Luật thủy lợi cần quy định trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ

Đại biểu Phạm Tất Thắng cho rằng, khi cơ chế giá được áp dụng thay cho thủy lợi phí thì phải quy định trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ này.
Luật thủy lợi cần quy định trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ ảnh 1Đại biểu Phạm Tất Thắng cho rằng nên xã hội hóa một số công trình thủy lợi. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Dự thảo Luật thủy lợi được thảo luận tại Hội trường Quốc hội vào sáng 14/11 thu hút sự quan tâm của nhiều cử tri, đặc biệt với cử tri liên quan tới nông nghiệp.

Dự thảo này quy định cơ chế giá sẽ được áp dụng thay cho thủy lợi phí trước đây. Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức của xã hội về công tác thủy lợi từ “phục vụ” sang đúng bản chất dịch vụ, nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm nguồn nước.

Bên lề nghị trường, phóng viên VietnamPlus đã có trao đổi với Đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) về vấn đề này.

- Thưa Đại biểu Phạm Tất Thắng, dự thảo Luật Thủy lợi thu hút sự quan tâm của nhiều cử tri. Theo ông, Luật được trình để xem xét thông qua trong thời điểm này có hợp lý không?

Đại biểu Phạm Tất Thắng: Quy trình làm luật của chúng ta là từ nhu cầu thực tiễn của quản lý, Chính phủ trình dự thảo Luật. Tôi tán thành những lý do nêu trong tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải ban hành đạo luật này.

Tuy nhiên, khi ban hành bất cứ luật nào ngoài việc căn cứ vào yêu cầu thực tiễn thì phải chuẩn bị kỹ. Đại biểu Quốc hội cũng đã trao đổi về bất cập và những nội dung cần bổ sung trong dự Luật này. Và, chỉ khi nào chuẩn bị thật kỹ lưỡng, an tâm thì mới thông qua được một đạo luật có chất lượng.

- Trong dự thảo luật có quy định cơ chế giá sẽ được thay cho thủy lợi phí trước đây. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, khi đã thành dịch vụ thì phải có quy định về trách nhiệm của nhà cung cấp. Ông nghĩ thế nào về việc này?

Đại biểu Phạm Tất Thắng: Đây là một thực tế phải xử lý.

Lấy ví dụ về những ngành đã thu phí như ngành điện chẳng hạn. Đây là ngành cung cấp một chiều cho người dân và có nhiều quy định mang tính áp đặt: Nếu người dân không trả tiền điện kịp thời sẽ bị cắt điện. Thế nhưng, nhà cung cấp cắt điện hoặc cung cấp không đủ công suất thì lại không có xử lý ngược lại.

Quay trở lại câu hỏi của bạn, khi tính phí thủy lợi nghĩa là cung cấp dịch vụ thì phải tính đúng, tính đủ và phải cung cấp dịch vụ chất lượng tốt cho người mua. Song, cần đặt câu hỏi ngược lại là nếu nhà cung cấp không cung cấp đủ, không kịp thời, ảnh hưởng tới sản xuất, năng suất, thu nhập của người dân thì phải xử lý như thế nào?

Tôi cho rằng đây là nội dung quan trọng cần chú ý.

- Chúng ta đã nói tới rất nhiều về việc người nông dân đang phải gánh chịu nhiều loại thuế, phí. Có nhiều lo ngại khi Luật thủy lợi ra đời, người dân sẽ bị “đội” thêm phí, thưa Đại biểu?

Đại biểu Phạm Tất Thắng: Thứ nhất, nếu chúng ta gọi là sản xuất thì phải tính yếu tố đầu ra, đầu vào. Bởi thế, tôi cho rằng việc tính đúng, tính đủ chi phí nông nghiệp là bình thường.

Thứ hai, khi chúng ta chuyển từ thủy lợi phí sang phí dịch vụ thì thực chất tên gọi khác nhau, phản ánh đúng quy luật của thị trường còn bản chất người nông dân vẫn phải trả một khoản tiền nào đó. Bởi thế, tôi cho rằng nếu tính đúng, tính đủ thì phải có ràng buộc nào đó về trách nhiệm của nhà cung cấp.

Khi đã tính đúng, tính đủ phí thủy lợi thì cần đưa phí này vào giá thành sản xuất. Trên cơ sở đó, nếu cần thiết thì Nhà nước sẽ có chính sách điều tiết về mặt vĩ mô để làm sao đảm bảo chủ trương, đem lại lợi nhuận cần thiết cho người sản xuất lúa như quy định của Chính phủ đã nêu.

- Thực tế cho thấy, một số hệ thống thủy lợi ở miền Bắc đang rệu rã (như hệ thống sông Nhuệ đang bị ô nhiễm). Theo ông, khi Luật thủy lợi ra đời sẽ khắc phục vấn đề này như nào?

Đại biểu Phạm Tất Thắng: Tôi cho rằng trong dự thảo luật đã có ý hướng tới việc huy động nguồn lực của xã hội để duy trì, củng cố và phát triển hệ thống thủy lợi.

Thực tế chúng ta thấy khu vực phía Bắc, hạ tầng hệ thống thủy lợi được xây dựng bằng nguồn đóng góp chủ yếu của nhà nước, tập thể và qua thời gian, các công trình này đã xuống cấp. Thậm chí, có công trình như bạn nêu [hệ thống thủy lợi sông Nhuệ-pv] phải gánh nhiều công năng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội nên việc nâng cấp là cần thiết.

Tuy nhiên, chúng ta không thể tiếp tục đầu tư nguồn lực của nhà nước, tập thể cho các công trình này quá nhiều. Do đó, nên phân hạng mục đầu tư và huy động nguồn lực xã hội để xã hội hóa, cùng duy trì nâng cấp và khai thác công trình thủy lợi.

Luật thủy lợi cần quy định trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ ảnh 2Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

- Theo ông, Luật thủy lợi nên thông qua vào thời điểm nào thì hợp lý?

Đại biểu Phạm Tất Thắng: Tôi cho rằng sau Kỳ họp này, nếu cơ quan soạn thảo hoàn chỉnh được dự thảo luật theo đóng góp của Đại biểu Quốc hội, luật đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng thì hoàn toàn có thể thông qua ở Kỳ họp thứ 3.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục