Lực lượng an ninh kiểm soát phần lớn Bangkok

Sau hai ngày bất ổn leo thang do người biểu tình chống chính phủ đụng độ với các lực lượng an ninh Thái Lan, khiến ít nhất 2 dân thường thiệt mạng và hơn 110 người bị thương, đêm 13/4, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva khẳng định sứ mệnh của chính phủ trong việc lập lại trật tự kỷ cương sẽ sớm hoàn tất.

Sau hai ngày bất ổn leo thang do người biểu tình chống chính phủ đụng độ với các lực lượng an ninh Thái Lan, khiến ít nhất 2 dân thường thiệt mạng và hơn 110 người bị thương, đêm 13/4, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva khẳng định sứ mệnh của chính phủ trong việc lập lại trật tự kỷ cương sẽ sớm hoàn tất.
 
Mục tiêu khôi phục trật tự có thể đạt được trong thời gian nghỉ Tết cổ truyền (Songkran) của Thái Lan từ 13-15/4.
 
Trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia, Thủ tướng Abhisit cho biết mặc dù phần lớn thủ đô Bangkok đã nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng an ninh, nhưng nguy cơ bạo lực vẫn rất cao do những người biểu tình sử dụng "chiến thuật đa dạng" nhằm vào các địa điểm trọng yếu trong thành phố, hoặc tiến hành các âm mưu gây hiểu nhầm, dẫn tới xung đột.
 
Trước đó, phong trào áo đỏ đã tìm cách tung tin chính phủ giết hại hàng chục, hàng trăm người biểu tình vô tội trong chiến dịch trấn áp ngày 13/4.
 
Ông Abhisit cũng kêu gọi những người biểu tình "vì lý tưởng chính trị" nhanh chóng trở về nhà, để chính phủ có thể trấn áp những người "cố tình vi phạm pháp luật". Ông đánh giá cao sự hỗ trợ của nhân dân đối với lực lượng an ninh thực thi nhiệm vụ.
 
Phát biểu của Thủ tướng Abhisit được đưa ra sau khi lực lượng an ninh Thái Lan tối 13/4 giành lại quyền kiểm soát hầu hết các giao lộ quan trọng ở thủ đô Bangkok. Các nhóm biểu tình áo đỏ rải rác trong thành phố đã bị đẩy lùi và rút về tập trung tại khu vực Tòa nhà Chính phủ, lấy đây làm căn cứ cuối cùng để chống lại lực lượng an ninh.
 
Đụng độ giữa lực lượng an ninh với người biểu tình tại nhiều địa điểm ở Bangkok trong ngày 13/4 đã khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và 113 người bị thương. Hai nạn nhân đều là thường dân ở Bangkok.
 
Dư luận quốc tế đã lên tiếng phản đối các hành vi bạo lực của những người biểu tình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Wood ngày 13/4 cho biết Chính phủ Mỹ lên án hành động bạo lực của những người biểu tình áo đỏ, coi đây là hành động không thể chấp nhận được. Washington đang theo dõi sát tình hình ở Thái Lan, đồng thời kêu gọi lực lượng biểu tình không sử dụng bạo lực, chỉ biểu tình hòa bình.
 
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) ngày 13/4 cũng bày tỏ "rất lo ngại" về tình hình Thái Lan. Tuyên bố của CH Séc, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, kêu gọi những người biểu tình không gây thêm hành động bạo lực khiến căng thẳng gia tăng và làm tổn hại hình ảnh của đất nước Thái Lan.
 
EU hy vọng mâu thuẫn chính trị ở Thái Lan sẽ được giải quyết thông qua đối thoại và các biện pháp dân chủ trong khuôn khổ hiến pháp. EU cũng nhấn mạnh Chính phủ Thái Lan có trách nhiệm bảo vệ công dân Thái Lan cũng như người nước ngoài ở Thái Lan.
 
Một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Australia, Nga và Hongkong (Trung Quốc) đã khuyến cáo công dân của họ không nên tới Thái Lan./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục