Lựa chọn chiến lược của Nhật Bản và tác động tới toàn cầu

Trong bối cảnh Mỹ như muốn xé toạc trật tự thương mại toàn cầu, sự xích lại gần nhau của Nhật Bản và Trung Quốc có thể giúp thế giới thoát khỏi tình thế khó khăn mà chính Nhật và khu vực phải đối phó.
Lựa chọn chiến lược của Nhật Bản và tác động tới toàn cầu ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hơn bất kỳ nước nào, Nhật Bản hiểu rõ cách thức mà thịnh vượng kinh tế và an ninh chính trị được đảm bảo tốt nhất bằng hệ thống thương mại toàn cầu đa phương và dựa trên luật lệ.

Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như muốn xé toạc trật tự thương mại toàn cầu (hệ thống Bretton Woods) thời hậu chiến, Nhật Bản đã có những lựa chọn chiến lược cho riêng mình.

Tuy nhiên, những lựa chọn này đã bị thu hẹp đáng kể và sẽ tác động đến kết quả chính sách toàn cầu. Đây là nội dung phân tích trong một bài viết trên trang mạng Diễn đàn Đông Á ngày 15/10.

Theo bài viết, Nhật Bản đã làm rõ về quan điểm của mình đối với chính sách thương mại toàn cầu bằng cách “nhiệt tình” theo đuổi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi Mỹ rút lui.

Tokyo cũng kêu gọi sự ủng hộ chủ nghĩa đa phương tại các cuộc họp của nhóm G20 và G7, cùng với đó là đẩy mạnh quá trình đàm phán cho Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Tuy nhiên, để duy trì trật tự thương mại toàn cầu theo mong muốn của Tokyo, nước này cần làm nhiều hơn thế.

Thế nhưng, đây lại là một vấn đề không hề dễ dàng với Nhật Bản khi nước này phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn về những lợi ích chiến lược quốc gia trong bối cảnh xuất hiện những bất ổn mới về kinh tế toàn cầu.

Một thế khó khác là ít nhất ở thời điểm này, Mỹ vẫn là nước đóng vai trò là “ô an ninh” chính cho Nhật Bản ở châu Á và Thái Bình Dương theo khuôn khổ Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật.

Trong khi đó, Tokyo vẫn ở “đầu sóng ngọn gió” về các vấn đề an ninh lớn ở Đông Bắc Á, như vấn đề bán đảo Triều Tiên và Biển Hoa Đông. Vậy mà Trump lại không đếm xỉa gì đến vai trò của Tokyo trong các dàn xếp liên quan những vấn đề an ninh nói trên.

Trump học đòi cách đánh bóng hình ảnh bản thân trước công chúng khi quẳng những vấn đề an ninh liên quan Nhật Bản vào mớ hỗn độn và đòi hỏi những nhượng bộ thương mại nhỏ nhặt từ Nhật Bản.

Chưa hết, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence còn làm trầm trọng thêm mối quan hệ với Trung Quốc khi tuần trước chỉ trích Bắc Kinh là một nước đe dọa toàn bộ lợi ích của Mỹ.


[Nhật-Trung muốn đưa quan hệ song phương tới ''một khởi đầu mới'']

Trong một bài bình luận đăng trên cùng trang mạng này, tác giả Shiro Armstrong giải thích rằng Tokyo hiện “dốc sức chèo chống để thoát khỏi bãi mìn an ninh quốc gia và kinh tế nằm giữa Mỹ và Trung Quốc.”

Có lẽ, Nhật Bản được ghi nhận không phải là kẻ cứng đầu, có đường hướng ngoại giao chiến lược hướng về tương lai. Trong những tình huống thông thường, nước này cảm thấy thoải mái hơn khi “dẫn dắt từ phía sau” thông qua sự kết hợp về mặt văn hóa và thể chế. Nhưng như thế lại là không bình thường.

Cho dù bản năng cá nhân của Thủ tướng Abe như thế nào trong quá trình đối phó với Trump, cũng như nguy cơ đối với an ninh chính trị và kinh tế của Nhật Bản nảy sinh từ cuộc chiến thương mại như thế nào, thì trong xử lý vấn đề bán đảo Triều Tiên và quan hệ với Trung Quốc, ông Abe và ê-kíp cố vấn của mình đã đặt Nhật Bản lên hàng đầu trong lĩnh vực ngoại giao.

Ví dụ, trong ván bài ngoại giao đầy rủi ro, Nhật Bản đã tham gia các cuộc đàm phán thương mại với chính quyền Trump, với hy vọng đạt được một hiệp định mới mà không hủy hoại hệ thống đa phương.

Tuần tới, ông Abe sẽ có chuyến công du đến Bắc Kinh, khởi động một thời kỳ mới làm ấm lại mối quan hệ với Bắc Kinh. “Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào những tác động trước mắt từ việc hai cường quốc châu Á này có thể tiến tới cải thiện quan hệ,” Armstrong nhận định.

Ngoài những lợi ích to lớn mà các dự án này đem lại cho giới doanh nghiệp Nhật Bản thì điều quan trọng hơn nhiều là sự hợp tác này sẽ phát đi tín hiệu để Trung Quốc tham gia cuộc chơi kinh tế đa phương.

Theo Armstrong, việc Nhật Bản và Trung Quốc nhất trí hợp tác đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ là một bước đi lớn tiến tới đa dạng hóa rủi ro chính trị và kinh tế khu vực.

Nhật, Trung là hai “diễn viên chính” trong hợp tác kinh tế khu vực như được nhìn nhận trong nỗ lực hiện nay nhằm hiện thực hóa RCEP. Cam kết của hai nước nhằm hoàn tất hiệp định thương mại này và thiết lập một thỏa thuận hợp tác kinh tế xuyên suốt sẽ tạo nên một nhân tố quan trọng làm ổn định tình hình chính trị khu vực cũng như toàn cầu.

Còn nhiều điều được chờ đợi từ cuộc gặp Tập-Abe vào tuần tới cũng như chuyến thăm Nhật Bản của Tập vào đầu năm 2019.

Sự xích lại gần nhau của hai đối tác không mấy hòa hợp ở châu Á có thể giúp thế giới thoát khỏi những tình thế khó khăn mà chính Nhật Bản và khu vực đang phải đối phó hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục