Luật, pháp lệnh phải có tính ổn định, lâu dài

"Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong toàn khóa thì có rất nhiều luật cần phải hoàn thành để đáp ứng yêu cầu thực tế của cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Tôi mong muốn những bộ luật, pháp lệnh khi đưa vào thực hiện phải có tính ổn định, lâu dài", ông Trần Ngọc Vinh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã trao đổi với Vietnam+ ngày 4/6 bên hành lang kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII.

"Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong toàn khóa thì có rất nhiều luật cần phải hoàn thành để đáp ứng yêu cầu thực tế của cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Tôi mong muốn những bộ luật, pháp lệnh khi đưa vào thực hiện phải có tính ổn định, lâu dài", ông Trần Ngọc Vinh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã trao đổi với Vietnam+ ngày 4/6 bên hành lang kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII.

Ông nhận xét như thế nào về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 ?

Nhìn chung, chương trình xây dựng luật đã có cho toàn khóa, nhưng chương trình hàng năm thì có sự thay đổi. Đây là một vấn đề khiến tôi suy nghĩ. Có những luật rất cần điều chỉnh ngay. Ví dụ như hiện nay, 70-80% vụ việc khiếu kiện của người dân rơi vào những vấn đề liên quan đến Luật đất đai.

Vấn đề bảo hiểm tiền gửi cũng vậy, rất cần thiết nhưng ta chưa đưa vào. Trong khi đó, một số luật hiện nay chưa thật cần thiết thì lại đưa vào, ví dụ như Luật người cao tuổi.

Năm 2009, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh gồm 66 dự án và năm 2010, con số này còn nhiều hơn. Tôi nghĩ, nếu hoàn thành được toàn bộ công việc thì phải đòi hỏi sự nỗ lực lớn.

Hiện tại, tiến độ trình dự án để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra còn rất chậm ?.

Xây dựng các dự thảo luật, phần lớn là do các cơ quan của Chính phủ đảm nhiệm.

Một số dự án được Chính phủ, Hội Luật gia Việt Nam đề nghị lùi thời gian trình Quốc hội cho ý kiến để có thêm thời gian chuẩn bị như: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thanh tra; Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật báo chí (sửa đổi); Luật trọng tài thương mại; Luật biển Việt Nam.

Vấn đề đặt ra ở đây là việc soạn thảo chưa bảo đảm tiến độ và chất lượng. Một số cơ quan chủ trì soạn thảo chưa chú trọng tổng kết thực tiễn, chưa chỉ đạo sát sao, quyết liệt và đề cao tinh thần trách nhiệm trong việc chuẩn bị dự án.

Một số dự án khi đưa vào chương trình chưa xem xét một cách toàn diện về nội dung, phạm vi điều chỉnh; chưa dự báo đầy đủ yêu cầu thực tiễn nên tính khả thi chưa cao, phải rút khỏi chương trình hoặc phải điều chỉnh thời gian trình. Sự phối hợp giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan, tổ chức có liên quan chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ và còn hình thức.

Theo tôi, trong ban soạn thảo các dự án luật cần phải được thực hiện bởi những chuyên gia có trình độ. Thứ hai, cũng phải tham khảo những luật quốc tế có liên quan, từ đó đối chiếu, so sánh để áp dụng có hiệu quả, phù hợp vào điều kiện thực tế của Việt Nam.

Trên thực tế là có một số luật vừa có hiệu lực một thời gian ngắn thì đã phải đưa ra trình Quốc hội để tiến hành chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình thực tế ?.

Xây dựng luật thì phải hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật. Muốn luật mang tính chất dài hơi thì phải lường hết khả năng phát sinh của vấn đề trong thực tiễn. Nhưng trong thực tế thì một số luật chưa có được yếu tố này, cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Năm 2010, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn nặng nề hơn, gồm 47 dự án trong chương trình chính thức và 22 dự án trong chương trình chuẩn bị, ông nghĩ sao ?.

Trước khi đưa ra trình Quốc hội tại kỳ họp này thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có kế hoạch cụ thể rồi. Vấn đề quan trọng, theo tôi là phải đảm bảo chất lượng.

Luật đề ra phải có sức sống dài hơi. Muốn làm được điều này thì phải quy định những điều thực hiện ngay trong luật. Nhưng hiện tại, chúng ta đang gặp vấn đề là một số luật đã đến thời hạn có hiệu lực rồi nhưng phải một năm, vài năm sau mới có Nghị định hướng dẫn thi hành. Đây cũng là vấn đề cần khắc phục.

Xin cám ơn ông./.

Vũ Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục