Lực lượng an ninh Sudan bắt giữ Phó thủ lĩnh phong trào SPLM-N

Phó thủ lĩnh phong trào SPLM-N, ông Yasir Arman, đang sống lưu vong và bị kết án tử hình vắng mặt, song gần đây đã trở về Sudan và bị lực lượng an ninh nước này bắt giữ.
Ông Yasir Arman bị bắt giữ khi trở về nước. (Nguồn: telegraph.co.uk)
Ông Yasir Arman bị bắt giữ khi trở về nước. (Nguồn: telegraph.co.uk)

Một người phát ngôn của Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan miền Bắc (SPLM-N) ngày 5/6 cho biết phó thủ lĩnh của nhóm nổi dậy này, ông Yasir Arman, đã bị bắt.

Theo người phát ngôn trên, ông Arman đã bị lực lượng an ninh bắt giữ. Ông này đang sống lưu vong và bị kết án tử hình vắng mặt, song gần đây đã trở về Sudan.

Trong một diễn biến khác, hãng thông tấn SPA của Saudi Arabia đưa tin, nước này đang theo dõi với những quan ngại sâu sắc về những diễn biến tại Sudan.

Saudi Arabia khẳng định ủng hộ việc tiếp tục đối thoại giữa Hội đồng quân sự chuyển tiếp Sudan (TMC) với phe đối lập, vốn bị sụp đổ.

Tuyên bố của SPA nêu rõ: "Saudi Arabia hy vọng tất cả các phe phái tại Sudan sẽ lựa chọn đối thoại mang tính xây dựng để đảm bảo an ninh và ổn định, cũng như bảo vệ người dân trước bất kỳ hiểm họa nào trong khi vẫn duy trì lợi ích và đoàn kết dân tộc của Sudan."

Saudi Arabia khẳng định tầm quan trọng của việc nối lại đối thoại giữa các phe phái nhằm thực hiện nguyện vọng của người dân Sudan anh em.

[Chính biến ở Sudan: Quân đội bác bỏ sử dụng vũ lực giải tán biểu tình]

Ngày 5/6, TMC tuyên bố sẵn sàng đàm phán với các nhóm biểu tình không kèm bất kỳ điều kiện nào.

Trước đó, người đứng đầu TMC, Tướng Abdel Fattah al-Burhan tuyên bố TMC quyết định chấm dứt những thỏa thuận đã đạt được với người biểu tình về giai đoạn chuyển tiếp, đồng thời kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử trong vòng 9 tháng tới.

Tuy nhiên, các lãnh đạo biểu tình kêu gọi những người ủng hộ tiếp tục tham gia phong trào phản kháng nhằm lật đổ TMC, sau khi hội đồng này sử dụng bạo lực giải tán các cuộc biểu tình ngồi kéo dài bên ngoài trụ sở quân đội tại thủ đô Khartoum ngày 3/6 khiến 60 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Hiệp hội Nhà nghề Sudan (SPA), lực lượng đầu tiên phát động làn sóng biểu tình dẫn tới việc quân đội phế truất Tổng thống Omar al-Bashir hồi tháng Tư, đã bác bỏ kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử của TMC, cho rằng hội đồng này không có quyền quyết định số phận của người dân cũng như tiến trình chuyển tiếp sang một chính phủ dân sự tại Sudan.

Kể từ khi Tổng thống Sudan al-Bashir bị phế truất hôm 11/4, an ninh tại nước này vẫn bất ổn và hàng nghìn người dân tiếp tục biểu tình đòi TMC chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước.

Người biểu tình và TMC đã nhiều lần đàm phán nhưng chưa thống nhất được về những nội dung cơ bản của việc thành lập Hội đồng chuyển tiếp hỗn hợp, một bước đệm để quân đội chính thức chuyển giao quyền lãnh đạo.

TMC muốn nắm quyền kiểm soát hội đồng chuyển tiếp này, trong khi lực lượng biểu tình muốn đa số thành viên hội đồng thuộc phía dân sự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục