 - 130 triệu đồng.

Tuy nhiên, thời gian qua phong trào này ở tỉnh Ninh Bình gặp không ít trở ngại như việc khảo sát, thống kê, bình xét hộ nghèo, hộ chính sách phải làm đi làm lại nhiều lần. Vẫn còn tình trạng thắc mắc, khiếu kiện về việc giải quyết chưa công bằng, không đúng đối tượng. Ở một số nơi không công khai bàn bạc với dân và có biểu hiện thiên vị. Tỉnh đang tổng kết để rút kinh nghiệm khắc phục tình trạng trên để đảm bảo người nghèo đều có nhà trong thời gian tới./.

Nguyễn Văn Cảnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục