Lũ rút đầu tháng 11?

Nước lũ ở Bangkok có thể rút vào tuần đầu tháng 11

Việc tháo lũ qua hệ thống bơm ở phía Bắc Bangkok làm giảm mối đe dọa đối với thủ đô và nước lũ có thể sẽ rút trong tuần đầu tháng 11.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra ngày 29/10 cho biết việc tháo lũ qua các con kênh và hệ thống bơm nước ở phía Bắc thủ đô Bangkok đã làm giảm mối đe dọa đối với thành phố, song diễn biến triều cường ở Vịnh Thái Lan sẽ vẫn đe dọa các hàng rào ngăn lũ.

Nếu tình hình tiến triển như hiện nay, nước lũ ở Bangkok có thể sẽ rút trong tuần đầu tiên của tháng 11.

Theo tin mới nhất, nước sông Chao Phraya đã tràn bờ ở một số tuyến đê do diễn biến bất thường của triều cường. Nhà chức trách địa phương cho rằng quận Thonburi ở bờ Tây Chao Phraya vẫn chìm trong nước lũ trong vòng ba ngày tới.

Tại khu Pingklao, nơi tập trung nhiều nhà hàng và cửa hiệu ven sông, mực nước vẫn ở ngang thắt lưng. Tại quận Sai Mai ở phía Bắc thủ đô, cư dân đã dùng các thùng gỗ và bình nước làm thành những chiếc bè tự chế để đối phó với tình trạng ngập lụt.

Trong khi đó, mực nước ở quận Bang Phlad tiếp tục dâng cao. Nước lũ bao vây cây cầu đường bộ với ngổn ngang các phương tiện giao thông bị bỏ lại trên cầu.

Trước đó, chiều 28/10, Thị trưởng Bangkok đã ra lệnh sơ tán thêm người dân ở quận Thawi Whatthana. Hiện bốn trong tổng số 50 quận, gồm Don Muang, Bang Phlad, Sai Mai và Thawi Whatthana, nằm trong diện sơ tán của chính quyền thành phố.

Đến ngày 29/10, thêm các quận Huai Kwang, Lard Prao, Bang Khen, Chatujak được đưa vào danh sách những địa bàn có nguy cơ ngập lụt cao. Bên cạnh đó có ít nhất 17 đoạn đường buộc phải tạm đóng không cho xe cộ qua lại, trong đó có đoạn từ ngã tư Arun Amarin tới bệnh viện Siriraj là nơi Nhà Vua Thái Lan đang dưỡng bệnh.

Trong khi đó, để bảo vệ sân bay quốc tế Suvarnabhumi và hệ thống tàu điện ngầm của thủ đô Bangkok, chính quyền thành phố đã dựng 23,5km đê bao quanh sân bay và đảm bảo an toàn cho các du khách nước ngoài.

Sau những ngày chống chọi với nước lũ, nhất là sau khi nước lụt tràn vào bủa vây sân bay Don Mueang, Trung tâm hoạt động cứu trợ lũ lụt (FROC) đã buộc phải dời khỏi nơi làm việc tại sân bay đến địa điểm mới ở đường Vibhavadi Rangsit.

Bộ trưởng Tư pháp Pracha Promnok, người đứng đầu trung tâm trên, cho biết FROC buộc phải chuyển tới địa điểm mới do nước lụt đã tràn qua bức tường chắn lũ vào lúc sáng sớm và làm hư trạm phát điện. Ngoài ra, hệ thống cấp nước cũng không vận hành được nên FROC phải di chuyển, cho dù đến ngày 29/10, khu vực kinh doanh tài chính quan trọng của Bangkok vẫn còn tương đối khô ráo.

Các con số thiệt hại về kinh tế do lũ lụt gây ra ở Thái Lan - quốc gia xuất khẩu phần cứng máy tính đứng thứ hai thế giới và là trung tâm sản xuất ôtô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, tiếp tục tăng. Lũ lụt ở Thái Lan đã khiến giá phần cứng trên toàn cầu tăng vọt.

Phó Chủ tịch Hãng phân phối điện tử quốc tế Avanet Inc, ông Chuck Kostanck, cho biết các nhà sản xuất phần cứng đã nâng giá 20-40% sau khi nước tràn vào các nhà máy.

Ngân hàng Trung ương Thái Lan ngày 28/10 cho rằng tăng trưởng GDP năm 2011 của nước này sẽ chỉ là 2,6%, thay vì tăng khoảng 4,1% như từng được dự báo trước đây, do tác động lũ lụt tồi tệ nhất ở xứ “chùa Vàng” trong 50 năm qua.

Trong khi đó, Cục Phòng chống Thiên tai Thái Lan (DPMD) ngày 29/10 thông báo tổng cộng đã có 381 người thiệt mạng và hai người mất tích trong trận "đại hồng thủy" hoành hành suốt ba tháng qua ở xứ sở chùa Vàng.

Theo DPMD, riêng trong ngày 28/10 đã có thêm bốn người thiệt mạng ở tỉnh Nakhon Sawan, miền Trung Thái Lan, nâng số người chết vì lũ ở tỉnh này lên 59. Đây là địa phương có số người thiệt mạng vì lũ lụt cao nhất ở Thái Lan.

Tính đến ngày 29/10, lũ vẫn hoành hành tại 27/77 tỉnh ở Thái Lan và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của 730.000 hộ gia đình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục