Lúa Thu Đông tại Đồng bằng sông Cửu Long được mùa, được giá

Nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch trên 2,3 triệu tấn lúa Thu Đông và đạt mức lãi 35% trở lên, cao nhất từ trước đến nay.
Lúa Thu Đông tại Đồng bằng sông Cửu Long được mùa, được giá ảnh 1Thu hoạch lúa ở tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được 470.000ha trong trong số 732.000ha lúa Thu Đông, với năng suất bình quân đạt 5 tấn/ha, tăng 0,1 tấn/ha so vụ Thu Đông năm ngoái, và sản lượng đạt 2,35 triệu tấn.

Các trà lúa còn lại đang phát triển tốt nên sản lượng vụ Thu Đông có thể đạt 3,7 triệu tấn. Cộng với sản lượng lúa Đông Xuân, Hè Thu và vụ mùa, sản lượng lúa năm 2014 toàn vùng ước đạt 25,5 triệu tấn, tăng 500.000 tấn so năm 2013, chiếm 56% sản lượng lúa cả nước.

Với lượng lúa dồi dào, đến nay, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã chế biến xuất khẩu 5,1 triệu tấn, đạt 78% kế hoạch năm, giá trị đạt 2,32 tỷ USD.

Cùng với được mùa, nông dân cũng phấn khởi vì đạt mức lãi 35% trở lên, cao nhất từ trước đến nay. Mức giá lúa khô tại kho (loại thường) từ 5.700-5.800 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.850-5.950 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm từ 7.550-7.650 đồng/kg. Gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm có giá từ 7.400-7.500 đồng/kg.

Giá gạo thành phẩm 5% tấm từ 8.900-9.000 đồng/kg, gạo 15% tấm từ 8.550-8.650 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng từ 8.000-8.100 đồng/kg.

Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết: đạt kết quả trên là nhờ các tỉnh tuân thủ nghiêm túc các khuyến cáo khoa học của ngành nông nghiệp như đưa nhiều giống lúa mới, phẩm chất gạo tốt, năng suất cao, kháng sâu bệnh, có thời gian sinh trưởng ngắn (từ 85-95 ngày), cứng cây, chống chịu được với một số sâu bệnh chính như rầy nâu và bệnh đạo ôn.

Các tỉnh cũng hướng dẫn nông dân làm đất kỹ, vệ sinh đồng ruộng, chủ động nước tưới tiêu, gieo sạ đồng loạt, né rầy đúng lịch, quản lý dịch hại theo phương pháp khoa học.

Bên cạnh đó, các tỉnh cũng phân công cán bộ kỹ thuật bám cơ sở, cùng nông dân giám sát đồng ruộng, chăm sóc lúa đúng theo biện pháp khoa học. Các tỉnh cũng gia cố hệ thống bờ bao ngăn lũ, chủ động tiêu nước chống úng, hướng dẫn nông dân khẩn trương thu hoạch lúa tránh lũ tại các địa phương đầu nguồn đồng thời huy động hết các lò sấy lúa, đưa vào hoạt động, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lúa bị ẩm mốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục