Lũ lịch sử uy hiếp miền Trung - Tây Nguyên

Mưa rất lớn do bão số 9, có nơi lên đến 1.000mm -  khiến các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên phải đương đầu với một trận lũ lịch sử, một số khu vực hiện đã bị cô lập.
Chủ trì cuộc giao ban trực tuyến tối 29/9 với các địa phương miền Trung về công tác phòng chống bão số 9 trên toàn khu vực, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo phải ưu tiên cao nhất cho công tác cứu nạn, cứu hộ người dân đang bị chia cắt do mưa lũ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ ưu tiên hiện nay là công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ những người dân đang bị cô lập, bằng mọi giải pháp, kể cả việc sử dụng hàng không. Đồng thời, cảnh giác với tình trạng mưa lũ tiếp tục và kịp thời di dời các hộ bị đe dọa ở ven sông, suối và vùng có khả năng sạt lở đất”.

Theo thống kê tổng hợp từ các địa phương, từ trưa 29/9, bão số 9 đổ bộ vào đất liền chủ yếu cấp 10, 11, có nơi cấp 12, giật cấp 14, 15 như đảo Lý Sơn, vùng biển Quảng Ngãi. Hiện bão đang đi sâu vào đất liền di chuyển sang Lào rồi suy yếu.

Tính đến tối 29/9, có 31 người chết và mất tích, chủ yếu là bị nước cuốn khi đi vớt củi, đánh cá trong mưa lũ. Tổng cộng có hơn 85.000 ngôi nhà bị sập đổ, ngập nước, tốc mái, hàng chục nghìn ha cây cối, hoa màu bị hư hại.

Mưa trong bão là nguyên nhân chính gây ra những thiệt hại về người và tài sản. Lượng mưa trên diện rộng phổ biến từ 250 - 450mm, riêng Quảng Ngãi trung bình 600 - 880mm, tại Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi có nơi lượng mưa đo được trên 1.000mm.

Theo nhận định, khác với thông thường, đây là cơn bão đặc biệt có lượng mưa trong bão rất lớn. Lũ trên các sông miền Trung đang lên nhanh, sông Trà Bồng đang cao hơn mức lịch sử năm 1964 hơn 0,17m, các sông từ Huế đến Quảng Nam đều lớn hoặc xấp xỉ báo động cấp 3.

Đặc biệt tại Kon Tum lũ lên rất lớn, trên sông Cô Tô trên báo động 3 tới 4m. Theo dự báo sẽ nhiều điểm vượt mức lịch sử khi mưa vẫn đổ rải rác ở nhiều nơi.

Ngay tối 29/9, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện khẩn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động tập trung mọi nguồn lực, thực hiện các biện pháp khẩn cấp khắc phục hậu quả bão, lũ. Công điện cũng nêu rõ, sớm ổn định đời sống của nhân dân, khẩn trương triển khai các biện pháp đối phó với mưa lũ sau bão, tránh xảy ra chết người do thiếu trách nhiệm.

Trong chiều 29/9, đường dây tải điện 500kV bị sự cố, hiện đã khôi phục đường Đà Nẵng-Hà Tĩnh, các đường điện 220kV Hoà Khánh-Huế, 220kV Pleiku-Quy Nhơn bị cô lập, một số đường dây khác cũng bị sự cố, mất điện tại các trạm Dung Quất.

Giao thông bị chia cắt tại một số tuyến quốc lộ và đường miền núi như đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 46, quốc lộ 7, quốc lộ 48, cầu trên quốc lộ 24 bị sập 2 nhịp. Đáng quan tâm là trường hợp hơn 500 hộ dân tại huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi và 60 hộ dân vùng ven thành phố Kon Tum đang bị nước lũ cô lập.

Báo cáo nhanh tại Kon Tum cho biết, nhiều khu vực thành phố Kon Tum đang bị đe dọa khi nước các con sông đang lên rất nhanh. Hàng trăm ngôi nhà đang bị nước cô lập và dân phải lên nóc nhà, lực lượng quân đội đã phải điều xe chuyên dụng và thuyền đến để tìm giải pháp cứu hộ. Sông Đắc Ba vượt đỉnh lũ trên 6m.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, các bộ, ngành, địa phương đã có những giải pháp kịp thời, quyết liệt và hiệu quả, đặc biệt là việc sơ tán được 370.000 người nằm trong khu vực nguy hiểm, và các giải pháp mạnh này đã có tác dụng, giảm thiệt hại đáng kể từ sự tàn phá của mưa bão.

Phó Thủ tướng chuyển lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương các địa phương, Bộ, ngành liên quan và các lực lượng, nhân dân địa phương đã có những cố gắng trong phòng chống, khắc phục hậu quả cơn bão. Đồng thời thăm hỏi đến các gia đình người bị nạn, yêu cầu các địa phương tập trung lực lượng chăm sóc, hỗ trợ và tổ chức tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo người dân không bị thiếu lương thực, thực phẩm, thuốc men và quần áo ấm.

Ngày 30/9, Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn đã tổ chức 2 đoàn lên hỗ trợ Kon Tum và Quảng Ngãi triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục