Luật giáo dục phải phản ánh nhu cầu xã hội

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Chu Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thường trực Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật giáo dục 2005, qua 3 năm thực hiện, Luật giáo dục đã góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao; đồng thời góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Chu Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thường trực Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật giáo dục 2005, qua 3 năm thực hiện, Luật giáo dục đã góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao; đồng thời góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật đã nảy sinh một số vấn đề bức xúc cần sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp hơn với tình hình thực tế, tạo điều kiện cho sự nghiệp giáo dục phát triển mạnh mẽ hơn.

Luật giáo dục được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005 (thay thế Luật giáo dục năm 1998) đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động giáo dục. Trong những năm qua chủ trương đổi mới, phân cấp quản lý giáo dục đã từng bước được thực hiện.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục lần này nhằm tiếp tục thực hiện phân cấp mạnh mẽ hơn, nâng cao chất lượng giáo dục, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục.

Ông Thanh cho biết trong bối cảnh Việt Nam mở cửa, tham gia hội nhập ngày càng sâu rộng vào các quan hệ kinh tế thế giới, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục nhằm phù hợp với các cam kết quốc tế, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên.

Song những đề nghị sửa đổi bổ sung lần này không làm thay đổi số lượng các điều, không thay đổi tên điều, tên chương và kết cấu của Luật, chỉ bổ sung một số nội dung cụ thể được thể hiện trong một số khoản và một số điểm của Luật, ông Thanh nói.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đề nghị sửa đổi, bổ sung 8 vấn đề liên quan đến các chi tiết cụ thể trong 10 điều của Luật như về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; về giáo trình giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm bảo đảm có đủ giáo trình phục vụ giảng dạy, học tập. Về thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ; về thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập trường đại học, thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ; về điều kiện thành lập nhà trường hay về ưu đãi đối với học sinh, sinh viên sư phạm.

Về vấn đề sách giáo khoa, ông Thanh cũng cho biết việc quy định các tổ chức, cá nhân có quyền biên soạn sách để sử dụng làm sách giáo khoa nhằm mục đích khai thác tiềm năng trí tuệ trong xã hội, huy động các nhà giáo, nhà khoa học tham gia biên soạn sách giáo khoa. Việc có nhiều bộ sách và các tổ chức, cá nhân có thể biên soạn sách để sử dụng làm sách giáo khoa vẫn đảm bảo tính chặt chẽ, theo quy định pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể tiêu chuẩn sách giáo khoa, việc biên soạn, sử dụng sách giáo khoa. Thẩm quyền quyết định lựa chọn sách giáo khoa tại cơ sở giáo dục phổ thông ở từng địa phương được dự thảo Luật giao cho giám đốc sở giáo dục và đào tạo (hoặc Hiệu trường nhà trường theo phương án 2), vì vậy việc lựa chọn sách sử dụng làm sách giáo khoa là không thể tùy tiện mà phải tuận theo các quy định với các quy trình, trình tự, thủ tục và tiêu chuẩn cụ thể.

Ông Thanh cho rằng mỗi đề xuất trong dự thảo luật phải dựa trên cơ sở phản ánh đầy đủ các yêu cầu khách quan của xã hội, xã hội cần, xã hội có, xã hội có thể chấp nhận được. Vì thế vấn đề “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” để được Quốc hội thông qua sẽ phải thỏa mãn được những yêu cầu chính đáng của xã hội và có tính khả thi cao.

Từ nay đến khi Quốc hội xem xét quyết định, không chỉ đối với vấn đề sách giáo khoa mà đối với toàn bộ các ý kiến đề xuất trong dự án luật, sẽ là thời kỳ lấy ý kiến rộng rãi, các tổ chức và cá nhân đều có thể tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo. Dự thảo đã được công bố trên website Bộ Giáo dục và Đào tạo./.

Thiên Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục