“Lục địa già” châu Âu điêu đứng với khủng hoảng người nhập cư

Làn sóng người nhập cư ồ ạt đổ vào châu Âu trong những tháng qua đang trở thành mối lo ngại lớn nhất đối với “lục địa già,” thậm chí còn cao hơn cả nỗi lo về kinh tế và thất nghiệp.
“Lục địa già” châu Âu điêu đứng với khủng hoảng người nhập cư ảnh 1Người nhập cư trái phép chờ đợi được đăng ký bên ngoài một đồn cảnh sát ở đảo Kos, Hy Lạp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Làn sóng người nhập cư ồ ạt đổ vào châu Âu trong những tháng qua đang trở thành mối lo ngại lớn nhất đối với “lục địa già,” thậm chí còn cao hơn cả nỗi lo về kinh tế và thất nghiệp.

Cùng với gánh nặng nợ công, cuộc khủng hoảng người nhập cư đang khiến Liên minh châu Âu (EU) "điêu đứng" khi những tranh cãi liên quan vấn nạn này làm tạo ra sự chia rẽ trầm trọng trong nội bộ khối.

Biến động chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi là nhân tố chính tạo nên làn sóng người tị nạn di cư sang châu Âu. Kể từ năm 2011, số vụ vượt biên trái phép vào EU đã tăng vọt sau cơn địa chấn mang tên “Mùa Xuân Arab” với hàng nghìn người di cư từ Tunisia cập bến đảo Lampedusa của Italy, nơi chỉ cách Tunisia 113km.

Câu chuyện trở nên phức tạp hơn trong vài năm qua khi nhiều nước Bắc Phi và Trung Đông rơi vào bất ổn. Những cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền với mục tiêu “gieo mầm dân chủ” kiểu phương Tây ở một loạt quốc gia như Libya, Ai Cập, Syria... đã gây ra cảnh hỗn loạn, đẩy người dân các nước này chạy sang châu Âu tìm nơi thoát nạn.

Một số nước châu Âu từng cổ súy cho cái gọi là "Mùa Xuân Arab" ở Trung Đông-Bắc Phi, nay phải hứng chịu dòng người tị nạn từ chính các quốc gia đó.

Ngoài những người là nạn nhân của các cuộc xung đột, nhiều người còn bất chấp mạo hiểm tính mạng trên hành trình tới châu Âu với hy vọng tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chỉ tính riêng từ bờ biển Libya, mỗi tháng hàng chục nghìn người di cư và tị nạn, chủ yếu đến từ Syria, Libya, Nigeria, Bangladesh, chen chúc trên những con thuyền cũ nát, ọp ẹp vượt Địa Trung Hải tìm cách cập bến Italy, Malta, Hy Lạp. Tại đây, những trại tạm cho người nhập cư lúc nào cũng chật cứng người, trở thành gánh nặng cho các nước châu Âu "tuyến đầu."

Nhiều cuộc họp khẩn cấp của giới chức EU đã được tổ chức và nhiều giải pháp đã được đưa ra, nhưng cho đến nay dường như vẫn chưa có phương án nào được coi là tối ưu.

EU đã chính thức khởi động lực lượng EU Navfor Med (lực lượng hải thuyền EU tại Địa Trung Hải) với những phương tiện lớn như tàu chiến, tàu ngầm, máy bay trinh sát nhằm ngăn chặn những chiếc thuyền chở người nhập cư trái phép vào châu Âu.

Các nước Pháp, Anh, Đức và Tây Ban Nha cung cấp tàu chiến, Tây Ban Nha và Slovenia cùng các thành viên khác gửi máy bay và trực thăng. Một lực lượng quân sự dồi dào có nhiệm vụ trấn áp những kẻ buôn người.

Ủy ban châu Âu (EC) cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ Pháp và Anh đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư qua tuyến đường hầm Channel xuyên eo biển Manche với khoản hỗ trợ tài chính đầu tiên trị giá 20 triệu euro cho Pháp, trong khi Anh đã nhận được 27 triệu euro.

Tuy nhiên, hàng ngày vẫn có thêm nhiều người di cư gặp nạn trên Địa Trung Hải trong hành trình hiểm nguy và mù mịt tìm tới châu Âu.

Dòng người nhập cư đổ về cảng Calais thuộc miền Bắc nước Pháp, điểm đến trước khi vào Anh, bằng tuyến đường hầm qua eo biển Manche tăng đột biến. Lúc cao điểm có tới 2.000 người tìm cách trốn sang Anh chỉ trong vòng một đêm. Nhiều người bất chấp cả tính mạng, đối đầu với các lực lượng an ninh tại đường hầm.

“Lục địa già” châu Âu điêu đứng với khủng hoảng người nhập cư ảnh 2 Người nhập cư tại khu vực cảng Calais, miền Bắc Pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc cho biết chỉ trong bảy tháng đầu năm nay đã có khoảng 224.000 người di cư chạy trốn khỏi chiến tranh và nghèo đói tới châu Âu bằng đường biển, trong đó 98.000 người tới Italy và hơn 124.000 người tới Hy Lạp. Đáng buồn nhất là con số hơn 2.000 người thiệt mạng trên Địa Trung Hải và hàng nghìn người mất tích trên biển.

Trong khi chiến dịch ngăn chặn làn sóng nhập cư vào châu Âu chưa biết sẽ mang lại hiệu quả thế nào thì ngay trong nội bộ các nước EU lại xuất hiện sự chia rẽ. "Mạnh ai nấy làm" là tình cảnh chung trong chính sách đối phó với tình trạng nhập cư ở châu Âu, thậm chí một số biện pháp đã tỏ ra cực đoan.

EC đã đưa ra một đề xuất gây tranh cãi là các nước thành viên EU phải tiếp nhận người tị nạn theo quy chế phân bổ hạn ngạch. Tuy nhiên, cho đến nay, Anh vẫn phản đối kế hoạch này.

Quan điểm của London đặt Thủ tướng Anh David Cameron vào thế mâu thuẫn với người đồng cấp Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo EU khác, đặc biệt trong bối cảnh ông đang khởi động kế hoạch tái thương lượng mối quan hệ giữa Anh với EU trước khi tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân vào năm 2017 về việc Anh có tiếp tục ở lại EU hay không.

Ngoài ra, các tiêu chuẩn nhằm phân biệt những người tìm kiếm quy chế tị nạn chính trị và di cư vì lý do kinh tế thực sự không rõ ràng, mặc dù hai nhóm này, theo quy định của luật pháp quốc tế, được hưởng những mức độ trợ giúp và bảo vệ khác nhau. Sự nhập nhèm này bị các quy định về việc nộp đơn xin tị nạn chính trị của 28 quốc gia thành viên EU làm cho phức tạp hơn. Do vậy, EU không chỉ phải đối mặt với bài toán về số lượng người nhập cư mà còn với chính những vấn đề thuộc về thể chế của khối này trong việc chung tay đối phó với khủng hoảng nhập cư.

Trước tình hình khó kiểm soát trên, một số chính trị gia cho rằng EU nên học theo chính sách quản lý nhập cư của Australia. Kể từ năm 2013, chính phủ Australia đã áp dụng biện pháp mạnh tay với làn sóng nhập cư trái phép, điển hình như việc huy động lực lượng quân đội mở chiến dịch “Biên giới có chủ quyền” để chặn đứng dòng người tị nạn vượt đại dương tới Xứ sở Chuột túi.

Hầu hết các tàu chở người tị nạn đã bị lực lượng hải quân Australia chặn đứng từ ngoài khơi xa, khiến những người này phải tiếp tục lênh đênh nhiều ngày trên biển để trở về nơi xuất phát. Tuy nhiên, chính sách này này bị coi là quá hà khắc cho dù cũng có ý kiến ủng hộ bởi thực tế cho thấy nó đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc ngăn chặn làn sóng nhập cư trái phép.

EU hiện vẫn đang lúng túng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư bất hợp pháp khi mà phần lớn người nhập cư là nạn nhân của chiến tranh, xung đột, bị đói, bị ngược đãi, bị lợi dụng. Tranh cãi cho một giải pháp được cả “lý và tình” có lẽ vẫn sẽ là bài toán khó đối với “lục địa già” vốn tồn tại nhiều bất đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục