Luật Quản lý thuế sửa đổi: Bớt chi phí nhưng rắc rối

Một số chuyên gia cho rằng, Luật Quản lý thuế sửa đổi sẽ giúp giảm chi phí hành chính nhưng cũng gây thêm rắc rối cho doanh nghiệp.
Ngày 25/10, kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII sẽ thông qua Luật Quản lý thuế sửa đổi, tuy nhiên theo một số chuyên gia, bên cạnh việc giúp giảm chi phí hành chính thì một vài điểm tại Luật mới sẽ thêm những rắc rối cho doanh nghiệp.

Giảm chi phí hành chính


Luật gia Vũ Xuân Tiền, Công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam cho rằng, theo sát Đề án 30 về Đơn giản hoá thủ tục hành chính phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính thuế, Luật sửa đổi có nhiều mặt mạnh như đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, quy định việc khai thuế theo quý tại các điều khoản liên quan về hồ sơ khai thuế, thời gian khai thuế, thời gian gia hạn nộp hồ sơ khai. Việc sửa đổi cho phép người nộp thuế quy mô vừa và nhỏ được khai thuế theo quý vừa có ý nghĩa thiết thực là làm giảm chi phí hành chính của người nộp thuế, hỗ trợ người nộp thuế được giãn luồng tiền nộp thuế vừa đáp ứng yêu cầu thông lệ quốc tế đồng thời nâng cao tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh.

Cải cách công tác hoàn thuế thông qua qui định rút ngắn thời hạn giải quyết đối với trường hợp “hoàn thuế trước, kiểm tra sau” từ 15 ngày làm việc xuống còn 6 ngày làm việc, giảm thời hạn giải quyết đối với trường hợp “kiểm tra trước, hoàn thuế sau” từ 60 ngày xuống 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Hay, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục gia hạn nộp hồ sơ khai thuế từ 05 ngày làm việc ngày xuống 03 ngày làm việc.

Ngoài ra, Dự thảo đã bỏ “chứng từ nộp thuế” trong hồ sơ hoàn thuế và quy định rõ người nộp thuế chỉ phải nộp 01 bộ hồ sơ hoàn thuế để minh bạch về quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế khi thực hiện hoàn thuế. Điều chỉnh cơ chế giải quyết hồ sơ hoàn thuế theo nguyên tắc quản lý rủi ro, tạo thuận lợi hoàn thuế nhanh theo kê khai của doanh nghiệp…

Làm khó doanh nghiệp xuất khẩu

Tuy nhiên, ông Tiền cũng chỉ ra một số điểm sửa đổi chưa thích hợp, thậm chí còn tạo thêm rắc rối cho doanh nghiệp.

Cụ thể, một trong những nội dung sửa đổi quan trọng trong dự thảo Luật về thời hạn nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phải nộp tiền thuế trước khi được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa; Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh, phải nộp tiền thuế, tiền chậm nộp (nếu có) trước ngày hết thời hạn bảo lãnh ghi trên thư bảo lãnh.

Trước đây, quy định ân hạn đương nhiên về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã được coi là một cải tiến quan trọng nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, theo dự thảo doanh nghiệp muốn được ân hạn sẽ phải có bảo lãnh của ngân hàng đồng nghĩa tạo thêm những thủ tục và chi phí cho doanh nghiệp.

Theo Bộ Tài chính, nhiều doanh nghiệp lợi dụng chính sách ân hạn thuế để chây ì nợ thuế, sau đó bỏ trốn hoặc tự giải thể. Song ông Tiền cho rằng, giải thích nêu trên chưa hoàn toàn có sức thuyết phục bởi Bộ chưa đưa ra được con số về tỷ lệ phần trăm các doanh nghiệp vi phạm.

Trên thực tế số doanh nghiệp nợ thuế và sau đó bỏ trốn hoặc tự giải thể cũng không phải là phổ biến, vì vậy để xảy ra tình trạng này có thể nói là do sự yếu kém của công tác quản lý thuế do đó không nên đẩy hết khó khăn và bắt các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc chịu hậu quả của sự yếu kém đó.

Ngoài ra, với quy định mới đối với nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, khi nhập khẩu, doanh nghiệp phải nộp thuế và khi xuất khẩu thì mới được hoàn. Vấn đề này làm gia tăng chi phí, đối với doanh nghiệp nhỏ sẽ phải vay vốn để nộp thuế và sau đó phải đợi tới năm, bảy tháng sau mới được xem xét hoàn thuế, hơn nức "xin" hoàn thuế vẫn đang là "cửa ải" không dễ đối với các doanh nghiệp.

Cũng như việc xin một bảo lãnh của ngân hàng hiện nay là không dễ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước không thể ra lệnh cho các ngân hàng thương mại phát hành chứng thư bảo lãnh cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu về thuế vì vậy nếu các ngân hàng yêu cầu phải có tài sản thế chấp cho giá trị được bảo lãnh thì các doanh nghiệp lại bị cộng dồn tiếp khó khăn.

Đồng tình với quan điểm trên, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, đề xuất sửa đổi quy định về thời hạn nộp thuế tại Luật Quản lý thuế dự thảo nếu được thông qua sẽ khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành sẽ gặp khó khăn chồng chất.

Cụ thể như hạn mức tín dụng của doanh nghiệp sẽ giảm từ 20 – 40% do ngân hàng trừ vào hạn mức được vay, kéo theo việc co hẹp sản xuất, kéo theo doanh thu, kim ngạch xuất khẩu cũng sẽ giảm tương ứng từ 20 – 40%. Hơn nữa, quy định này khiến doanh nghiệp không chủ động được nguồn nguyên liệu, giá thành sản phẩm cũng tăng do phát sinh chi phí lưu container, phí bảo lãnh phải trả cho ngân hàng…

Ngày 6/9/2012, VASEP đã gửi Công văn số 93/2012/CV-VASEP tới Bộ Tài chính kiến nghị về thời hạn nộp thuế 275 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng.

Trong công văn này, VASEP đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét đề xuất với Quốc hội hoặc quy định điều kiện để doanh nghiệp được hưởng ân hạn thuế hoặc chọn cách phân loại doanh nghiệp để phân luồng kiểm soát cho phù hợp như cách cơ quan Hải quan hiện đang áp dụng, hơn là quy định phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng mới được hưởng chậm nộp thuế 275 ngày.

Luật  vẫn còn đồ sộ và lấn sân

Luật sư Nguyễn Thị Bình, Văn phòng Luật sư Leadco cũng có ý kiến đóng góp một số điểm hạn chế tại Luật. Hệ thống pháp luật về quản lý thuế, hệ thống pháp luật về quản lý thuế khá đồ sộ, riêng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn luật thuế (quyết định, thông tư) đã lên tới 14 văn bản.  Ngoài ra, mỗi năm có tới hàng trăm công văn của Tổng cục Thuế vừa hướng dẫn thực hiện, vừa giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp, của các cục, chi cục thuế về vấn đề quản lý thuế. Như vậy có thể thấy rằng Luật Quản lý thuế hoặc chưa ở mức khái quát đầy đủ, hoặc chưa rõ ràng, có thể về câu chữ, hoặc quá đi sâu vào chi tiết mà bỏ sót nhiều trường hợp làm mất đi tính tổng quát của một đạo luật.

Thêm vào đó, Luật không chỉ quy định những vấn đề chung về tổ chức thực hiện việc quản lý thuế và thực thi các luật thuế nói chung mà còn có rất nhiều nội dung thuộc các luật chuyên ngành thuế. Luật cũng có nhiều điều quy định quá chi tiết, cụ thể những vấn đề lẽ ra thuộc phạm vi điều chỉnh của các văn bản dưới luật, của các luật chuyên ngành, luật hải quan. Chẳng hạn: các vấn đề về thuế xuất, nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân, thuế môn bài...

Đặc biệt các vấn đề trong quản lý thuế liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu được đề cập đến trên 20 lần, thuộc phạm vi rõ ràng của Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu như Điều 42 của Luật …

Trong tương lai sẽ có nhiều sắc thuế mới được ban hành theo xu thế chung, như vậy việc Luật Quản lý thuế can thiệp quá sâu vào các lĩnh vực chuyên ngành sẽ làm mất tính tổng quát của một luật mang tính thủ tục. Theo đó, tính ổn định của đạo luật cũng sẽ mất đi do thường xuyên bị thay thế, cập nhật, sửa đổi bởi các đạo luật thuế chuyên ngành.

Tóm lại, theo các chuyên gia, Luật Quản lý thuế là luật về thủ tục quy định các hành vi ứng xử của người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế trong thực thi quản lý thuế, về cách thức vận hành của chính sách thuế hay nói cách khác, luật quản lý thuế là luật tổ chức thực hiện các luật thuế.

Vì lẽ đó, hiệu quả của các luật về chính sách thuế như Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế giá trị gia tăng... phụ thuộc rất nhiều vào Luật Quản lý thuế. Cho dù các luật về chính sách thuế phản ánh chuẩn xác, khoa học chính sách thuế và hợp lý như thế nào nhưng nếu Luật quản lý thuế được thiết kế không phù hợp và thiếu tính khoa học thì có thể làm giảm đi tính hiệu quả của các luật thuế khác./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục